“Văn là người”. Ðọc một bài văn là tiếp xúc với tim óc của một người. Dĩ nhiên “tiếng là người”. Tìm hiểu tiếng nói là tìm hiểu tim óc của cả một cộng đồng người. (Thu Tứ)



Võ Phiến, “Tiếng nói và dân tộc tính”




Người họa sĩ dùng màu sắc để diễn tả ý tình; nhà văn dùng ngôn ngữ. Chất liệu của hội họa khắp nơi dần dần thành đồng nhất; xưa kia, có kẻ dùng sơn mài, người dùng mực tàu, có xứ dùng sơn dầu trên bố, có xứ quẹt bút lông trên lụa v.v.; ngày nay các phương tiện riêng đều nhập làm của chung, họa sĩ nước nào cũng có thể mua cùng một loại màu để vẽ trên cùng một chất vải.

Dĩ nhiên, cùng một chất liệu không đưa đến cùng một nét vẽ: ai có cá tính nấy, dân tộc nào có tính cách riêng của dân tộc nấy. Dù sao, cái đặc thù không nằm ngay trong phương tiện diễn đạt.

Phương tiện của văn chương thì khác. Phương tiện ấy gần như không hẳn là một phương tiện.

Ngọn bút lông màu mực tàu có thể là những món thích hợp nhất để dân tộc này, chất sơn dầu để một dân tộc khác sử dụng hầu biểu hiện tâm hồn mình bằng màu sắc; hệ thống ngũ cung thích hợp cho dân tộc này, hệ thống tam cung tứ cung cho những dân tộc khác dùng biểu hiện tình ý bằng âm thanh. Ðó là những phương tiện, có ít nhiều liên hệ với cá tính dân tộc. Nhưng tiếng nói thì không phải chỉ có liên hệ: Tự nó, nó đã là một công trình trong đó được biểu hiện nhiều nét đặc thù của dân tộc tính.

Dùng tiếng nói để phô diễn cảm nghĩ? - Tiếng nói của một dân tộc tự nó đã hàm ngụ lề lối cảm nghĩ của dân tộc ấy rồi. Thành thử người làm văn thơ có chỗ không giống các nghệ sĩ khác: người làm văn thơ bị hồn thiêng dân tộc đeo đuổi, ám ảnh, canh giữ, ràng buộc, qui định; mặt khác, người ấy được nó bảo vệ, dìu dắt, hướng dẫn, ngay bằng cái phương tiện sử dụng.

Viết bằng Việt ngữ là có Việt tính rồi. Hoặc ít hoặc nhiều, tự nhiên phải có.

Nghe nói hồi thế kỷ thứ XIII, Trần Cương Trung sang ta một chuyến, về Tàu kể lại trong sách Sứ Giao Châu tập đại khái rằng dân ta nói nhanh, giọng cao, giống như chim kêu, phong gọi là gió, vân gọi là mây, thủy gọi là nước, nam gọi là can đa, nữ gọi là can ái v.v.

Không biết viên sứ nhà Nguyên chú ý làm gì đến những chuyện vô vị như thế. Giữa tiếng ta và tiếng Tàu bộ không có chỗ nào khác nhau ngộ nghĩnh hơn sao?

Sau họ Trần, nhiều người nêu lên chuyện cú pháp chẳng hạn: Bên này nói “xanh trời” (thanh thiên), bên kia nói “trời xanh”, bên này nói “trời con” (thiên tử), bên kia nói “con trời”, bên này nói “nước đáy trăng hình” (thủy để nguyệt ảnh), bên kia nói “hình trăng đáy nước” v.v. Ðôi bên đều có thể tự hỏi: “Không biết đầu óc những kẻ kia ra sao mà họ nói năng ngược ngạo vậy?”

Xét cách nói năng, dưới gầm trời còn lắm cái kỳ cục: Thay vì nói “Tôi thấy nó”, người Pháp bảo “Tôi nó thấy” (Je le vois); thay vì “Bà ta đang mua cuốn sách”, người Ðức lại nói “Cuốn sách mua người đàn bà bây giờ” (Das Buch kauft die Fraujetzt) v.v.

Vị trí ngược ngạo của các tiếng trong câu chỉ là chuyện nhỏ nhặt trong sự dị biệt giữa các ngôn ngữ. Quái gở còn nhiều.

Chẳng hạn một số dân tộc, như người Pháp, cứ khăng khăng xếp cho kỳ được mọi sự mọi vật trên đời vào hai “giống” hoặc cái hoặc đực: bàn (la table) thì cái mà ghế (le banc) lại đực! Người Ðức, người Nga thấy sự vật có ba giống. Có những dân tộc chia ra đến hơn mười hai giống.

Lại chẳng hạn sự phân biệt nhiều ít trong tiếng Anh tiếng Pháp. Hễ muốn nói đến một sự một vật gì, trước tiên ông tây bà đầm phải biết số lượng: một cuốn vở thì vở là book hay cahier, hai cuốn trở lên thì vở là books hay cahiers, còn nếu không biết mấy cuốn thì không thốt nên lời được! Về chuyện phân biệt nhiều ít, tiếng Pháp rắc rối hơn nữa: trong tiếng Pháp, một người sắp nói thì nói là “parlera”, hai người trở lên sắp nói thì nói là “parleront”...

Ðối với Pháp, Anh, một là ít, hai trở lên là nhiều. Tiếng cổ Do Thái có thời từng phân biệt: ít, cặp, và nhiều (singulier, duel, pluriel). Lại có dân tộc còn thấy phải tách số ba ra làm một hạng riêng biệt nữa (triel).

Thế rồi một sắc tộc ở vùng vịnh Hudson bên Hoa Kỳ nói tiếng Eree, cho rằng sự phân biệt xa gần hết sức cốt yếu: kẻ gần nói với người xa thì “kitotèw”, kẻ xa nói với người gần lại là “kitotik”. Không để ý đến xa gần thì không sao diễn được cái ý “nói” nên lời! Cái gì mà lạ vậy?

Ðối với người xứ này sự vật phải luôn luôn là đực hay cái, với người xứ nọ luôn luôn có nhiều ít phân minh, với người xứ khác luôn luôn chia ra hai hạng xa gần. Ðối với chúng ta, những cái “nhảm nhí” ấy không một mảy may cần thiết.

Trên hoàn cầu có ba nghìn thứ tiếng: trong cái “thế giới ba nghìn” ấy, sự tréo cẳng ngỗng, trái nghịch nhau không biết kể sao cho hết. Vả cũng chẳng có ai biết hết để mà kể.

Vấn đề không phải là ai phải ai trái, ai hợp lý ai vô lý. Mọi ngôn ngữ đều có tính cách ước định; các từ vị được sắp xếp theo những cấu trúc khác nhau: có những cái không thấy cần thiết trong hệ thống sắp xếp này lại là cần thiết trong hệ thống khác.

Nhưng không phải trái, không phải là hết vấn đề. Các đặc điểm trong ngôn ngữ không tranh hơn thua với nhau, nhưng có một số nào đó chắc chắn có thể tiết lộ về ít nhiều xu hướng tinh thần riêng biệt của từng dân tộc. Tại sao ta sắp xếp câu nói theo lối này mà các người bạn nước láng giềng lại sắp xếp theo lối nọ? Tại sao ta chú trọng đến lãnh vực này và có một kho từ ngữ hết sức phong phú, trong khi dân tộc khác lại không quan tâm đến địa hạt ấy và lời lẽ để diễn tả rất nghèo nàn? v.v. Những chuyện ấy hẳn có ý nghĩa.

Hàng triệu triệu người trong muôn vạn năm đã kế tiếp nhau xây dựng một hệ thống ngôn ngữ, hết lớp này đến lớp khác, hết sáng kiến nọ đến tìm tòi kia, đem tất cả kinh nghiệm sinh hoạt của mình, tất cả tình cảm tư tưởng của mình ký thác vào đó: Làm sao mà một ngôn ngữ không phản ảnh nếp sống vật chất và tinh thần của dân tộc cho được. Không phải chỉ phản ảnh vào nội dung các công trình xây dựng bằng lời nói (tức các tác phẩm văn chương) mà phản ảnh ngay cả trong cấu trúc của câu nói, trong thành phần của lời nói, cũng có khi trong cách phát ra giọng nói nữa. Tức ngay trong bản thân của tiếng nói.

Alain cho rằng nhà thơ vì sử dụng ngôn ngữ cho nên được nhiều may mắn hơn nhà điêu khắc. Và không phải chỉ có người làm nghệ thuật được lợi thế, đến như nhà tư tưởng cũng nhờ vào ngôn ngữ của mình nhiều lắm. Aristote mỗi lần gặp chỗ rắc rối liền nhận thấy: “Ðọc nghe không ổn.” Phải chăng hễ cứ viết thế nào mà lời lẽ sắp xếp cho thuận hợp với nhau, nghe ổn thỏa, là tự nhiên thành viết đúng? Bởi vì quy luật kết hợp của lời lẽ do cha ông truyền lại vốn bao hàm một ý nghĩa thâm trầm.

Ngôn ngữ giúp thi sĩ viết hay, triết gia viết đúng: Alain có lạc quan quá chăng? Trong tiếng nói cha ông có gửi gắm sự khôn ngoan, dĩ nhiên là vậy. Nhưng ông Alain có nghĩ rằng trong đó cũng có phản ảnh cả những cái không khôn ngoan, và cả những cái trái với sự khôn ngoan? Tại sao không? Dân tộc nào dám chắc mình không có nhược điểm, ngôn ngữ nào không có những chỗ lẩm cẩm? Trong tiếng Anh, pants, trousers, breeches, shorts, slacks v.v. đều thuộc số nhiều cả. Áo số ít, quần thì số nhiều, tại sao vậy? Thật khó mà tin rằng có sự khôn ngoan lớn lao trong những chiếc quần thuộc số nhiều ấy.

Vậy trong tiếng nói có biểu lộ các sở trường mà chắc chắn cũng có cả những sở đoản của dân tộc. Kẻ nào am hiểu tường tận tiếng nói của mình thì biết được nhiều hơn là mình vẫn tưởng.


(Trích tiểu luận “Chúng ta qua tiếng nói”)