Mất mát đau thương… Hễ chuyện đất nước chưa xong, cuộc chiến đấu chưa chấm dứt, thì bất cứ mất mát đau thương nào xảy ra, lòng người lính cũng không được dừng lâu ở đó, mà chỉ dừng một chút thôi, rồi phải tiếp tục “đi về phía trước nơi có nhiều giặc”. Khi chuyện xong rồi, lòng tha hồ quay trở về những nơi… Tuy bây giờ có thể khóc thật lâu, nhưng cũng đừng. Nếu có thể, xin hãy kể lại. Vì ý nghĩa cao cả của những hy sinh, nên làm như đây, là giữ xúc động ở mức cảm khái, bồi hồi, không để cho trở thành bi lụy. Tết, Tết, Tết…, mới bắt đầu những cái Tết không còn chinh chiến. Xin đọc cho biết, cháu con ơi. (Thu Tứ)



“Tết chiến trường”

Nguyễn Trọng Luân




Hôm ấy là 29 Tết. Đoàn quân rẽ vào một con đường nhỏ chìm dưới rừng cây toe toét đất đỏ và hố bom. Chúng tôi mệt bã bượi vì dép cao-su bết đất (…) Có tiếng hú. “Đồng chí ơi! Em ơi!” Hú hú. Ở dưới vòm rừng heo héo cây đổ ngổn ngang có một cô gái thẫn thờ cầm mũ tai bèo vẫy vẫy. Người lính gái vừa cười vừa khóc (…) Chúng tôi đi những bước chân cuối ngày nặng nề (…) Đêm ấy trú quân ở một khu rừng rất nhiều áo quần của bộ đội treo lủng lẳng trên cây rừng, những căn nhà cháy nhom nhem (…) Cán bộ phổ biến nơi đây là một khu kho hậu cần vừa bị B-52 hủy diệt cách đây năm ngày. Một tiểu đội nữ coi kho hy sinh năm còn sống hai vẫn đang trong cơn xúc động bấn loạn. Giấc ngủ dù mệt là thế mà cứ thao thức, thao thức nhớ khuôn mặt thất thần của cô gái ven rừng, lại nhớ về những ngày này ở quê mẹ đã cọ lá dong chưa, các em đứa nào năm nay có áo mới? (…)

Mờ sáng 30 Tết (…) Khi chúng tôi ra khỏi cánh rừng cũng là lúc đủ sáng để trông thấy rõ những bộ quần áo rách tươm cháy nhom nhem vắt tứ tung trên cây. Ở chỗ rẽ lên núi theo đường tuyến lại gặp người lính gái hôm qua. Cô ôm con khỉ con nhìn chúng tôi (…) da tái, tóc rụng nhôm nhoam (…) không có nét vui hay buồn ở khuôn mặt (…) Cô khẽ giơ tay vẫy vẫy (…) Những người bạn tôi gọi to: “Anh đi nhé! Chào em!”. Cô gái cười vô hồn, rồi bất ngờ ôm mặt khóc và cũng gọi to: “Tết rồi các anh ơi! Các anh đi…. nhé!”. Chúng tôi leo lên dốc, có niềm thương người con gái khiến bước chân nhanh hơn (…)

Đêm cuối năm tối như mực bám vào nhau mà hành quân (…) Mùi rừng mùi mồ hôi mùi máu khô của những người bị thương nhẹ (…) Có tiếng một người nào đó thì thầm ở nhà chắc đã xong cỗ chiều ba mươi rồi (…) Trong tôi hiện lên hình ảnh mẹ đang quấy nồi bánh tẻ và các em tôi háo hức hơ tay quanh bếp ngồi chờ (…) Pháo địch bất ngờ rót vào đội hình, đêm tan ra và lại có thương vong (…) Đường 19 Gia Lai đầy hoa dã quì (…) Anh nuôi mang cơm nắm và quà tết từ hậu phương gửi vào lên trận địa. Người lính già làm anh nuôi là một thầy giáo cấp 3 ở Phú Thọ (…) khóc hu hu khi thấy khẩu phần tết thừa nhiều (…) “Các em ơi dậy mà nhận quà tết này các em ơi!” (…) Bỗng (…) nói với đại đội trưởng: “Đồng chí cho tôi ở lại đội hình chiến đấu”. Đại đội trưởng đáp khẽ giọng nghẹn nghẹn: “Vâng, thầy ở lại với chúng tôi” (…) Trong đêm, tôi ngửi thấy mùi ngai ngái của hoa dã quì (…) Rừng hoa cũng đang khóc (…)

Năm sau, năm sau nữa. Cứ mỗi tết bạn bè tôi lại vắng đi một ít. Chúng tôi bí mật hành quân từ Gia Lai về hướng Ban Mê Thuột (…) bí mật áp sát đường 14 (…) Năm nay quà tết rủng rỉnh hơn. Mỗi trung đội có một gói thuốc lào Độc Lập. Mỗi người 10 điếu thuốc lá Tam Thanh, mười cái kẹo (…) Đêm ba mươi cả trung đội ngồi dưới chiến hào, chiếc điếu cày chuyền tay từng người một, quay hết một vòng đê mê hương vị Bắc trong se lạnh giao thừa (…) Phía đối phương có tiếng súng nổ đón giao thừa trước một tiếng khiến chúng tôi thêm bồn chồn nao nức (…) Trời cao nguyên năm ấy đến là nhiều sao. Chưa bao giờ trong những cái tết ở chiến trường tôi thấy rõ màu trời đêm ba mươi như năm ấy. Nó xanh đen lóng lánh sao trời và không hề có gió (…) Chúng tôi bò đến từng hầm chúc tết nhau (…) Chúc tết xong tất cả chuẩn bị hành quân. Cũng hệt như ở nhà, ngày đầu năm chúng tôi mặc bộ quân phục mới (…) Mờ sáng mùng một tết cả đơn vị lên đường (…) Chúng tôi đi về phía trước nơi có nhiều giặc như trong những mùa xuân đã qua (…)

Chinh chiến đã qua gần nửa thế kỉ. Thế mà tết với người lính già chúng tôi vẫn nôn nao háo hức vẫn bồn chồn đợi phút sang canh. Bởi trong nỗi mừng vui cuộc sống đủ đầy cháu con phương trưởng (?) chúng tôi nhớ về những người bạn nằm lại đâu đó trên dải đất Tổ quốc mình khao khát mùa xuân.