Nguyễn Huy Thiệp, “Những bài học nông thôn”


Mẹ tôi là nông dân,
còn tôi sinh ở nông thôn...
(Người kể chuyện)



Năm 17 tuổi, sau khi học xong trung học, tôi về nghỉ hè ở nhà một người bạn học cùng lớp tên là Lâm ở xóm Nhài, thôn Thạch Đào, tỉnh N.

Xóm Nhài nằm bên sông Canh, con sông nhỏ, mùa nước cạn, người lội qua sông được, chỗ sâu nhất chỉ ngập đến ngực thôi. Nhà Lâm ở cuối xóm, sâu trong ngõ nhỏ có hàng rào trồng cây khúc tần. Nhà lợp rạ, tường đất, ba gian hai chái. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì. Giữa nhà kê một hòm gian đựng thóc, hai bên bốn cái gường tre, quần áo vắt trên sào buộc dọc tường. Trang trí duy nhất trong nhà là bức tranh lụa cổ vẽ hình ba ông Phúc, Lộc, Thọ với dăm dứa trẻ dâng đào. Tranh lồng trong khung kính chăng đầy mạng nhện. Lâu ngày mặt kính mờ đi, đầy vết cứt ruồi.

Nhà Lâm chẳng có nhiều người. Ba Lâm đã già. Bố mẹ Lâm làm ruộng. Anh trai Lâm đi bộ đội, có vợ là chị Hiên, chị Hiên làm dâu nhà Lâm mới được nửa năm. Lâm có hai đứa em: cái Khanh mười ba tuổi, còn thằng Tiến bốn tuổi.

Nhà tôi ở thành phố. Tôi ít có dịp về ở nông thôn nên lần này về nhà Lâm tôi thích lắm. Cha tôi dạy học, mẹ tôi (xuất thân từ một gia đình quan lại phong kiến cũ) ở nhà nội trợ, trợ giáo”cho cha tôi. Cha mẹ tôi muốn tôi được học lên nữa. “Có học thì mới đỡ khổ con ạ. Mẹ tôi bảo thế.

Đây là lần đầu tôi đi xa nhà. Mẹ tôi dặn Lâm: Em nó còn ít tuổi, có gì cháu giúp nó nhé. Tôi nhìn Lâm cười. Lâm còn ít tuổi hơn tôi, Lâm đẻ sau tôi bốn tháng, nhưng nhìn bề ngoài Lâm to cao hơn tôi.

Gia đình Lâm đón tôi chân tình. Chị Hiên dọn hai mâm cơm. Mâm bưng lên hè dành cho hai bố con Lâm và tôi. Mâm bày ở sân dành cho bà Lâm, mẹ Lâm, chị Hiên, cái Khanh với thằng Tiến. Canh cua nấu rau dút, cà pháo, tôm rang... Mâm của chúng tôi thêm vài củ lạc và hai quả ổi xanh cho bố Lâm uống rượu.

Chị Hiên mời: Các cụ xơi tự nhiên. Thằng Tiến đòi: Cho em làm các cụ với!”Mẹ Lâm gạt đi: Hỗn nào! Chim bằng quả ớt thế thì làm các cụ ra sao?”Cái Khanh bụm miệng cười. Tôi đỏ mặt. Bà Lâm thở dài: Các cụ toàn chim to... Mọi người cười lăn, chỉ có bố Lâm không cười. Khuôn mặt ông sạm đen, vất vả, nhưng không buồn tý nào, bình thản, vô sự. Thằng Tiến khóc. Chị Hiên dỗ nó: Nín đi! Chị cho Tiến cái càng cua này. Thằng Tiến lắc đầu: Ứ ừ... càng cua bé tí. Chị Hiên bảo: Ngày mai chị đi chợ, chị mua cho Tiến bộ tam cúc nhé. Mẹ Lâm bảo: Cờ bạc là bác thằng bần. Đừng mua tam cúc cho nó. Lớn lên nó ham chơi thì chết! Cứ mua cho nó cái roi. Thằng Tiến lại khóc: Mua tam cúc cơ. Chị Hiên đưa mắt sang mẹ Lâm, giấu cái nhìn đồng lõa: Ừ mua tam cúc. Bà Lâm bảo: Ngày xưa có ông Hai Chép lái đò ham đánh tam cúc ăn tiền, đầu tiên mất tiền, rồi mất ruộng, mất đến nhà, vợ nó cũng bỏ đi nốt. Thế là đến đêm ra thuyền ngồi khóc. Giận đời, lại muốn chuộc tội, ông Hai Chép lấy dao cắt phăng hai hòn dái của mình vứt xuống sông. Vợ nó cũng chẳng quay lại. Mẹ Lâm bảo: Đàn bà thế là bạc. Bà Lâm bảo: Bạc gì? Có hai hòn dái là của quý thì mất rồi còn đâu?”Chị Hiên cười: Gớm, chuyện của bà cứ rợn rợn là.

Bữa cơm qua nhanh. Cái Khanh vét nồi quèn quẹt. Chị Hiên hỏi tôi: Hiếu ăn có no không?”Tôi gật đầu: Em ăn được bốn bát. Ở Hà Nội em chỉ ăn ba bát.”Mẹ Lâm bảo: Trai tráng ăn bốn bát thì hèn. Ông nhà tôi phải chín bát lèn chặt. Tôi cũng sáu bát mới đủ no. Chị Hiên bảo: Con chịu u. Con chỉ ba bát là hết nước. Bà Lâm bảo: Ăn đi con ạ. Đàn ông nó chẳng thương mình đâu. Rượu thì nó ngồi mâm trên. Ngủ thì nó đè lên mình. Bố Lâm gắt: Bà lão hay nhỉ!”Bà Lâm lẩm bẩm: Hay con mẹ mày! Tao tám mươi tuổi đi nói sai à?”

Chiều. Bố Lâm bảo tôi: Cậu với thằng Lâm có thích xem diều không?”Mẹ Lâm bảo: Tôi lạy ông. Xay cho tôi mấy thúng thóc. Chị Hiên bảo: Kệ bố. Để con xay cho. Chẳng mấy khi nhà có khách. Bố Lâm lấy ở góc bếp xuống cái diều to bằng cái thuyền thúng bồi giấy dó, dây diều là cuộn song to bằng ngón tay trỏ của tôi. Lâm lấy cát đánh bóng bộ sáo diều bằng đồng cho nó sáng tinh lên. Bố Lâm ngâm cuộn dây song xuống ao. Chờ cho tắt nắng, chúng tôi ra đồng. Cánh đồng đã gặt hết, còn trơ gốc rạ. Phía chân trời, mây cuồn cuộn rực hồng một màu lửa. Mặt ruộng nứt nẻ. Cả cánh đồng hực lên mùi hương đất nồng nàn. Trẻ con trong xóm chạy ùa theo. Mấy ông già đang phơi rạ trên bờ ao cũng bỏ việc đấy đứng nhìn. Có ai bảo: Lão Ba Đình lại phởn. Người khác lại bảo: Hôm nay được gió, diều kêu phải biết.

Bố Lâm cởi trần, mặc quần đùi, bắp thịt cuồn cuộn. Ông khoác cuộn dây song to tướng lên vai. Tôi với Lâm lễ mễ khênh diều. Bố Lâm bảo: Lên gò mối Đầm Tiên mà thả. Lâm bảo tôi: Mày đứng mà xem. Lâm đứng trên gò mối cao, lựa hướng gió, tay đẩy diều lên cao, trông như người múa.

Tôi chạy theo bố Lâm, ông ngã người ra đằng sau, giật mạnh dây diều. Chiếc diều chao lượn xuống. Bố Lâm chạy vọt sang phải, nhảy qua các bờ ruộng. Chiếc diều rạch chéo một đường trên không. Bố Lâm lại chạy sang trái. Chiếc diều lại rạch một đường chéo nữa. Rập rình giây phút, chiếc diều bồng bềnh bốc lên thẳng đứng. Bố Lâm thả cuộn dây song. Mồ hôi từng giọt đọng lại trên tấm lưng trần. Ông thở hồng hộc. Chạy. Ngã. Lại chạy. Lại ngã.

Tôi chạy theo bố Lâm mệt muốn đứt hơi. Ông băng qua các thửa ruộng đang gặt, lội qua mương, lặng lẽ, hùng hục, vất vả, chịu đựng, tựa như một người biết rõ công việc đang làm là gian khó lắm, phải chuyên tâm lắm. Cuộn dây song thả dần ra, chiếc diều lên được độ cao tuyệt đích, ở đấy không còn những thứ gió quẩn khốn nạn, hiểm nguy và đầy bất trắc nữa; ở đấy là thứ gió khác tử tế, cao thượng, độ lượng, bao dung mà bình ổn. Nó nghiêng một cái như để khinh bỉ mặt đất, hay để chào mặt đất, rồi đứng im thổi sáo một mình.

Này là tiếng sáo, tiếng sáo
Có ai biết thế nào là hát ca không
Chỉ một sợi dây mảnh ràng buộc với đất
Đứt lúc nào chẳng hay
Mà dám lượn chao tự do
Bởi chỉ có diều thôi, diều ơi
Cảm được sự nhẹ tênh của cuộc đời
Mà không làm hại ai
Giữa chông chênh trong xanh
Làm cái tiêu nhỏ nhoi
Để chúng nhìn trời
Những đớn đau, thậm chí cả vinh quang nữa
Chỉ làm chú mày nhạy cảm hơn
Cứ hát ca đi
Cho thỏa lòng
Bởi số phận đã định rồi:
Diều nào mà chẳng đứt dây một lần
.

Chiếc diều đã có khoảng dao động ổn định. Sợi dây song chùng như cánh cung. Bố Lâm lên bờ đê xuôi đường dẫn diều về làng. Tay cầm sợi dây, ông lầm lũi đi, giống như người vừa đi chăn trâu về, thậm chí cũng chẳng ngoáỉ lại nhìn đằng sau nữa. Cả bầu trời ngập trong tiếng sáo. Tôi ngắm thân hình ướt đẫm bê bết bùn đất của ông khâm phục, tôi ước tính khoảng cách ông vừa vượt qua dễ đến chín mười cây số.

Đến đầu làng, bố Lâm buộc ghì đầu sợi dây song vào cái cọc tre đóng sẵn, bấy giờ ông mới ngước mắt nhìn trời, ngắm nghía chiếc diều đứng im trên cao, vẻ hài lòng. Ít phút sau, ông bỏ mặc đấy, rẽ xuống sông. Ông cởi trần truồng, buộc túm chiềc quần lên cổ, một tay ôm lấy hạ bộ rồi lội xuống nước, lặn thẳng một hơi đến giữa sông mới nhô đầu lên. Ngừng giây lát, tôi chắc chắn khi đó ông có nhìn diều, ông kêu lên một tiếng gì đó, rồi lần này, lặn thẳng một hơi mất hút. Mặt sông nhòa đi, bóng tối bắt đầu phủ trùm cảnh vật.

Tôi đi một mình trên con đường lạ vào thôn. Bóng tối chập choạng. Không gian tràn ngập một thứ tình cảm dịu dàng mà bí ẩn. Cây lòa xòa bên đường. Tôi không xác định được thời gian sống hiện tại của mình. Trong tôi không hề có hình ảnh nào của thành phố tôi hằng sống, thậm chí tôi quên mất cả khuôn mặt thân yêu của bố mẹ tôi. Cả đến chuyến tàu chở tôi và Lâm từ thành phố về buổi sáng nay nữa, tôi cũng quên biến. Thế mà đây là lần đầu tôi đi xa nhà... Quên cả chiếc diều...

Thôi quên đi, quên đi
Đêm xuống - cái cú xóa vĩ đại của thời gian
Xóa trước hết cái ngẫu nhiên sinh ra tôi
Xóa mối ràng buộc của tôi với đồ vật
Xóa tất cả những vô tích sự
và tủi hổ của một ngày trơ trẽn
Hãy xóa... hãy xóa đi
Hãy buộc lại những sợi dây trong tim
Bởi thế nào cũng phải phiêu du trong đêm
Trong giấc ngủ, hồn phải lang thang một mình
Không hành lý
Không đến thân xác nữa
Những luân hồi nào chờ đợi.
Và những khoảng không gian nào chứa đựng.


Trong nhà Lâm, mẹ Lâm đang sàng gạo ngoài sân. Bà Lâm nằm võng ru thằng Tiến. Cái Khanh ngủ trên chõng tre. Bố Lâm ngồi chẻ lạt. Mẹ Lâm bảo: Thằng Lâm chờ cậu đi đánh vó tôm mãi. Nó đi rồi. Chị Hiên đang giã gạo dưới nhà ngang. Chị bảo tôi: Hiếu, không bận thì xuống đỡ chị.

Tôi vào trong nhà ngang. Bóng tối mờ mờ. Trong nhà chỉ thắp mỗi ngọn đèn dầu bé tí. Cối gạo làm bằng cây gỗ nặng dài hai mét rưỡi, đầu cối có vỏ bịt sắt, ở giữa có cái chốt để người đứng giã dùng sức mạnh chân mình đè lên. Chị Hiên hỏi: Hiếu giã gạo bao giờ chưa?”Tôi bảo: Chưa. Chị Hiên bảo: Đứng lên đây. Tay bám vào sợi dây thừng. Tôi bảo: Giã gạo cũng dễ nhỉ. Chị Hiên cười: Hiếu bao nhiêu tuổi rồi?”Tôi bảo: Em mười bảy, bằng tuổi Lâm. Chị Hiên thở dài: ôi hơn Hiếu ba tuổi. Thế là già rồi đấy. Đàn bà chỉ có một thì. Tôi sợ lắm... Hiếu đổi chỗ cho tôi. Giã gạo, ai đàn ông lại đứng trước đàn bà bao giờ?”Chị Hiên cười. Tôi thót mình bởi mùi mồ hôi rất gần và cảm giác mềm mại của đôi vú chị Hiên áp vào lưng tôi.

Chị Hiền thủ thỉ: Ở nhà quê buồn lắm. Tôi mới được ra Hà Nội mỗi một lần. Hồi ấy chưa lấy chồng, vui vui là, nhưng cứ sợ. Người Hà Nội ai trông cũng ác. Hôm ấy, ở bến xe, có ông đeo kính, để râu con kiến, tuổi bằng bố tôi bảo: Cô em ơi, cô em đi với anh đi. Tôi sợ quá, tôi bảo: Ông này hay nhỉ?”Ông ấy cười: Xin lỗi nhé, tôi tưởng em là bò lạc. Tôi chẳng hiểu bò lạc là gì. Sau đó anh Tân (tức là chồng tôi đấy) đi lại, ông này chuồn mất. Tôi kể với anh Tân. Anh Tân sầm mặt lại, bảo: Bọn thành phố toàn quân mất dạy. Tôi không biết thế nào, những người thành phố ai nói cũng hay, hơi tí thì xin lỗi.

Chị Hiên lại thủ thỉ: Ở nhà quê sợ nhất là buồn chán. Công việc chẳng sợ. Nhiều khi buồn chán quá, người cứ bã ra. Hồi ấy anh Tân đi bộ đội, tôi đã định tự tử vì buồn chán quá. Tôi nằm một mình ở ruộng ngô, giữa tổ kiến vàng. Tôi tưởng kiến vàng đốt thì nhất định chết. Thế mà không chết. Nó thương mình hay sao chứ? Chắc nó thấy tôi trẻ quá mà chết thì phí. Chị Hiên cười. Lòng tôi tê tái cảm giác đau xót. Tôi nhớ đến bố tôi, bố tôi để râu con kiến, cũng hay đeo kính. Còn mẹ tôi, nếu mẹ tôi nằm ở tổ kiến thì nhất định chết, mẹ tôi chúa hay cựa quậy. Giống kiến vàng không thích người ta cựa quậy...

Chị Hiên bảo: Ở nhà quê cũng có khi vui. Khi có chèo hay tuồng thì vui ghê lắm. Tôi nhớ có lần diễn Tần Hương Liên xử án, tôi rang một túi châu chấu mang đi. Châu chấu rang ngon lắm. Tôi này, cái Lược này, cái Thu này, ba đứa vừa đứng xem vừa ăn. Cái lão Trần Sĩ Mỹ bạc tình, làm quan rồi chẳng coi vợ ra gì. May mà đời còn có Bao Công. Nếu không có Bao Công thì đời người ta cứ còn ngang trái mãi à?”Chị Hiên ngừng một lát rồi bỗng bật cười:“Có mấy tay thanh niên ở bên Duệ Dông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược. Cái Lược bảo: Làm gì thế?” Tay này cũng dơ, nói thản nhiên: Làm chủ nhiệm hợp tác. Cái Lược mắng: Thôi đi chứ. Tay này lại bảo: Nhân dân tín nhiệm thì tôi còn làm. Xung quanh cười ồ. Cái Lược chạy ra ngoài, đằng sau quần ướt đẫm. Ả sợ quá, chỉ sợ chửa thì chết, thế là về nhà vứt ngay cái quần xuống ao. Tần Hương Liên với Trần Sĩ Mỹ.

Chị Hiên bảo: Hiếu đừng thở thế. Hít thật sâu vào... rồi thở từ từ. Thở giống như ông thiếu tá tập Cốc Đại Phong ở làng tôi ấy. Ông này tên Bá, về hưu rồi, béo lắm. Sáng nào cũng mặc quần đùi chạy vòng quanh làng, hô to: 1, 2, 3, 4... Khỏe! Có lần, tôi với cái Thu đi cấy. Mới bốn giờ sáng đã thấy ông Bá chạy ở trên đường. Quần đứt giải rút, bố ấy ôm quần chạy. Cái Thu bảo: Bố ơi, bố sáu mươi tuổi còn khỏe làm gì?” Ông Bá bảo: Khỏe để bảo vệ gia đình. Các cô không biết vợ tôi mới bốn mươi tuổi thôi à?”Ấy thế mà tốt. Tính hay giúp người... Nghe nói về hưu không phải vì già mà là vì ngốc. Nghe nói nhà nước bây giờ chỉ nhận biên chế những người trẻ tuổi với có học thôi.

Chị Hiên lại bảo: Sao đàn bà cứ phải lấy chồng: như tôi đây, chồng đi xa, lấy chồng cũng như không. Hiếu bảo lấy chồng mà bỏ chồng thì có tốt không?”Tôi bảo: Không. Chị Hiên bảo: Phải rồi. Nứa trôi sông không giập cũng gãy. Gái chê chồng không chứng nọ cũng tật kia. Tôi hỏi:“Thế là thế nào hả chị?”Chị Hiên bảo: Thế là đàn bà không ra gì. Nhưng đàn ông cũng nhiều người không ra gì. Lấy chồng phải anh nghèo, bất tài mà lại cao thượng thì hãi lắm. Nó làm tan nát đời người đàn bà như bỡn. Tôi hỏi: Sao chị nghĩ thế? Chị Hiên bảo: Không phải tôi đâu. Đây là thầy giáo Triệu. Thầy giáo Triệu dạy bổ túc văn hóa ban đêm, thầy giáo bảo đàn bà không cần lòng cao thượng. Đàn bà cần cảm thông với vuốt ve, cần giúp đỡ bằng tiền mặt. Đấy là tình yêu. Lòng cao thượng chỉ dành cho nhà chính trị. Chính trị mà không cao thượng thì hãi lắm, chính trị là chỗ người ta nhìn vào để yên tâm sống.

Tôi buồn ngủ rã rời. Tôi chẳng nhớ tôi đã đi ngủ khi nào. Khi tỉnh dậy tôi thấy bàng hoàng vì sự tĩnh lặng tuyệt vời của căn nhà vắng. Chẳng ai có nhà. Tôi đi rửa mặt rồi đi ngó nghiêng khắp cả mọi nơi. Dưới nhà ngang, mấy thúng gạo trắng xếp chồng lên nhau bên cối giã gạo. Chiếc diều vứt lăn lóc, cánh rách bươm, chẳng thấy sáo cũng chẳng thấy cuộn dây song đâu cả. Trong bếp có đĩa khoai lang luộc với dăm quả cà chắc dành cho tôi. Tôi ăn khoai với cà rồi lên nhà ngồi. Bức tranh vẽ ba ông Phúc, Lộc, Thọ với dăm đứa trẻ dâng đào là tranh thuốc nước, in hàng loạt, có ghi chú bằng chữ Trung Quốc. Tôi thích ông Lộc hơn cả, râu đen, má phính, thân hình cường tráng, mắt như biết nói. Nếu nói, ông Lộc nói rằng: Thôi tôi biết tỏng ra rồi. Các vị phải bình tĩnh chứ, chúng ta cùng thỏa thuận, đừng có lừa tôi.

Ngoài sân có mấy con gà mổ thóc. Tĩnh lặng. Không một tiếng động.

Hãy dừng lại đi, dừng tất cả
Dẹp mọi âm thanh cuộc sống xô bồ
Dừng một chút
Lắng nghe sự tĩnh lặng tuyệt đôí
Sẽ thấy mình bé bỏng thê nào
Ta chỉ là một hạt thiện bé tí
Với một tí thiện, làm sao sinh lợi được
Với một tí thiện, làm sao chống chọi được
Cái vốn mẹ để dành còi cọc
Nấp kín trong xó tối tăm
Cái xó tối tăm lương tri ấy
Ngày đêm khản tiếng khóc thầm...


Khoảng độ mười giờ thì bà Lâm, cái Khanh với thằng Tiến về. Bà Lâm bảo: Ba bà cháu đi chùa, sư cụ cho oản, cái Khanh, mày đưa cho cậu Hiếu một cái để cậu Hiếu nếm cho biết mùi. Tôi bảo: Bà ăn đi chứ, cháu ăn khoai rồi. Bà Lâm bảo: Tôi chẳng ăn. Ăn mãi rồi. Tám mươi tuổi mà cứ tham ăn thì khó chết lắm. Bốn năm nay tôi không dám ăn cái gì bổ béo vào người mà không chết được. Bà cụ thở dài: Già quá hóa giặc cậu ạ. Sao mà tôi kinh tuổi già đến thế. Sáng nào tôi cũng đi chùa, lạy Phật tổ Như Lai cho chết mà Ngài cứ lắc đầu, Ngài chưa nhận. Chung quy vì tôi mải lam mải làm, đáng lẽ ngày xưa tôi phải chơi vung tàn tán thì đâu đến nỗi. Ở làng, những đứa con gái cùng lứa tuổi với tôi, đứa nào hồi trẻ thập thành thì Ngài cho lên tiên sớm, chẳng phải đợi đến tuổi thất thập, thế là sống cũng sướng mà chết cũng sướng. Còn tôi, cả đời chỉ biết mỗi một con b..., mang tiếng thủy chung đức hạnh, chẳng biết báu cho ai, chỉ biết về già sống lâu khổ con khổ cháu. Tôi cười đau đớn: Bà ơi, bà đừng nói thế. Bà Lâm lắc đầu: Cậu còn trẻ lắm, cậu cứ sống đến tám mươi tuổi đi đã xem nào. Đức Phật tổ cho mỗi người một ít của cải, ai cũng như nhau, người tám lạng, kẻ nửa cân. Sức khỏe, đức hạnh cũng là của cải. Có của thì phải biết tiêu. Chứa nhiều rồi nó hóa tinh ra chứ. Ở bên Duệ Đông, có ông nhà giàu chứa vàng trong nhà những mấy chục cân, thế là vợ hóa điên, con hóa dại, cháu chắt chẳng ai sống được đến ba mươi tuổi.

Hai bố con Lâm đi cày về. Bố Lâm hỏi: Trưa rồi, mấy bà cháu chưa nấu cơm à?”Cái Khanh trong bếp bảo: Con đang nấu. Bố Lâm lên nhà, ông rót nước ra bát mời tôi. Ông bảo: Không đi đâu à? Cứ nghe bà lão nhà tôi chuyện trò rồi cậu phát điên có ngày. Bà Lâm bảo: Phải. Tôi ngu ngốc. Bố Lâm bảo: Không ngu nhưng ác. Bà Lâm bảo: Ác tâm mới sợ chứ ác khẩu có gì mà sợ. Bố Lâm bảo: Trẻ nhỏ như giếng nước trong, bà cứ toàn thả những ba ba với thuồng luồng vào, kinh cả người. Bà Lâm nói dỗi: Thôi con ạ, mẹ mười đốt thì tám đốt là quỷ, đốt rưỡi là ma, có nửa đất là người. Nghe được tí nào thì nghe, không cứ bỏ ngoài tai.

Ăn cơm trưa xong có thầy giáo Triệu đến chơi. Anh còn trẻ, chỉ khoảng trên ba mươi tuổi, người gày gò, điệu bộ như kẻ chán đời. Tôi thoáng thấy chị Hiên co người lại trước cái nhìn bình thản của anh. Anh Triệu hỏi tôi: Về nhà quê chú có thích không?”Tôi bảo:“Thích. Anh Triệu cười: Tôi hỏi một câu ngu quá, chú là khách, nếu nói là không thích thì bác Ba Đình mời chú cuốn xéo”. Bố Lâm bảo: Tôi không dám. Anh Triệu bảo:“Bác Ba Đình ạ, ông khách của bác thẹn thò như con gái ấy. Tôi thấy tướng thông minh nhưng nhiều bất hạnh. Nghe tôi nói nhé: Lớn lên chú đừng sa vào con đường văn chương chữ nghĩa. Thế nào chú cũng ăn đòn. Người ta sẽ nguyền rủa đấy. Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân. Tôi hỏi: Vì sao?”Anh Triệu bảo: Vì chúng giả hình. Chúng nhân danh lương tâm, đạo đức, mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa. Chính trị không cao siêu sẽ nhầm lẫn. Tôi hỏi: Nhân dân không cần tri thức sao?”Anh Triệu bảo: Trẻ em rất cần. Còn khi trưởng thành, tôi nói là nhân dân ấy, cần một thứ còn hơn cả tri thức nữa: sự bình ổn để sống tự nhiên hài hòa. Tuổi già cũng cần tri thức nhưng ở dạng khác, đấy là tôn giáo. Khái niệm nhân dân của tôi không có trẻ con, người già. Ở tuổi cường tráng, bản thân đời sống nhân dân là tri thức rồi.

Anh Triệu bảo chị Hiên: Bế giảng rồi. Cô được lên lớp tám. Bài toán cô được tám điểm, bài văn được ba điểm, tôi cứ nâng bừa lên năm điểm. Chị Hiên đỏ mặt: Em dốt văn lắm. Anh Triệu bảo:“Chẳng sao đâu. Dân mình giỏi võ là được. Tôi thấy buồn vì văn học của ta ít giá trị thật. Nó thiếu tín ngưỡng và thẩm mỹ thực.

Anh Triệu ra về. Tôi nói: Anh ấy hay nhỉ?”Bố Lâm bảo: Tốt lắm đấy. Trẻ con làng này học anh ấy cả, chúng tôi thì học ông ngoại anh ấy là cụ giáo Đạt.

Trời bỗng sầm lại. Lát sau thì mưa. Mưa to quá, nước tràn ngập sân. Cái Khanh reo: Cá rô kìa! Cá rô! Cái Khanh băng ra ngoài sân bắt cá. Tôi cũng đội mưa ra theo. Cái Khanh gọi: Chị Hiên! Lấy nơm cho em. Chị Hiên đứng trên hè, ngó trông trời rồi bảo bố Lâm: Giở giời đấy. Bố ơi, mang chài ra sông đi. Cái Khanh reo to: Ra sông! Ra sông!”

Bố Lâm vác chài. Tôi cầm nơm. Chị Hiên cầm rổ. Cái Khanh cầm giỏ cua. Tất cả đi ra sông. Mưa như trút. Cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chị Hiên bảo: Bố xem kìa, có nhiều cá không?”Bố Lâm lội xuống nước, ngập đến ngang lưng mới quăng chài. Rất nhiều tép. Có những con cá to bằng bàn tay. Chị Hiên, tôi với cái Khanh gỗ chài. Cá đổ cả lên bãi cát. Bố Lâm liên tục quăng chài, cứ thế đến chục lần, lần nào cũng được cá, có cả những con cá nheo to bằng bắp chân người, loại cá này tròn và nhớt vì không có vảy.

Mưa vẫn to. Tôi bắt đầu thấy lạnh. Chị Hiên và cái Khanh răng cũng đánh lập cập. Vừa mệt, vừa rét nhưng cả ba chị em đều thích.

Bố Lâm quăng chài hai lần liền nhưng không được cá. Ông bèn rũ chài rồi bảo chúng tôi: Tao về trước còn đi tháo nước ở chân ruộng mạ. Chị em chúng mày về sau.

Chị Hiên dồn cá vào đầy rổ rồi bảo cái Khanh: Xuống tắm đi. Hai chị em đều bơi giỏi. Tôi lưỡng lự giây lát rồi cũng xuống theo. Nước rất ấm, tôi mới tập bơi nên không dám ra xa. Chị Hiên bảo: Hiếu kém thế!”

Tắm độ mười phút thì lên bờ. Quần áo ướt dính chặt vào người chị Hiên với cái Khanh. Tôi cứng người vì thấy thân hình chị Hiên với cái Khanh đều tuyệt đẹp. Những đường cong cân đối gợi cảm lạ lùng. Máu rần rật dồn đầy ngực tôi. Chị Hiên gọi: Hiếu lại giúp tôi. Ánh mắt chị Hiên gặp mắt tôi. Thoáng nhanh, tôi thấy một nét nanh nọc hớn hở trên khóe mắt ấy. Tôi đi lom khom, tôi định nâng rổ cá lên thì chị Hiên như vô ý xáp lại để đùi chạm vào người tôi. Tôi bủn rủn, hàm cứng lại. Một thoáng, tôi thấy chị Hiên nhìn sâu vào đáy mắt tôi rồi đỏ bừng mặt. Tôi không thở được nữa, chân khuỵu xuống bãi cát, người run bắn lên. Chị Hiên đặt tay lên đầu tôi, mặt tái đi lúng búng nói một câu gì không rõ nghĩa rồi bỗng chạy tế lên đuổi kịp cái Khanh đang cầm nơm đi trước. Tôi nghe tiếng hai chị em cười ròn rã.

Tôi thở dốc, nằm lăn lộn trên bãi cát ướt. Hai viên tinh hoàn và dương vật tôi nặng trĩu, rất đau.

Rổ cá đổ văng ra. Tôi nằm úp người giữa đám cá tôm mà phóng tinh, miệng ngoạm đầy cát. Tôi không biết tôi có nuốt cát vào bụng không. Một nỗi sợ hãi lẫn khoan khoái trào dâng lòng tôi. Tôi biết từ nay tôi đã trở thành người lớn.

Vĩnh biệt nhé, tuổi thơ
Tôi đã trưởng thành
Từ nay tôi phải gánh
trách nhiệm với tôi, với mọi người
Tôi bắt đầu một chuỗi sơ xuất liên tiếp nhau
Ôi tuổi thơ
Khi trong tôi còn là một khối nguyên dương
Tiền tài, danh vọng, luật pháp đều bay qua tôi
Trùm lên tôi là đôi cánh mỏng tang của mẹ
Ôi tuổi thơ
Đâu rồi nụ cười vô tư
Những truyện cổ tích lạ kỳ
Con đường nhỏ đến trường
Và nỗi sợ hãi bị bỏ rơi...
Tôi đã trưởng thành
Trước mắt tôi là trùng điệp đam mê
Tâm hồn tôi đục ngầu
Tôi săn lùng danh tiếng
Săn lùng tiền tài
Hạnh phúc và nghĩa vụ hành hạ tôi
Cái chết mỉm cười chờ tôi cuối đường
Ở đấy có lối rẽ xuống hỏa ngục
Ôi tuổi thơ
Tuổi thơ trắng trong
Tuổi thơ nghèo, cô đơn, u buồn
Tuổi thơ thảm hại
Ta biết cười hay khóc với mày
Thôi vĩnh biệt!


Tôi về đến nhà. Mẹ Lâm bảo: May kịp chợ chiều, để bác mang cá đi bán. Mẹ Lâm để vài con cá to nhất ở nhà, dặn dò cái Khanh vài câu rồi bươn bả cắp rổ đi chợ. Cái Khanh mang dao thớt ra cầu ao làm cá. Lúc này không còn mưa nữa nhưng trời vẫn còn âm u. Tôi buồn ngủ rã rời. Tôi lên giường ngủ.

Tôi chợp mắt được một lúc lâu thì choàng tỉnh dậy vì nghe ở ngoài sân có tiếng rúc rích cười. Cái Khanh với thằng Tiến ngồi ở bờ hè đang chơi chuyền thẻ. Cái Khanh rải que xuống đất, vừa hát vừa tung sỏi. Thằng Tiến quỳ xuống chân chị nó lắp bắp nhại theo. Tiếng cái Khanh lảnh lót:

Chuyền chuyền một
Một đôi
Chuyền chuyền khoai
Hai đôi
Chuyền chuyền cà
Ba đôi
Chuyền chuyền từ
Tư đôi
Chuyền chuyền tằm
Năm đôi
Sang bàn chống...
“

Bà Lâm ngồi ở trên giường, những giọt nước mắt lăn trên gò má răn reo. Tiếng cái Khanh vẫn lảnh lót:

Vào làng
Xin thịt
Ra làng
Xin xôi
Đi bên sông
Về bên sông
Trồng cây cải
Bơi đò ngang
Một đò ngang
Hai ngang đò...
“

Tôi đi ra ngoài ngõ. Bầu trời bỗng sáng lòa một sắc mỡ gà đẹp lạ lùng. Tất cả trời, đất, cây cối, đồ vật hiện rõ mồn một dưới một sắc mầu huyền ảo rực rỡ. Màu mỡ gà trùm lên tất cả, đến cả những bông hoa dâm bụt có màu đỏ tía cũng bạc cả đi, thành thứ màu khác, hồng như môi người. Tôi thót tim lại vì sợ hãi. Một thế giới khác, cụ thể khủng khiếp, chi tiết đến kinh dị hiện ra ở trước mặt tôi.

Ít phút sau, bầu trời sầm lại. Tất cả trở về như cảnh sắc cũ trước đây. Tôi rùng mình, đau đớn, nhận ra thế giới xung quanh tôi nhợt nhạt, tội nghiệp quá. Tôi phải đứng im một lúc rất lâu mới định thần được.

Trên trời cao, có mấy con cò bay qua, tiếng kêu khàn khàn nghe rất hãi hùng. Những giọt nước mưa đọng trên lá cây bỗng rơi rào rào xuống người tôi. Tôi đi dọc theo cái ngõ nhỏ rụng đầy lá tre, loanh quanh một lúc trong làng vì lạc đường. Mấy đứa trẻ con chạy táo tác. Có nhà ai bị mất gà đang lớn tiếng chửi láng giềng, tiếng chửi nghe rất tục tằn, ngoa ngoắt. Tôi vòng lên ra chỗ bờ đê. Phía xa xa, một cánh buồm nâu chậm rãi đi ngược dòng sông hoàn toàn vô sự.

Anh Triệu ngồi ở bờ đê đọc sách. Tôi lại gần anh, thấy chỗ anh ngồi có những khóm hoa mầu tím, cánh hé mở ra trông như môi người. Tôi ngắt một bông đưa lên mũi ngửi, thấy mùi thơm ngát. Anh Triệu cười: Chú có biết hoa này không?”Tôi lắc đầu. Anh Triệu bảo: Hoa này lạ lắm, trông y như cái miệng cười, vớ vẩn có chú muỗi nào rơi vào là nó khép ngay cánh lại. Nó có cái lạ là cứ để yên thì chẳng làm sao, nhưng hễ đụng đến là thơm lựng lên. Người ta đặt tên là hoa cỏ đĩ. Y hệt đàn bà, để yên thì là hạnh kiểm phi thường, đụng vào tan nát như chơi, đầu tiên nát tiền, đến nát tâm hồn, rồi tan gia đình, tan cơ nghiệp. Tôi cười: Anh có vợ chưa?”Anh Triệu bảo: Chưa. Vợ người thì đẹp, vợ mình lại tử tế. Khốn thế!”

Anh Triệu nằm ngả trên bãi cỏ xanh. Anh bảo: Nằm xuống đây. Chú ở thành phố, thế chú có khinh người nhà quê không?”Tôi bảo: Không. Anh Triệu bảo: Ừ, đừng khinh họ. Với nông thôn, tất cả bọn dân thành phố và bọn có học vấn chúng ta đều mang tội trọng. Chúng ta phá tan phá nát họ ra bằng những lạc thú vật chất của mình, cả giáo dục lẫn khoa học giả cầy, hành hạ bằng luật lệ, lừa bịp bằng tình cảm, bóc lột tận xương tủy, chúng ta đè dí nông thôn bởi thượng tầng kiến trúc với toàn bộ giấy tờ và những khái niệm của nền văn minh... Chú có hiểu không? Tim tôi ứa máu. Bao giờ tôi cũng nói rằng: Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn... Anh Triệu im lặng. Một lát, anh bỗng ngồi dậy buồn bã bảo tôi: Chú chẳng bao giờ hiểu nổi những điều anh nói có nghĩa gì đâu. Tôi bảo: Anh không tin em phải không?”Anh Triệu bảo: Không phải thế. Chỉ vì chú còn trẻ. Lỗi ở tự nhiên chứ không phải chú.

Tôi bị kiến đốt nên phải ngồi dậy. Dưới chân tôi những con kiến đen xúm xít rất đông xung quanh xác một con chuồn chuồn màu đỏ. Tôi bảo: Kiến nhiều quá. Anh Triệu bảo: Đấy. Tất cả dân chúng cũng đông như thế. Họ sống như kiến cả thôi, xắng xở, loanh quanh, kiếm ăn chẳng được là bao. Chú hãy để con chuồn chuồn ra khỏi chỗ khác xem. Tôi làm theo lời anh Triệu. Anh Triệu bảo: Chú có thấy kiến bu ra chỗ đấy không?”Tôi bảo: Có. Anh Triệu bảo: Dân chúng nhẹ dạ nông nổi cũng như thế đấy. Các nhà chính trị, các thiên tài là kẻ có khả năng xô dạt dân chúng về cả một phía. Dân chúng cầu lợi. Chỉ cần tí lợi là họ sẽ a dua nhau bu đến. Họ không biết rằng điều ấy chất chứa toàn bộ sự vô nghĩa trong đời sống của họ. Họ sinh ra, hoạt động, kiếm ăn, cứ dạt chỗ nọ rồi dạt chỗ kia mà chẳng tự định hướng cho mình gì cả. Chỉ đến khi nào dân chúng hiểu rằng không được cầu lợi, mà có cầu lợi thì cũng chẳng ai cho, người ta chỉ hứa hẹn suông để bịp bợm thôi, thảng hoặc có cho thì cho rất ít, lợi bất cập hại. Lợi phải do chính dân chúng tạo ra bằng sức lao động của mình. Họ cần hiểu rằng phải cầu một thứ cao hơn thế nữa, đấy là giá trị chân chính cho toàn bộ cuộc sống của mình, quyền được tự mình định đoạt cuộc sống, tóm lại là tự do.

Anh Triệu thở dài, suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói: Còn điều này nữa, đã nói thì nói cho xong. Thời loạn dứt khoát phải có một nền thống trị bá đạo. Còn thời bình, đường lối chính trị bá đạo sẽ đưa dân tộc đến thảm họa. Chỉ có một nền chính trị vương đạo, dân chủ, tín nghĩa và văn hóa đạo đức cao mới làm cho đất nước phồn vinh.

Chúng tôi lặng im. Anh Triệu bảo: Hiếu này! Chú đừng nghe tôi. Tôi nông cạn và sai lầm lắm. Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn. Tôi nhìn anh thương xót, tự dưng nước mắt tôi ứa cả ra. Tôi úp mặt xuống bờ cỏ để anh khỏi thấy rằng tôi đang khóc.

Anh Triệu đứng lên đi xuống vệ đê. Bỗng lúc ấy có những tiếng kêu ầm ĩ trên đồng. Một con trâu bê bết bùn đất đang phi điên cuồng về phía chúng tôi. Ngay lúc ấy tôi nghe thấy có tiếng gọi:“Anh Hiếu về ăn cơm!”Trông ra tôi thấy thằng Tiến đang đứng ngơ ngác ở dưới chân đê gọi tôi, con trâu đang lao thẳng đến chỗ thằng Tiến. Tôi hốt hoảng, chưa kịp định thần đã thấy anh Triệu nhảy đến chắn ngay trước mặt thằng Tiến. Chỉ nghe tiếng rú thất thanh khủng khiếp. Con trâu lao thẳng vào người anh Triệu với một sức mạnh kinh người. Tôi thấy anh Triệu như bị đôi sừng của nó nhấc bổng lên cao. Anh Triệu chết ngay trước mặt tôi. Đầu anh ngật sang một bên, máu ộc ra đầy miệng, gan ruột lòng thòng. Con trâu điên thản nhiên gặm cỏ ở bên. Thằng Tiến tái xanh tái tử bị anh Triệu gạt ngã xuống bờ ruộng đang lồm cồm bò dậy.
Nhiều người chạy đến, có cả vài người mang súng. Một anh dân quân xả súng bắn như điên vào đầu con vật.

Người trong xóm đổ ra rất đông. Bà Lâm dắt thằng Tiến vừa khóc vừa lạy anh Triệu. Bố Lâm, mẹ Lâm cũng khóc, quỳ xuống bờ ruộng lạy như tế sao. Mấy ông già trong xóm bàn bạc, cuối cùng bảo với mọi người đưa xác anh Triệu ra gốc cây trôi cổ thụ đã sống hơn chín trăm năm, trông xa tán xòe như mâm xôi, vòng gốc phải bốn người ôm mới xuể.

Đêm xuống. Trên trời sao giăng chi chít. Tôi bỗng hoảng hốt y hệt buổi chiều khi ráng mỡ gà đột nhiên phản chiếu. Tôi nhận ra thế giới bao la vô cùng vô tận, bản thân tôi, sự sống và ngay cái chết đều là bé nhỏ và không có ý nghĩa gì.

Người ta đóng quan tài cho anh Triệu ngay bên gốc trôi. Lâm và mấy thanh niên trong xóm mang hương án lập bàn thờ. Trên bàn thờ có ảnh, bát hương, ngũ quả, cau trầu... Cả làng đổ ra bên gốc cây trôi. Có ai lại mang chiếu hoa ra trải trên đất để cho các cụ bà ngồi têm trầu. Dân quân đến gác, mang cả súng. Một bầu không khí vừa trang nghiêm, vừa thương xót, lại lo sợ nữa trùm lên tất cả.

Người ta nhập quan anh Triệu vào lúc nửa đêm, đèn đuốc sáng rực một vùng. Mọi người đều chít khăn tang. Mẹ Lâm cũng đưa cho tôi một chiếc khăn tang. Tôi đoán chiếc khăn xé ra từ chiếc màn cũ ở nhà, trên khăn có vết khâu díu chỉ đen. Kèn trống tưng bừng, các bà, các chị và các em nhỏ khóc ròng. Tôi cũng đã khóc.

Nhập quan xong, Lâm và mấy thanh niên về nhà bắt lợn, thổi xôi, thịt lợn, nấu nướng ngay bên gốc trôi. Khi trời sáng bạch thì xong mọi việc.

Lễ tang anh Triệu tiến hành lúc tám giờ sáng. Lúc này mặt trời lên cao rực rỡ, ánh nắng chan hòa khắp cả cánh đồng. Các cụ ông, cụ bà và người trong xóm đứng xúm xít quanh quan tài. Học sinh xếp hàng ở trước mặt họ. Ông Miêu hiệu trưởng đọc điếu văn, người cứ run bắn lên. Tôi lắng nghe, hết sức ngạc nhiên khi biết anh Triệu không phải là người làng này. Bố mẹ anh ở Hà Nội, bố anh là bộ trưởng, mẹ anh sinh ra trong một gia đình trí thức tiếng tăm. Anh sống độc thân, đã ở làng này chín năm, anh chẳng bao giờ về thăm gia đình mình ở thành phố, nghe nói bố mẹ anh đã từ”anh, bản thân anh chỉ là một giáo viên cấp một bình thường.

Người ta chôn anh Triệu trong bãi tha ma của làng.

Trên mộ chỉ có mỗi vòng hoa trắng. Sau này, tôi đã dự nhiều đám ma người khác nhưng tôi hiểu rằng đây là đám ma duy nhất để lại trong tôi ấn tượng không thể phai mờ.

Người ta phải cảm ơn anh
người thầy giáo nông thôn
Anh là người khai hóa vĩ đại của nhân dân tôi
Đây mới là kiến thức tinh khiết
Cho dù nó vừa thô sơ, vừa sai lầm,
lại vừa ấu trĩ nữa
Nó là a, b, c
Ơi anh giáo làng
Anh phải làm việc với bọn ranh con thò lò mũi
Chúng không biết thế nào là tay phải, tay trái
Anh sẽ dạy chúng, phải không,
anh sẽ dạy chúng.
Tay phải thì vung cao
Còn tay trái đặt lên trái tim....
Anh sẽ dạy chúng, phải không, sẽ dạy chúng:
Đây là số không, là số một
Cờn mẹ thì không bao giờ được quên
Phía trước là chân lý
Rất có thể có nạn hồng thủy
Mà ngoài trái đất là thiên hà
Ðây là chữ a...
.

Buổi chiều hôm ấy chỉ có Lâm mang trâu đi bừa, còn mọi người đều ở nhà. Mẹ Lâm làm cơm cúng anh Triệu. Chị Hiên vừa vặt lông gà vừa khóc, trên đầu vẫn vấn khăn xô. Mẹ Lâm bảo: Hiên này, mày bỏ khăn ra đi. Mình lòng thành, để tang anh ấy trong lòng. Còn người thiên hạ trông vào, chồng mày ở xa, tao trông cái khăn hãi lắm. Chị Hiên bỏ khăn la khóc: Lạy thầy giáo, thầy giáo sống khôn chết thiêng, phù hộ phúc đức cho gia đình em. Bà Lâm bảo: Thằng Tiến nhà này được ông giáo thế mạng. Tuy là người dưng nhưng hóa thần thánh trong nhà. Người đâu mà quý hóa thế?”Ông Miêu đang ngồi uống nước với bố Lâm. Ông Miêu bảo: Anh ấy là cháu cụ giáo Đạt có chân trong nhóm văn thân ngày xưa, người bên Ninh Xá. Dòng họ ấy nhiều người hào kiệt lắm. Bà Lâm bảo: Khốn nạn con gái làng này, thế không đứa nào thương ông giáo à? Người thế mà chết không ai nối dõi thì có phí không?”Chị Hiên bảo: Nghe nói trước có để ý đến cái Thu nhưng bị nó chê là lạnh lùng, triết lý, không tình cảm. Bà Lâm bảo: Cha bố con đĩ, để tí nữa nó đến đây tao bảo. Các cô bây giờ chỉ thích nước sơn hào nhoáng, rồi rơi vào tay Sở Khanh mới biết thân. Ông Miêu bảo: Dòng máu hào kiệt ở nước mình cứ cạn dần vì mỹ nhân toàn rơi vào tay bọn Sở Khanh với Khuyển Ưng cả. Tiếc lắm thay! Bố Lâm bảo: Tôi cũng không thích triết lý. Ông Miêu bảo: Người ta triết lý để chết thì cũng phải bỏ qua thôi. Ở nước mình, những cái chết ngẫu nhiên đáng sợ lắm. Mọi người đều phải vội vàng cả. Vội vàng như chẳng kịp... Đấy là thân phận anh Triệu.

Cuối giờ chiều, cỗ bàn vừa xong thì bà Hợp bên hàng xóm đến kéo theo mấy bà mấy cô bên đội cấy. Bà Hợp gào thét từ ngoài ngõ. Bà Hợp bảo: Ông Ba Đình ơi, ông ra mà xem con trai ông cày bừa ngoài đồng. Cày thì cày lỏi, bừa thì bừa dối. Chúng tôi mang mạ đến bắt đền ông đây. Lâm từ trong nhà chạy ra đỏ bừng mặt. Bố Lâm hỏi: Không cấy được à?”Bà Hợp bảo: Cấy được thì chị em chúng tôi chẳng phải đến bắt đền ông. Lâm bảo:“Cháu xin lỗi, cháu ham về ăn cỗ quá. Bố Lâm quát: Nằm xuống đây! Tao đánh ba roi để nhớ. Bà Hợp ạ, để tôi bảo cháu nó ra bừa lại cho bà. Bố Lâm rút cái dây mây trên nóc nhà xuống. Lâm nằm phủ phục ở sân. Mọi người xúm lại ngăn. Bố Lâm bảo:“Các bà đi ra đi, để tôi dạy cháu. Làm ăn không cẩn thận, đánh để nhớ. Nó còn ra ngoài thiên hạ kiếm cơm, rồi quen thói lừa lọc thì ra làm sao. Mẹ Lâm níu tay bố Lâm: Tôi xin ông, đánh con nó nhẹ tay thôi. Bố Lâm cầm roi bảo Lâm: Tao đánh ba roi cho nhớ. Hai roi phải nhớ làm ăn cẩn thận. Một roi phải nhớ là con lão Ba Đình, đừng để bố mày bị thiên hạ chửi vào mặt. Chiếc roi vút lên không trung, Lâm nảy người lên ba lần. Mẹ Lâm giằng roi trong tay bố Lâm mắng: Rõ đồ vũ phu. Lâm lồm cồm bò dậy chắp tay: Con lạy bố. Bố Lâm lầm lũi xuống bếp tháo trâu, vác bừa đi ra ngoài ngõ.

Chập tối, cái Khanh chạy về bảo: Anh Lâm ơi, anh Hiếu có thư đây này. Tôi ngạc nhiên, hóa ra thư của bố tôi. Bố tôi viết:

“Con thân yêu

Bố rất bực mình vì bố đi vắng thì mẹ tự tiện thả con về nông thôn. Tao xin báo cho mày biết, đồ chó, rằng nhà mày ở thành phố, tương lai của mày ở đấy!

Con ơi, con hãy nghe bố, con phải về ngay. Bố mẹ sẽ mở rộng cửa đón mày như đón đứa con nhẹ dạ, nhẹ dạ quá mức...

Bố của con”

”
Tôi sững người. Tôi đưa cho Lâm đọc thư. Lâm bảo: Hiếu ơi, thôi mày về đi. Bố mày không đánh ba roi như bố tao đâu, với lời lẽ thế này thì ông ấy giết. Sáng mai có tàu năm giờ sáng đấy.

Sớm hôm sau, chị Hiên dậy nấu cơm nếp rồi gói lá chuối cho vào túi tôi. Lâm hỏi: Mày đi một mình được không?”Tôi gật đầu. Mọi người trong nhà đều như bận việc, có vẻ như không một ai để ý đến tôi. Tôi biết, tôi có quyền gì đòi hỏi mảy may lưu luyến ở họ: ở bà Lâm, bố Lâm, mẹ Lâm, Chị Hiên, cái Khanh, thằng Tiến...

Tôi rời thôn xóm ra đi. Trời còn tối lắm. Cánh đồng mờ mịt hơi sương. Tôi tự hỏi vì sao bố tôi lại đi coi tôi là người nhẹ dạ?

Sự nhẹ dạ của lòng người.
Tôi nhẹ dạ, anh nhẹ dạ, chị nhẹ dạ
Và em nữa, em thân yêu
Em nhẹ dạ quá chừng
Chúng ta đều nhẹ dạ ở cõi đời này
Tôi đã nhẹ dạ tin theo bố tôi
Tôi nhẹ dạ tin anh, tin chị
Và em nữa, em thân yêu
Em nhẹ dạ quá chừng
Trái tim em trong trắng thế
Và đôi môi em tinh khiết thế
Đôi mắt em buồn tái tê
Niềm tin kia...
Niềm tin chẳng giả thiết gì, chẳng điều kiện gì
Còn nếu tôi là quỷ dữ
Anh là quỷ dữ, chị là quỷ dữ
Bố mẹ tôi là quỷ dữ
Sự nhẹ dạ của lòng người
Có chắp cánh cho chúng ta bay lên
Thiên đường không?
.

Tôi cứ đi, đi mãi. Tôi băng qua cánh đồng, qua dòng sông. Mặt trời bao giờ cũng ở phía trước mặt tôi.

Tôi còn nhớ mãi... Năm ấy tôi mười bảy tuổi. Xóm Nhài, thôn Thạch Đào, tỉnh N.