Có người thạo gốm cổ Việt Nam đi thăm di tích Hoàng thành Thăng Long rồi viết: “Từ những viên gạch lát nền, lát thềm, gạch xây tường, ngói lợp mái, ngói ống, ngói nóc tới các đầu rồng, đầu phượng, các linh thú, các thạp, thố, bình, ấm, chén, bát, đĩa v.v. (...) Tất cả (...) đều in đậm nét văn hoá Đại Việt”.(1) Gốm ấy hồi năm 1997 đã có mấy nhà sưu tầm Tây phương nhận xét: “Một kết hợp độc đáo giữa sáng tạo bản địa và một số yếu tố ngoại lai từ Trung Quốc, Khơ-me, Chàm và Ấn-độ (...) Người Việt Nam đã tạo ra những món đồ gốm tinh tế nhất vùng Đông Nam Á”.(2) Chúng tôi đã được xem khá nhiều đồ gốm Lý – Trần và cả đồ gốm cổ Tàu và nhận thấy về kỹ thuật gốm ta luôn thua gốm Tàu nhưng về mỹ thuật lại có giá trị hơn. Sản phẩm Đại Việt mộc mạc mà tinh tế. Sản phẩm Trung Quốc cùng thời thì cầu kỳ và tinh xảo, nghĩa là rắc rối và khéo. Khéo chứ không phải đẹp. Còn tại sao “nổi dậy (…) của (…) cương quyết và mềm mại”? Nhà khảo cổ Hà Văn Tấn có lần nhận định về đồ gốm Phùng Nguyên: “Họa tiết (…) dứt khoát mà vẫn mềm mại”.(HVT) Một nét văn hóa dân tộc cơ bản đã bay lên theo con rồng Lý. (Thu Tứ)

(1) Hoàng Quốc Hải, “Thành xưa in dấu”, 2004. (2) John Stevenson & John Guy,
Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition, Mỹ, 1997.



Thái Bá Vân, “Mỹ thuật Lý”




Mô hình Lý là tượng trưng (..) Mỹ thuật Lý là cổ điển (...) Chưa bao giờ tâm trạng con người Việt Nam lại thanh thản, thăng bằng, và hồn nhiên, như trong vài thế kỷ đầu của nước Ðại Việt (...) Trong hình thái Lý có sự nổi dậy kín đáo của một ý chí nghệ thuật cương quyết nhưng mềm mại. Ðó là một nét thuộc bản sắc dân tộc.


(Thái Bá Vân,
Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, 1997)