Thế còn cái truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” của người Tày thì sao? Có phải thực ra hoàng tộc Thục lưu vong đã không vào nước Tây Âu, mà vào đất của bộ Nam Cương, rồi cha Thục Phán được dân ở đó tôn làm thủ lĩnh (xem Đào Duy Anh)? Nhưng Bình Nguyên Lộc có nêu được hai điểm quan trọng. Một là đường đi từ nước Thục tới nơi hoàng tộc Thục định cư không phải quá xa. Hai là trình độ văn hóa cao của người Thục. (Thu Tứ)



Bình Nguyên Lộc, “Thục Phán từ Ba Thục”




Tả truyện chép rằng sau khi Tư Mã Thác diệt nước Thục thì dân Thục (có lẽ chỉ là quý tộc Thục) bỏ xứ, sang nước Ba, rồi tràn vào nước Sở, nhưng không phải là xâm lăng, mà là để đi đâu nữa đó không biết.

Nước Ba đồng chủng Thái với họ (...) (nhưng) đã bị Tàu cai trị rồi (...) (Còn) nước Sở (...) (dân vốn là người Việt tộc nhưng) đã bị đồng hóa sâu đậm (...) (Ý nói những người Thục di tản không thể ở lại đất Ba hay đất Sở - TT) (…)

Họ đi đâu?

Dĩ nhiên là họ đi ở trọ với một cường quốc đồng chủng với họ là nước Tây Âu chớ không phải là đi Quí Châu, mặc dầu ở Quí Châu cũng là đất của người Thái, vì Quí Châu là đất núi non nghèo khó, khí hậu lại xấu.

Sử Tàu chép chuyện Con của vua Thục cướp nước của Lạc Vương (...)

Ta còn nghi ngờ, vì cái sự kiện quá xa, và sự so le thời điểm (…) Nhưng cả hai vấn đề ấy đều có thể giải thích rõ ràng.

Khi mất nước, người Thục hẳn phải chạy xuống Tây Âu chớ không thể chạy vào một quốc gia khác chủng được. Mà muốn tới Tây Âu họ chỉ phải đi qua có hành lang Quí Châu, chớ không có quá xa như ta tưởng tượng. Mà họ cũng khỏi phải đi bộ, nhờ con sông Tường Kha, sông này dùng được từ Quí Châu tới biên giới Quảng Ðông nay.

Theo Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ thì khi bà Lữ Hậu muốn đánh Triệu Ðà, bà không biết làm thế nào để tiến quân vì không có đường đi, con đường mà quân Tần Thỉ Hoàng đã dùng không tiện và rất là mạo hiểm. Một ông vua Thái ở Vân Nam tên là Ðường Mông, vốn ghét Triệu Ðà đã cướp đất Thái Tây Âu, bèn mách cho bà ấy con sông nói trên.

Các sử gia ta cứ nói Tứ Xuyên và Việt Nam cách nhau quá xa, không thể đi được vào thời đó, nhưng thật ra thì con vua Thục đâu có đi thẳng từ Thục tới Văn Lang, mà ông ấy chỉ đi từ Thục tới Quảng Tây, qua hành lang Quí Châu nhờ sông Tường Kha.

Sở dĩ thoạt tiên họ mượn đường của nước Sở để phải bị đánh bật ra là vì hành lang Quí Châu có những nơi phải đi bộ, trèo núi cực nhọc, chớ không phải sông Tường Kha là con sông suôn sẻ từ đầu đến cuối. Nhưng rốt cuộc rồi họ vẫn phải dùng cái hành lang Quí Châu đó vì bị Sở ngăn cản.

Tới Quảng Tây là tới nước Tây Âu rồi (...) Quảng Tây (...) chỉ cách nước Ba có một tỉnh, tỉnh Quí Châu (...) không phải là quá xa đối với người cổ, họ đi mười lần xa hơn nữa kia (…)

Nước Thục rất văn minh (...) thuở mất nước, họ đã biết nghề sơn mài, còn Trung Hoa thì chưa biết (...) (Người Thục) di cư (...) hoạt động rất mạnh, lập ra một thành phố lừng danh vào thuở ấy là Ðại Phố (...) hoạt động được nhờ sự kiện đồng chủng đồng ngôn ngữ với dân Tây Âu.

Họ tài ba lắm, nhưng không lấy nước lại được (...) vì Hoa chủng di cư vào Thục rất đông (…)

Tả truyện có chép chuyện đám di cư này bị nước Sở đón đánh tại Hồ Nam là đất nam Sở. Ðó là tài liệu cổ nhứt về con đường (...) di cư nhưng ít ai chú ý tới. Họ chọn đường Hồ Nam cho dễ đi. Nhưng gặp người Tàu lai Việt ở đó là Sở, khác giống, họ bị đánh bật ra, đành phải dùng con đường khó đi hơn là đường Quí Châu.

Quí tộc Thục hẳn đông hàng ngàn, lại có thê tử và nô bộc và một mớ quân sĩ trung thành nữa, thành thử tuy không phải là dân, họ cũng có thể đông đến vài ba ngàn.

Nhưng vua, hoàng hậu, hoàng tử (...) Thục đều bị tướng Tư Mã Thác của (...) Tần giết chết rồi thì làm sao mà còn con vua Thục được?

Ta giả thuyết rằng một bà thứ phi Thục thoát nạn (...) Bà phi ấy đang mang thai. Tới Tây Âu ít lâu, bà hạ sanh một đứa con trai (…)

Chú bé ấy (...) được tôn làm Vua Thục trong cộng đồng lưu vong Thục (...)

Ông vua Thục lưu vong ấy chết đi, có thể để lại một đứa con trai (...) tên là Phán (...) (Phán) là con vua Thục (...) lưu vong (…)

Năm mà kẻ tên Phán (...) 23 tuổi là năm 268 trước Tây lịch. Mười một năm sau, tức năm ông ấy 34 tuổi, ông mới cất quân đánh Hùng Vương thứ 18. Ðó là vào năm 257 trước Tây lịch (…)

Do đâu mà Thục Vương tử mộ quân Tây Âu được? (...)

Sự kiện những vua lưu vong được các nước tiếp khách giúp đỡ (...) không thiếu (...) trong lịch sử thế giới. Phương chi như đã nói, dân Thục lưu vong lại tài ba, hoạt động nhiều (...)

Thục Vương tử đánh Hùng Vương để chi? (…)

(Vì) cướp nước khác (mà ở), vẫn hơn là ở trọ nước Tây Âu mãi (...)

Sử liệu về sự thù hiềm hỏi vợ thất bại của Thục Phán có thể là sự thật... ở bên ngoài. Kẻ tên Phán ấy chỉ mượn cớ đó để đánh Hùng Vương mà thôi.

Ðó là một cuộc xâm lăng, nhưng kẻ xâm lăng, từ thủ lĩnh (Thục) đến lính (Tây Âu) đều đồng chủng với ta (...) thế nên kẻ xâm lăng thắng trận rồi, không diệt Lạc hầu, Lạc tướng (...)

(Không có) sự kiện sáp nhập đất đai giữa Tây Âu và Âu Lạc (...) hai lý do (...) (A) (Thục) Phán không dại mà chinh chiến khó nhọc để dâng kết quả cho Trạch Hu Tống, khi y chỉ là (...) (người) ở trọ, chớ không hề là quan là tướng của Trạch Hu Tống. (B) Sử Tàu nói là y xưng vương (...) (chớ) không hề là phó vương của Trạch Hu Tống, như vậy thì không có thể có một cuộc sáp nhập lỏng lẻo nào hết (…)

Thuyết về An Dương Vương trên đây không ổn nếu tin theo Tư Mã Thiên. Tác giả Sử ký viết rằng Triệu Ðà diệt An Dương Vương năm 180 trước Tây lịch.

Thế thì vua An Dương Vương đã (trên) 100 tuổi rồi vào năm đó, thì còn làm sao mà đánh giặc (tức chống cự với Triệu Ðà) được? Nhưng Tư Mã Thiên đã viết sai sự thật (...) Triệu Ðà qua đời năm 137 trước Tây lịch. Ông ta ở ngôi được 70 năm. Ðó là hai điểm chắc chắn. Như vậy năm ông ta diệt An Dương Vương và lên ngôi phải là (…) năm -207.


(Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971)