Vào thời Nguyễn Công Trứ mà đồng tiền cũng to nhỉ. Tất nhiên to sao bằng bây giờ, khi con người ta hình như không còn biết đến bất cứ thứ giá trị tinh thần nào. Ðọc thơ tiền, thú nhất câu “Dốc đáy túi, mặt Nguyễn lang ngơ ngác”!

(Thu Tứ)



Nguyễn Công Trứ, “Vịnh đồng tiền”



Hôi tanh chẳng thú vị gì,
Thế mà ai cũng kẻ vì người yêu.

Tạo vật bất thị vô để sự
Bòn chài ra một thứ quấy chơi!
Ðủ vuông, tròn, tượng đất, tượng trời,
Khẳm họa phúc, yên nguy, tử hoạt.

Chốn kim môn, nơi tử thất,
Mặc phao tuồng, không kẻ phòng nhàn.
Ðương om sòm, chớp giật sấm ran,
Nghe xóc xách, lại gió hòa mưa ngọt.

Kẻ tài bộ đã vào phường vận đạt,
Không ngươi, cũng nát với cỏ cây.
Người yêm yêm đành một phận trầm mai,
Có gã, lại trở ra sừng gạc.

Dốc đáy túi, mặt Nguyễn lang ngơ ngác,
Trổng đầu giường, gan tráng sĩ bàu nhàu.
Ðể đoàn ấm á càu ràu, khiến lũ tài danh vơ vẩn.

Khả quái tầm thường a đổ vật,
Khước giao đáo để đại thần linh.

Ðương đồ, ai chẳng chuộng gia huynh,
Thù thế, kể lấy làm đệ nhất.

Tiếng xỏng xảnh đầy trong trời đất,
Thần cũng thông huống nữa là ai.
Long đồ nghĩ cũng nực cười!







____________________
Chú thích trong
Thơ văn Nguyễn Công Trứ (nxb. Văn Học, VN, 1983):
Hôi tanh: chỉ đồng tiền có mùi tanh đồng.
Tạo vật bất thị vô để sự: tạo vật vốn không phải không làm được việc gì (nói mỉa).
Bòn chài: thu nhặt từng li từng tí, ở đây nghĩa là tìm ra được.
Ðủ vuông, tròn...: tả đồng tiền hình tròn, có một lỗ vuông ở giữa. Tượng là tượng trưng; hình tròn tượng trưng trời, hình vuông tượng trưng đất.
Khẳm họa phúc, yên nguy, tử hoạt: khẳm là đủ; tử hoạt là chết và sống; cả câu ý nói: đồng tiền có một sức mạnh ghê gớm, định đoạt vận mệnh con người.
Kim môn, tử thất: cửa vàng, nhà tía, ý nói nơi quyền quý sang trọng.
Mặc phao tuồng...: phao tuồng là lộng hành, phòng nhàn là cấm đoán, ý nói đồng tiền có thể ra vào tự do (ở những nơi quyền quý).
Yêm yêm: suy yếu, rã rời.
Trầm mai: chìm mất, chìm nghỉm.
Sừng gạc: có sừng có gạc, ý nói mạnh mẽ, có thể chống lại kẻ thù.
Dốc đáy túi...: Lấy tích Nguyễn Phu đời Tấn đi đến một đô thị lớn mà trong túi chỉ có một đồng tiền nên bẽn lẽn, ngơ ngác.
Trổng đầu giường...: Ðầu giường tiền hết, tráng sĩ mất vẻ vui tươi (do câu chữ Hán: Sàng đầu kim tận, tráng sĩ vô nhan).
Ðoàn ấm á: bọn người thay chủ đến nợ đòi tiền.
Khả quái tầm thường a đổ vật: lạ thay cho cái vật tầm thường ấy. Lấy tích Vương Di Phủ đời Tấn khinh tiền, không bao giờ nói đến tiếng “tiền”. Một hôm, ông ngủ, người nhà chất tiền quanh giường ông nằm để thử xem lúc thức dậy, ông có phải nói đến tiền hay không. Quả nhiên, lúc dậy, ông hết sức ngạc nhiên, nhưng chỉ bảo người nhà sao không cất “cái vật tầm thường” ấy đi, chứ không nói đến tiếng “tiền”.
Khước giao đáo để đại thần linh: nhưng sao lại thiêng liêng đến thế.
Ðương đồ: đang trên đường đi, tức là đang sống.
Gia huynh: anh, cũng như tiếng “ngươi”, tiếng “gã” ở trên đều chỉ đồng tiền.
Thù thế: tiếp đãi với người đời.
Thần cũng thông: lấy tích Trương Diên Thưởng đời Ðường xử án. Người bị tội hối lộ ông bốn vạn quan tiền, ông không nhận, sau hối lộ mười vạn quan, ông bảo nha thuộc thôi không tra án nữa. Người ta hỏi, ông đáp: “Tiền đến mười vạn, thần cũng phải thông”.
Long đồ: tức Bao Chứng (cũng gọi là Bao Công) người đời Tống làm chức Long đồ các học sĩ, xét án sáng suốt công minh, nhưng có lúc cũng muốn lấy tiền cho yên chuyện.