Trần Vũ, “Dấu hỏi Sorrente”



Nhà xoay lưng về đôi mắt đàn ông ẩn sau bức tường quét vôi màu phún thạch đỏ. Đôi mắt im sắc mạnh mẽ lộ rõ đường mày đậm bất ngờ cong ở khúc cuối như một dấu hỏi.

- Senorita thuê nhà bao lâu?

- Tôi chỉ thuê bán thời gian.

- À, mi-tempo...

Bà Ý xoay lưng, chiếc váy cánh dơi vồng lên như điệu múa. Tôi bỡ ngỡ cố tìm đôi mắt đen nhánh đã biến mất chỉ còn chút thoáng mành lay động. Cánh dơi tiếp tục chao lượn phía trước. Tôi bước lên các nấc thang ướt rêu. Sorrente là thị tứ có những lối đi đào trong vách núi. Tôi đã đến nơi này với người đàn ông cũ cũng có đôi mắt đen màu sóng buổi chiều, thứ sóng ngầm yên lặng của vùng nước sâu và rút thật xa.

- Senorita hên lắm, nhà mới vừa sơn phết rất nhiều người đến hỏi. Chỉ có cô và ông ấy...

Bà Ý chít khăn đen giống trong tranh Bottello giải thích. Thổ âm của vùng Naples vỡ những thanh sắc ríu rít. Giọng nói giống tiếng hát véo von ngân dài không dứt. Tôi cảm giác nắng cũng vỡ chung quanh. Nhưng tất cả yên lặng đột ngột lúc chúng tôi lên đến bậc thềm cuối. Ngôi nhà hiện ra trọn vẹn đẹp như một vị thần. Mặt tiền mở tung các cửa sổ thành trăm đôi mắt cùng nhìn xuống những vườn chanh đang trĩu trái. Màu cát vàng ửng trên lan can tay vịn chạy viền khắp. Cánh cửa chính chạm nổi cầu kỳ như đôi môi hơi trễ của một người đàn ông. Phía trên gương mặt trăm đôi mắt đó là mái tóc hung của lớp ngói lợp đỏ tươi đang bồng bềnh trên đầu chàng hiệp sĩ. Tôi yêu ngôi nhà ngay khoảnh khắc ấy. Khoảnh khắc im lặng kỳ lạ của núi lửa Vésuvio trước lúc bùng nổ chôn vùi Pompei.

- Senorita, bonjourno.

Tôi giật mình xoay lại. Mario với cần cổ khoẻ mạnh rám nắng. Mario với suối tóc dài xoắn xuýt. Những sợi tóc ươn ướt quăn như trăm dấu hỏi nhỏ rối rắm. Tôi đã chào Mario với người đàn ông cũ. Đã mơ những lọn tóc dài nhảy múa trên lưng anh, đã ham muốn áp mặt vào những dấu hỏi mỏng manh loắn xoắn nghịch ngợm. Người đàn ông có đôi mắt màu sóng buổi chiều không cho phép tôi thân mật với Mario nhưng những dấu hỏi nhỏ đầy nghi hoặc vẫn ở lại quấn quýt .

- Anh đến bao giờ?

- Tôi vẫn chờ senorita.

Mario dịu dàng đỡ tôi rời phà. Bến Marina-Grande tấp nập. Tôi đã yêu ngôi chợ cổ lọt thỏm trong hốc núi, những quầy cá tươi rũ lưới và những hiệu thổ sản treo ớt khô trước bến phà này. Sorrente mãi đằng xa nhấp nhô vịnh biển. Tôi quay nhìn cố tìm xem ngôi nhà có còn ở đó, đôi mắt im sắc mạnh mẽ có còn theo dõi? Tôi chỉ bắt gặp đôi mắt Mario đen huyền, ửng sáng. Mario có đôi mắt sâu thâu tất cả ánh sáng. Đôi mắt đen tuyền đưa tôi lên đỉnh Monte Solaro. Đỉnh núi cao nhất Capri có những tàng ô-liu xanh ngã mình xuống vực. Tôi cũng muốn ngã, ngã chới với dịu êm lên đôi tay Mario đang mơn man mời mọc. Điệu Salsa nóng hổi dưới quán hầm sát biển, đôi tay Mario ráo riết xoắn như mái tóc nhiều dấu hỏi. Tôi đợi Mario hôn vào gáy. Đợi đôi môi đa tình của anh chạm vào ngấn cổ đã lâu không có những nụ hôn xa lạ. Tôi nhắm mắt tận hưởng khoảnh khắc im lặng của núi lửa Vésuvio, khoảnh khắc kiêu hãnh pha lẫn sợ hãi của người đàn bà sắp được hôn, khoảnh khắc linh cảm kỳ lạ của buổi sáng tôi đứng ngắm chiếc bóng mình tự tách rời kỳ quặc bước chân vào ngôi nhà có gương mặt hiệp sĩ.

Bà Ý đẩy cánh cửa chạm nổi. Mùi nước hoa đàn ông hăng gỗ tươi, tiêu muối và những lá chanh nõn xông lên. Tôi hơi choáng váng giống hương của tất cả những vườn chanh Sorrente cùng dậy lên một lúc. Các thanh nắng thẳng săm soi lục lọi, vén lên từ từ ngôi nhà rũ rèm bài trí trang nhã. Mấy bức tượng Nam Mỹ đẽo gọt, nhiều khung ảnh đen trắng ánh sáng tương phản khắc nghiệt phơi bầy thân thể thật sát của người mẫu không rõ mặt. Chiếc ghế bành duy nhất xoay về hướng phòng ngủ chỉ ngăn đôi bằng tấm voan mỏng. Tôi lơ đãng ngắm kệ bếp bầy thật nhiều dầu ô-liu, một gói pasta vừa mở, dây tỏi thắt bím buột thõng và những vỏ chai rượu vang uống nửa chừng vất lây lất. Lưỡi lam to bản, thứ dao cạo xưa còn mài trên dây nịch vất trong bồn tắm. Ý nghĩ người đàn ông bừa bãi khiến tôi khó chịu. Tôi nghĩ đến Fabricio đã khó khăn lắm mới tìm ra nhà thuê luân phiên, ngày tiễn hãy còn đùa: Sorrente là thành phố của tình nhân, rồi em sẽ ngã. Ngã không? Ngã bao nhiêu bận rồi vẫn còn ngã được ư? Tôi hôn Fabricio ở cổng phi trường nhất định không ngã. Để rồi xem. Anh hơi dỗi, khi vẫy. Nếu Fabricio biết tôi thuê nhà chung với một người đàn ông vô trách nhiệm và khác hẳn mẩu đàn ông tôi ưa thích, chắc hẳn anh sẽ yên tâm. Tôi chạm nhẹ ve nước hoa Eau d’Hadrien đã cạn, hoá ra đây là thủ phạm của mùi chanh ngào ngạt lúc nãy.

Sorrente đẹp nhất những giấc trưa, nắng đan lên các vách tường quét vôi phún thạch dịu mắt. Tôi thích nghiêng hẳn người ra bao lơn lắng nghe tiếng chim chóc líu lo trên mái ngói, tiếng chim lảnh lót như tiếng Ý trầm bổng, tôi thích nhô hẳn người ra tắm không khí thoáng đãng tươi mát của vịnh Naples ấm hơi thở của biển Tyrrhénia, tôi đã yêu vùng Campania chìm trong giấc ngủ mê, những lối đi quanh co dẫn đến các vườn chanh chi chít trái, dẫn đến cạnh sườn duyên hải thẳng dốc đẹp như một kỳ quan. Tôi muốn thay chiếc áo trắng mỏng manh xuống phố ngồi trong những quán nhỏ, tôi hãy còn mê lắm món pasta del mare, hãy còn muốn ăn món cơm Ý risotto trộn ngọt (bột?) hến.

Đôi mắt hiện ra đột ngột lúc đó đẹp dữ dội với hàng mày đậm. Đôi mắt mở lớn đẩy xuyên qua kẽ mành lời mời gọi đĩ thỏa. Đôi mắt tước dọc người tôi từng sợi chỉ, tháo từng chiếc cúc, cắt từng đường may. Khoảnh khắc của núi lửa Vésuvio trở lại, khoảnh khắc của con người một giây trước phún thạch. Tôi vừa kiêu hãnh vừa sợ hãi. Đôi mắt không chớp, không khép, nhìn thẳng. Đôi mắt cưỡng đoạt. Tôi muốn kêu bà quản gia nhưng không được. Tôi muốn sỉ vả những lời khiếm nhã nhưng không thể cất tiếng. Tôi đứng im kiên nhẫn cho đến cúc áo cuối cùng bị đôi mắt tước mất.

Tiếng vĩ cầm quỷ quái đuổi bắt. Tiếng vĩ cầm rên xiết đứt quãng, ngưng bặt, bất chợt trổi dậy mãi mê rượt đuổi. Không phải Bach, không phải Schubert, nhưng Paganini. Tôi nhận ra ngay điệu vĩ cầm của đĩa nhạc người đàn ông thuê chung nhà để lại. Nhưng tiếng vĩ cầm sống động đến sợ. Hai mươi bốn caprices phù thủy réo gọi. Mỗi caprice là một tiếng hú dài. Hai mươi bốn caprices thắt gút liên tục. Mỗi tấu khúc là một cơn đau. Mỗi tấu khúc là một điệu múa đến chết. Mỗi tấu khúc là điệu vũ oằn oại hấp hối. Tôi hấp tấp bước lên các bậc thang đá cheo leo, hấp tấp dẫm lên các nền thềm sũng nước, qua đường Via Califano ướt mưa, qua quảng trường nhỏ Piazza Tasso trơn trợt, Sorrente buổi tối đông du khách, mưa lất phất trên các tàng dù chợ thủ công đêm đang bầy bán, tôi chen lấn xô đẩy tất cả gần như chạy đến với tiếng đàn ma quỷ thúc dục.

Căn phòng trống rỗng. Chỉ thùng đàn Guarneri để mở lửng khắc dòng chữ ngắn ngủi: Niccolo Paganini. Tôi cảm thấy lạnh se sắt. Tôi cố kéo tấm khăn choàng dạ trùm ấm lên vai nhưng không hãm nỗi nhưng cơn rùng mình từng chập.

- Sofia!

- Senorita, tôi lên ngay.

- Ai thuê ở đây?

- Thì senorita.

- Tôi muốn hỏi người đàn ông vắng mặt.

- À, Paganini, ông ấy lịch lãm lắm ...

- Don Paganini?

- Si.. si, don Paganini rất lịch sự.

Niccolò Paganini? Tôi lục tung ví tìm bản hợp đồng cho thuê, tên người đàn ông mướn chung đánh máy rắn rỏi đậm như một nét mày. Tôi liên tưởng đến đôi mắt đó, đôi mắt cợt nhã rình rập từng phút ở bao lơn. Đôi mắt theo dõi chỉ dứt ra khỏi thịt da khi đã thỏa mãn. Tôi rùng mình không ngớt, người đàn ông này yêu biển, tôi mở toang tủ áo những sống áo xanh đại dương ập đến mạnh mẽ như trận thủy triều. Những lần gần Fabricio tôi cũng có những cơn rùng mình như vậy nhưng chưa bao giờ tôi cảm giác rõ rệt rạt rào của biển, cảm giác sóng lên xuống trong thân thể mình như có cả một mặt đại dương đang ùa đến. Tôi đứng trân trước chiếc tủ áo cổ xưa treo những bộ costumes đen thõng với ống tay dài bất tận. Niccolò phải có thân hình dị dạng. Tôi muốn hỏi nhưng cánh dơi đã vồng xuống cầu thang mất hút.
Sofia làm việc buổi chiều trong lò bánh. Những chảo gang xếp ngay ngắn từng dẫy. Tôi ngắm ngón tay bà Ý mằn mằn nhào bột rồi cán rộng ra khắp mặt mâm. Lớp bột tán mỏng dẻo như lụa. Sofia có bàn tay thiếu nữ, những ngón nhỏ thuôn thoăn thoắt mảnh khảnh khiến tôi nghĩ đến cườm tay một nhạc sĩ.

- Tôi muốn gặp Don Paganini.

- Don Paganini đi về thất thường, senorita.

- Ai ở ngôi nhà đằng sau, Sofia?

Bà Ý lẩn tránh. Tôi hỏi lần nữa “Ai ở ngôi nhà đằng sau?”. Đôi mắt hiện ra lúc đó. Đôi mắt nóng ran. Tôi quay vụt lại nhưng đôi mắt đã biến mất. Sức nóng của lò bánh hực lên ngột ngạt. Sorrente giấc trưa ầm ĩ. Tôi nhìn kỹ vào đôi mắt bà Ý chỉ bắt gặp cái nhíu mày khó hiểu.

- Có những điều đàn bà không nên biết, không nên thử.

Hai kẽ môi cánh dơi gắn chặt không thốt thêm lời nào nữa. Tôi bỏ ra phố, tất cả gương mặt đàn ông đều hao hao giống nhau, điển trai, buông một vài lời tán tỉnh dâm đãng. Nắng gay gắt khiến tôi say sẫm mặt. Buổi tối giọng Fabricio khẩn khoảng trong máy muốn tôi về Roma, tôi thề thốt “Em không ngã, chưa ngã”.

*

Mario có cách lắc hông tuyệt diệu. Điệu nhảy Salsa của anh làm chao mặt biển. Tôi thích ngồi suốt buổi ở khoảnh cát nhỏ giữa hốc đá cuối bãi tắm xinh xắn trông lên căn nhà đỏ. La casa sulla rocậia đỏ tuyền từ mái đến thềm. Đỏ thẳm máu của núi lửa trát lên từng phiến gạch. Căn nhà cất theo hình dáng một chiếc thuyền vướng trên mỏm đá mắc cạn đời đời vĩnh viễn. Tôi đã ngắm ngôi nhà nhiều lần nhưng lần nào cũng choáng váng trước vẻ đẹp ngộp thở của những vồng phún thạch đông lại trên nước. Những cầu vồng phún thạch vây quanh phun từ đáy đại dương đã chết sửng từ triệu năm trước. Người đàn ông nào sống trong căn nhà đỏ chỉ có thể là một vị thần.

- Mario, anh biết ai sống trong ngôi nhà này?

- Người đàn ông trữ tình nhất nước Ý, senorita.

- Niccolò Paganini?

Tôi mở lớn mắt nhìn Mario chăm chú. Anh có đôi môi du đãng những khi nhếch lên đùa bỡn. Mario đã ngừng điệu múa rắn hổ, chiếc quần tắm thời trang căng chật ướt sũng đến sát trước mặt. Tôi bối rối cúi nhìn lớp cát vàng nhuyễn như váy tắm con gái. Tôi thích ngâm chân trong nước những chiều mưa tạnh nước biển trở nên ấm như có pha với lửa. Căn nhà phún thạch đỏ vẫn nhìn xuống từ vách đá cao chót vót. Tôi nghe hơi thở Mario sát bên tóc tựa anh sắp hôn. Tôi nhắm mắt đợi nụ hôn tôi vẫn mơ ước, nụ hôn của những người đàn ông La-tinh máu nóng. Tôi hình dung điệu nhảy lúc nãy, Mario có thân hình trơn bóng trong quần tắm săn chắc, cần cổ anh thơm vỏ chanh. Tại sao tất cả đàn ông Ý đều xức nước hoa Eau d”Hadrien? Đó là tên của một vị hoàng đế La-mã. Mario thì thầm. Tại sao anh đem tôi đến chỗ này? Đây là chốn của tình nhân. Tại sao Niccolò Paganini? Người đàn ông bí mật nhất nước Ý. Tôi nhớ Fabricio đã chế diễu: “Tình yêu của những con ma”. Tôi nhớ gương mặt mình đã làm tỉnh: “Chắc chắn một kẻ mạo tên”. Tại sao tôi cứ phải hoài nghĩ đến người đàn ông này? Tôi đang thèm đến ngất những ngón tay Mario luồn dưới váy.

Tiếng đàn trổi lên lúc đó. Tiếng đàn cao vút buông xuống một tiếng sét. Tất cả vỡ bùng. Tôi nhận ra ngay tấu khúc thứ mười. Tấu khúc có một trăm nốt nhạc trên một cung mã vĩ. Tiếng đàn thủy tinh giận dữ tới tấp đổ xuống từ vòm phún thạch. Mỗi nốt nhạc là một tuyệt kỹ. Ngón đàn điêu luyện vần vũ cuồng phong lướt trên biển. Sóng đánh ướt tôi và Mario, sóng lớp lớp vỡ tung ghềnh đá, Mario hấp tấp dắt tôi lên bờ. Tôi run rẫy chứng kiến khả năng kinh dị của vĩ cầm, Mario hối tôi rời bãi, tôi cố ngước nhìn căn nhà đỏ, đôi mắt đang ở đó dưới trận mưa kéo những đám mây đen quầng.

Tôi bước chân lên các bậc thềm đá. Tôi đếm một, hai, ba, Sorrente có những nấc thang chông chênh khúc khuỷu, ở mỗi nấc thang tôi trông thấy lại đôi mắt đàn ông sâu nền biển. Đôi mắt đẹp như một lời hứa. Tôi biết Niccolò đợi tôi ở nhà. Tôi biết thùng đàn Guarneri đã mở lửng và tiếng đàn sắp cất lên từ bao lơn. Niccolò phải có đôi mắt sâu hút của đại dương, đôi mắt chứa chan vực thẳm không giới hạn, không có sự dừng lại của ước muốn. Mây vờn trên các lớp rêu trơn trợt dưới chân, tôi tiếp tục đếm từng nấc thang quanh co đào trong đá, bến phà dưới xa nhấp nhô sóng, tôi đã bỏ Mario để trở về căn nhà hiệp sĩ, các cửa sổ lúc này mở tung thành trăm đôi mắt nhìn xuống. Niccolò sẽ biểu diễn cho tôi nghe bản đàn nào? khúc nhạc khiến anh nổi tiếng ở thành Gênes, hay các tiết tấu biến anh thành phù thủy? Tôi thấy thấp thoáng ánh đèn vàng mờ ở căn phòng bà Ý. Tiếng đàn cất lên dìu dặt như cánh tay một người đàn ông giắt đưa tôi vào nhà. Tiếng đàn mở ra phòng khách rũ rèm vén lên từ từ một bó hoa khô rũ riệt đỏ chát, chiếc váy đầm hở lưng treo lửng lơ thánh thoát, Niccolò biết tôi ưa thích được đàn ông hôn vào giữa trũng lưng, tôi thay chiếc váy dạ hội dành cho những đêm trình tấu nhạc, tôi mở tủ áo để hình dung Niccolò trong bộ áo viền ren đen đang đứng đó, cườm tay anh che ngang mặt, ngón tay anh cong dấu hỏi nhấc lên rồi bấm xuống các dây đàn cổ xưa rung lên khúc nhạc ma quỷ. Tôi nhắm mắt tận hưởng chuổi âm thanh hoan lạc mê đắm không ngớt mơn trớn, không ngớt thì thầm những lời tình tự tha thiết. Cung mã vĩ chở mang mái tóc Mario loắn xoắn thả tung trăm dấu hỏi nhảy múa rũ rượi đổ xuống ngực tôi, chở mang những ngón tay Mario tra vấn quấn quýt, mỗi tấu khúc là một trận lửa, mỗi caprice là một cơn triều nhấp nhô lên xuống, tôi muốn gọi Fabricio nói em sắp ngã, muốn gọi Fabricio nói em đang ngã đừng dỗi, tôi hôn trả từng nụ hôn hờn mát, đôi môi quyến rũ của Mario, đôi môi say mê của Fabricio, đôi môi nghiêm khắc của cả người đàn ông cũ có đôi mắt màu sóng. Thanh mã vĩ vuốt ve tháo chiếc váy dạ hội mềm mại, thanh mã vĩ thơm hương chanh nõn, thanh mã vĩ đưa tiếng đàn xoáy tròn trong nhà, ùa vào người tôi ngàn mũi kim, trì kéo xâm nhập vào giữa trũng lưng tôi ham muốn, làm nứt vách tường phún thạch mở ra với đôi mắt đĩ thoả rồi khép chặt lại như một vành môi, một miệng núi lửa.

Tôi thức giấc một triệu năm sau. Thành phố yên lặng như Pompei tàn phá sau cơn nham hoả. Không gian trống rỗng im phắc tôi chỉ nhận ra thực tại khi trông thấy chiếc váy đầm vẫn ở đó, dưới chân giường sõng soài như một tách rời thân xác. Tôi gọi cho Fabricio, giọng anh hốt hoảng, tôi cúp máy, bản đàn Niccolò để lại trên bàn đêm nét chữ thảo tài hoa như một lời tỏ tình. Tôi mở toang cửa sổ, nắng sung sướng chan hoà lấp lánh óng mật, nắng vướng quyện mùi chanh vẫn tỏa ngào ngạt.

*

- Tình yêu của những con ma, rồi em sẽ mất trí.

Fabricio tiễn tôi lần cuối ở phi trường giận dỗi. Fabricio không hiểu tôi cần những khoảng trống xen kẽ những người đàn ông và tiếng đàn lấp đầy những khoảng trống. Tôi hôn đầu ngón tay anh quyến luyến. “Em xin lỗi”. Tôi muốn nói “Em đã ngã”, nhưng tôi không thể nói trước mặt anh, trước đôi mắt u ám trông theo buồn bã.

Bến Marina-Piccola im sóng. Tôi trở về Sorrente với tâm trạng của một người đàn bà hạnh phúc. Tôi vẫn biết cuộc đời tôi sinh nở ở đây, cuộc sống tôi diễn ra chốn này. Những hang động Grotto Azura xanh ngọc, đoạn đường đèo vắt ngang Positano nghiêng ngã rừng ô-liu, chiếc cổng trời trong vườn Augusto sừng sững và những quán ăn đêm êm đềm giữa vườn chanh thơm ngát. Không có nơi nào có thể đẹp hơn Sorrente. Tôi sẽ không bao giờ còn đi đâu nữa. Tôi trở về với Niccolò, người đàn ông của riêng tôi. Những đôi mắt màu sóng cũ, những mái tóc lỏa xoã quấn quýt, những đôi môi hờn mát trả lại thời gian. Tôi đã yêu Niccolò, đã yêu tiếng đàn tinh diệu của từng đêm. Tôi đem theo nhiều hành lý, bốn va-li với một rương hòm lớn. Tôi sẽ không bao gìờ đi đâu nữa. Tôi mường tượng nụ cười mừng rỡ của Niccolò, mường tượng điệu vĩ cầm uốn éo vui tươi đón tôi trở về. Tôi mua thật nhiều thứ cho anh, khăn tắm, áo choàng dạ, giày mũi nhọn, túi gấm đựng đàn và cả những quần lót đàn ông mềm mại. Tôi sẽ xếp tất cả ngay ngắn trên ngăn tủ, sẽ đợi tiếng đàn cuồng si mỗi tối, sẽ làm người tình mê đắm. Niccolò sống ở Sorrente. Tôi sẽ sống ở Sorrente. Tôi muốn kêu to “Em đang trở về , em sẽ không bao giờ đi đâu nữa”. Quảng trường Piazza Tasso tấp nập, tôi gọi xe về ngôi nhà hiệp sĩ, vẫn giống ngày đầu tiên mái tóc hung cháy rực dưới nắng chỉ các cánh cửa sổ khép kín. Tôi hấp tấp bước lên các nấc thang, do dự một lúc ở bức tường phún thạch. Hàng mành trắng phẳng lờ không lay động, vách đá câm nín như chưa hề có người ở. Tôi hồi hộp nhìn kỹ vách đá đã khép, đôi mắt đã vĩnh viễn biến mất chỉ cành phượng tím buông lẳng bất động. Tôi thở mạnh, đẩy cánh cửa chính tạc hình đôi môi trễ.

- Sofia, lên ngay!

Tôi chồm qua bao lơn gọi. Tiếng gót chân bà Ý gõ nện. Ngôi nhà không còn mùi lá chanh nõn. Thùng đàn Guarneri đã biến mất. Tôi chạy vào bếp, những dây tỏi vẫn buột thõng treo rũ mái tóc thắt bím nhưng dao lam cổ xưa không còn trong buồng tắm. Các bức ảnh khoả thân ai gỡ mất. Tôi mở tung cánh cửa tủ áo kê sát giường, những sống áo đại dương tan biến chỉ còn trơ trọi chiếc váy dạ hội hở hang buông rũ một ảo ảnh

- Sofia, ai đã dọn đồ đạc của Don Paganini?

- Không ai hết, senorita.

- Tại sao tất cả biến mất?

- Segnor Paganini đã trả nhà cách đây một giờ.

- Trả nhà?

Tôi nhìn bà Ý kinh hãi. Niccolò đã bỏ đi. Nhưng gương mặt cánh dơi đầy ghét bỏ.

- Segnor Paganini chỉ mê âm nhạc không bao giờ yêu đàn bà.

Giọng cười bà Ý tinh quái đắc thắng, tôi vụt nhớ những cái nhíu mày khó hiểu trong lò bánh, có những thứ đàn bà không nên thử, nhưng các âm sắc đã vỡ thành miểng thủy tinh rơi rắc xuống các nấc thang. Tôi chạy trốn. Niccolò không bao giờ yêu đàn bà, Niccolò chỉ mê âm nhạc, ha ha... Tôi chạy đuổi theo tiếng đàn của người đàn ông bây giờ đã hoá ra giọng cười ghê tởm. Mỗi giờ chỉ có một chuyến phà, Niccolò hãy còn trên chuyến tàu về Naples. Các nấc thang tuột dốc nuốt trôi tôi xuống vực thẳm. Tiếng đàn trổi lên lúc đó, vẫn quyến rũ lẳng lơ trầm bổng. Ngón đàn cuồng điên vang vọng từ xa kéo tôi xuống mặt biển. Tôi ngã trên các bậc nền đá, nhưng nỗi đau thân xác vô nghĩa, chỉ có tiếng đàn thách đố. Những vườn chanh hiện ra rồi biến mất, chỗ tôi đã ngồi với Mario, những trái chanh tròn như mặt trời cùng rượt đuổi. Sorrente vỡ thành trăm ngàn mảnh. Các quán Pizza bầy bàn ghế tràn lấn ra lòng đường, tôi xô đẩy tất cả, chen lấn vào những chợ dưa gang dài ngút mắt, xô gạt những quầy rượu chanh, các dây ớt khô buột túm, va vào mâm phó-mát bào sẵn, những sạp khăn thêu xô lệch. Tôi lao qua đường via Califano bất kể tiếng kèn xe inh ỏi. Lữ quán Excelsior hiện ra đẹp như một viện bảo tàng. Tôi đã sống ở đây trong những căn phòng cổ kính với người đàn ông có đôi mắt màu sóng, tôi biết lối đi tắt ở đại sãnh dẫn ra vườn đá xuống bến phà. Tôi đi như chạy, mộng du, thất lạc. Tiếng còi tàu rúc trong không khí như tiếng rú đau đớn của một loài cá voi thảm thiết. Tôi chạy qua bến ngổn ngang dây thừng, những lưới cá hãy còn tươi rói rong rêu sò ốc. Tôi dẫm lên những rổ cá còn dẫy dụa. Tôi vùng khỏi người gác trạm muốn tôi mua vé.

Những người đàn ông nhìn ngắm tôi kỳ lạ. Tiếng đàn đã tắt. Sóng nhấp nhô đánh lên bất ngờ khiến tôi ướt tóc. Tôi đưa tay vuốt mặt, nước đẫm lòng bàn tay. Những sợi thừng thắt gút rút khỏi bờ, chiếc phà rùng rùng chuyển động. Tôi trông thấy tất cả. Trông thấy người phụ máy tất tả rời cabine hỏi tôi có chuyện gì, trông thấy kiểm soát viên giúp tôi lấy vé, trông thấy những lượn sóng xẻ man dại ở mũi tàu và cạnh sườn duyên hải ở hai bên tách rời dần. Tiếng đàn đã tắt ngấm. Những dấu hỏi trong đôi mắt những người đàn ông yên lặng. Tôi bước xuống các hàng ghế, một thiếu phụ trao tôi chiếc khăn tay giúp lau áo, sóng đánh ướt chiếc váy mỏng sương tôi dành mặc cho Niccolò. Người phụ máy nói chút nữa tôi rớt xuống biển hỏi có cần gì không? Tôi cần Niccolò. Tôi trả lời. Nhưng không ai hiểu. Tàu chòng chành, tôi nắm lấy thanh vịn gỗ lảo đảo muốn ngã. Tất cả những gương mặt đàn ông đều nhìn tôi chăm chú, tôi cố đoán dưới những nét mày đậm một ánh mắt của Niccolò, ánh mắt đen nhánh thường hay rình rập theo dõi, ánh mắt mạnh mẽ đôi lúc đĩ thỏa nhưng đầy tài hoa. Tất cả im lặng. Tại sao tiếng đàn tắt? Tại sao những người đàn ông im lặng? Tôi gọi “Niccolò?” Những giọng cười tục tĩu. Người đàn ông ngồi ở bìa băng có đôi mắt đen đậm cần cổ quá rộng, người đàn ông ở dẫy bên có cườm tay nhỏ xương nối cánh tay dài ánh mắt quá trong, người đàn ông ở hàng ghế sau gương mặt cổ quái, sống mũi nhọn nổi cộm trên gò má sần đanh ác, người đàn ông ở dẫy ghế sau nữa lực lưỡng mái tóc dài rối rắm, người đàn ông ở hàng sau chót đường mày cong dấu hỏi, những dấu hỏi nghi hoặc bối rối khổng lồ lôi cuốn bám đẩy xô hất tôi đến cuối đuôi tàu. Tôi muốn bật khóc thành giọng hát nấc nở của Roberto Murolo đang rền rĩ trong loa phóng thanh vừa trổi, tôi muốn bật khóc xối xả thành những lượn sóng trắng đang đánh tung ở bánh lái tàu nhưng tôi chỉ ngửng lên ngắm nền trời lồ lộ, ngắm đám mây âm u trôi qua trên mặt biển nhức nhối quái dị, ngắm các vồng phún thạch đen đang chìm xuống biến mất. Một giờ nữa phà sẽ cập bến Naples. Một giờ nữa tôi sẽ đến một nơi nào đó. Ngày mai tôi sẽ đến những thành phố mới, ngày mai tôi sẽ sống với những người đàn ông khác. Còn Sorrente?

Tôi sẽ trở về như bản nhạc định mệnh bất diệt, trở về để còn nghe lại tiếng đàn kỳ tài trác tuyệt của người thầy vĩ cầm Paganini.


Sorrento & Capri
09/1998