Trịnh Sinh, “Trống đồng là nhạc cụ”




Xét về góc độ âm nhạc, trống đồng là nhạc cụ tạo tiết tấu cho một dàn nhạc. Bằng nghệ thuật chọn lọc các hợp kim đúc, người xưa đã tạo được những âm sắc trầm hùng cho trống, những âm thanh có độ ấm mà không đục, độ vang mà không rè. Chỉ riêng một chiếc trống cũng đã có một số âm chứ không phải chỉ là một âm đơn điệu. Người xưa chắc hẳn đã đánh trống chủ yếu ở giữa mặt, nơi mà hình Mặt Trời nổi rõ, được đúc dày. Ngoài ra, người xưa cũng đánh trống ở những vành hoa văn quanh Mặt Trời, đánh ở tang và thân trống. Tài liệu dân tộc học cũng cho thấy các dân tộc sử dụng trống đều có cách đánh trống ở nhiều điểm trên trống để tạo những âm thanh khác nhau. Người Việt khi sử dụng trống da như sau này chúng ta thấy, cũng sử dụng cả phần mặt lẫn phần tang, giữa hai phần có những âm thanh mang cao độ khác nhau.

Thực nghiệm đo âm thanh trên trống cũng cho thấy hiệu quả các phần trên trống đồng về mặt âm thanh. Nhạc sĩ Cao Xuân Hạo định âm trên trống Ngọc Lũ như sau:

- Ngôi sao giữa mặt có nốt Mi

- Vành hoa văn 1 và 3 có nốt Si giáng

- Vành hoa văn 4 và 5 có nốt Mi - Pha

- Vành hoa văn 7 có nốt Si giáng

- Vành hoa văn từ 9 trở ra lại nốt Mi (Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn, 1960).

Kết cấu trống đồng cũng cho thấy, khác với chiên đồng, trống có một thùng cộng hưởng độc đáo: phần tang phình, phần thân và chân loe ra giúp trống có âm thanh vang xa, từ những âm ban đầu được nhân lên về mặt cường độ. Không những vậy, người xưa còn đào hố rộng rồi treo trống đồng lơ lửng giữa hố, giúp cho âm thanh đã mạnh rồi lại mạnh hơn nữa. Có thể coi các hố đào này cũng lại là một loại thùng cộng hưởng nữa. Hình ảnh của những “hố cộng hưởng” như vậy có trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và còn thấy ở nhiều dân tộc sử dụng trống đồng gần đây.

Người xưa đánh trống đồng ở tư thế đặt úp trống, những quai trống đã được lồng dây treo lên. Người Mường (Vĩnh Phú) hiện nay vẫn đặt trống ở tư thế đó. Người Mường cũng dùng những dùi trống dài như chày giã gạo và khoảng ba đến bốn người đứng quanh trống dùng chày đánh vào mặt trống theo hướng thẳng đứng. Hình trên trống Ngọc Lũ cũng cho thấy một tốp bốn người (…) đánh (trống) như giã gạo (…) như người Mường.

Người xưa có thể dùng dùi bằng gỗ, đầu bọc vải như tài liệu dân tộc học chỉ rõ (...)

Trong dàn nhạc đương thời, người xưa không chỉ sử dụng một trống mà nhiều trống. Hình khắc trên trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Ðà cho thấy có bốn trống. Mỗi chiếc trống đồng có kích thước khác nhau, sản sinh ra những thang âm khác nhau (…) Ðôi khi (…) người xưa sử dụng cả (…) hơn một chục chiếc (như) được khắc họa rõ nét trên một chiếc thùng đồng có nắp (…) tìm thấy ở Thạch Trại Sơn, Vân Nam năm 1959.


(Trịnh Sinh, chương IX, “Ðời sống tinh thần của người Ðông Sơn”,
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam (nhiều tác giả, Viện Khảo cổ học), nxb. Khoa Học Xã Hội, 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)