Lê Văn Lan, “Trống đồng là nhạc cụ”




Trống đồng là một thứ nhạc khí tiêu biểu và điển hình về nhiều mặt của thời Hùng Vương. Ðặc trưng của nó là một nhạc cụ gõ, khai thác tiếng vang của kim loại, có những bộ phận chứa đựng, cộng hưởng và truyền âm độc đáo, với quy mô lớn, mà sự cấu tạo của những chiếc trống đồng cổ nhất, gồm ba phần rõ rệt, là sự phản ánh tiêu biểu: mặt và tang trống phình ra thành một vòm chứa đựng âm thanh, cộng hưởng và chuyền qua thân trống hình trụ thon lại, và cuối cùng, òa ra ngoài từ chân trống loe rộng như một miệng loa. Một cách cấu tạo như thế của trống, cho thấy rằng chức năng chính của nó là tạo nên những âm thanh hùng vĩ. Dụng ý của người thời Hùng Vương, khi làm trống và sử dụng trống, là muốn gây ra sự âm vang, náo động.(1) Những âm thanh như thế, qua chính những hình khắc họa ngay trên trống đồng, thấy được tạo ra bằng cách đánh trống theo kiểu giã cối chày đứng.(2)


(Lê Văn Lan, “Ðời sống văn hóa”,
Thời đại Hùng Vương (nhiều tác giả), in lần đầu năm 1971, nxb. Văn Học tái bản năm 2008. Nhan đề phần trích tạm đặt.







_________
(1) Tư liệu dân tộc học và văn học dân gian có thể giúp cho thấy rõ thêm điều này, qua những cách khác nhau mà một số nhà nghiên cứu cận hiện đại đã quan sát được, ở trường hợp những người sử dụng trống đồng cố gắng tìm cách khuếch đại âm thanh của nhạc cụ này, như: hoặc đào thêm hố cộng hưởng dưới đất, hoặc đánh trống trên mặt nước, hoặc chao đảo các vật hình phễu ở phía sau thùng trống treo ngang v.v.; và qua những truyền thuyết cùng trường hợp sử dụng trống, như: trống sấm, trống cầu đảo, trống trận, trống hội, trống lệnh v.v.
(2) Ở những chiếc trống đồng có niên đại giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên, thấy khắc họa lại ngay chính những chiếc trống đồng đó, đặt thành giàn hai hoặc bốn chiếc, có người cầm gậy như cầm chày đứng, dộng thẳng xuống mặt trống.