Sau khi được Ðào Duy Anh cải tiến, thuyết cổ truyền về gốc tích Thục Phán không có chứa điều gì “phi lý, khó giải thích” cả.

Về khoảng cách thời gian thì giả thiết Thục Phán là cháu vua Thục giải quyết gọn vấn đề.

Về khoảng cách không gian thì từ Tứ Xuyên đến Quảng Tây thực ra không quá xa, như Bình Nguyên Lộc cho biết. Hơn nữa, có ai nói hoàng tộc Thục lưu vong đã tới nơi định cư trong thời gian bao lâu đâu? Vài tháng có lẽ “phi lý”, chứ vài năm thì nơi xa hơn nhiều còn tới được nữa là.

Về “trái ngược với nhiều nguồn tư liệu trong nước”, thì truyền thuyết Thục Phán là cháu ngoại Hùng Vương không có “trái” gì hết, vì bố Thục Phán lấy con gái Hùng Vương là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Thuyết cổ truyền (cải tiến) vẫn có thể sai. Nhưng những lý do đưa ra để bác bỏ nó ở đây đều không xác đáng.

(Thu Tứ)



Phan H. Lê, “Thục Phán không phải từ Ba Thục”



Xung quanh lịch sử nước Âu Lạc (...) cho đến nay, vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, trước hết là vấn đề nguồn gốc Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc.

Những tài liệu xưa nhất trong thư tịch cổ của Trung Quốc (...) đều chép, An Dương Vương là “con vua Thục” (Thục Vương tử), nhưng không cho biết rõ xuất xứ của vua Thục, vị trí của nước Thục và cả tên của An Dương Vương.

Bộ sử xưa nhất của ta là Việt sử lược chỉ chép một câu về nguồn gốc của An Dương Vương: “Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay.” (...) Tác giả bộ sử này cho biết (...) An Dương Vương tên là Phán, nhưng cũng không nói rõ người ở đâu.

Từ thế kỷ XV, với Ðại Việt sử ký toàn thưLĩnh Nam chích quái thì An Dương Vương xuất hiện một cách rõ ràng trong sử sách: “họ Thục, tên Phán, người đất Ba Thục” (...) Niên điểm thành lập nước Âu Lạc được xác định là năm Giáp Thìn, Chu Noãn Vương, thứ 58 (năm -257) (...) Đến thế kỷ XIX, thuyết đó (...) bắt đầu bị hoài nghi hoặc phủ định (…)

Vào những năm 50, thuyết cổ truyền về nguồn gốc Ba Thục của An Dương Vương (...) được nhiều nhà sử học bảo vệ, nhưng với những cách giải thích mới (…)

Năm 1963, một tư liệu mới về An Dương Vương Thục Phán được công bố. Ðó là truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (chín chúa tranh vua) của đồng bào Tày ở Cao Bằng. Theo truyền thuyết này thì Thục Phán là con của Thục Chế “vua” của “nước” Nam Cương ở vùng Cao Bằng, Quảng Tây hiện nay (…) Trên cơ sở truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa”, xuất hiện một giả thuyết mới (tức thuyết cổ truyền cải tiến của Đào Duy Anh, xem bài riêng) (…)

Xu hướng chung của các nhà nghiên cứu trong thời gian gần đây, đều bác bỏ thuyết cổ truyền về gốc tích Ba Thục của Thục Phán. Thuyết này không những chứa đựng những điều phi lý, khó giải thích về khoảng cách không gian và thời gian giữa nước Thục ở Tứ Xuyên với nước Âu Lạc ở bắc Việt Nam (...) mà còn trái ngược với nhiều nguồn tư liệu trong nước (…)

Tổng hợp những kết quả nghiên cứu cho đến nay, có thể tạm xác lập một giả thuyết như sau (…) Thục Phán là thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc người Tây Âu ở phía bắc nước Văn Lang, theo truyền thuyết của đồng bào Tày thì liên minh bộ lạc đó là “nước” Nam Cương (…) gồm vùng nam Quảng Tây, Cao Bằng (...) Nhiều thần tích và truyền thuyết về Hùng Vương và An Dương Vương coi Thục Phán là thuộc “dòng dõi”, “tông phái”, hoặc là “cháu ngoại” của vua Hùng (...)


(Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh,
Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983. Nhan đề phần trích tạm đặt.)