“Mũi tên đồng Cổ Loa”

Lại Văn Tới








Tháng 6 năm 1959, trong khi đắp con đường từ quốc lộ 3 đi qua khu di tích Cổ Loa đến xưởng phim (?), tại khu vực có tên là Cầu Vực, công nhân đã phát hiện một hố gần vuông mỗi cạnh 1m, sâu khoảng 1,2 m, trong chứa 93 kg mũi tên đồng, ước khoảng gần một vạn chiếc, dài nhất 11cm, ngắn nhất 6cm, tất cả cùng một thiết kế: đầu nhọn, trụ và chuôi cùng có mặt cắt ngang hình tam giác (…)

Mũi tên trong hố được sắp xếp thành từng nhóm, cùng hoặc ngược chiều nhau rất ngay ngắn. Khoảng một phần tư số mũi tên sau khi đúc đã được tu chỉnh, ba phần tư còn lại là mới ra khuôn, còn nguyên dấu vết của kỹ thuật đúc (…)

Không có dấu vết tầng văn hóa, không phát hiện được di vật khảo cổ. Do đó (…) đây là nơi kho cất giữ mũi tên vừa đúc xong, đang trong quá trình gia công để sử dụng (…) Ở các di chỉ khảo cổ Bãi Mèn, Ðồng Vông, Ðường Thụt, Ðường Mây, Ðình Tràng và các xóm làng của Cổ Loa (xóm Nhồi, xóm Hương, xóm Gà, xóm Mít, xóm Vang v.v.) đều đã phát hiện được mũi tên đồng cùng loại (…)

Có một số nhà khoa học đặt vấn đề về nguồn gốc của những mũi tên đồng này (…) nghi ngờ khả năng đúc tại Cổ Loa (…)

Rất may mắn, từ năm 2004 đến năm 2007, tại di tích Ðền Thượng (Cổ Loa) đã phát hiện được một hệ thống dấu tích lò đúc mũi tên đồng (…) Ðặc biệt, có vô số mang khuôn bằng đá, trên mang khắc hình mũi tên (…) Đây là loại khuôn ba mang, khi ghép lại với nhau sẽ thành một khối hình trụ, ở giữa là hình vật đúc. Mỗi mang tạo thành một cạnh của mũi tên, nên khi đúc xong, mũi tên có ba cạnh. Cùng với những mang khuôn nguyên vẹn, còn phát hiện được nhiều mang khuôn vỡ, phác vật, phế vật cùng nhiều đá nguyên liệu (…) mảnh nồi nấu đồng và những cục xỉ đồng.

Phát hiện nói trên là chứng cứ vật chất khẳng định các mũi tên đồng Cổ Loa đã được đúc tại chỗ.

(…) Việc chọn góc tây nam của thành Nội (…) gần nơi vua ở (…) phản ánh mức độ quan trọng của xưởng đúc.


(Lại Văn Tới (Viện Khảo cổ học), “Mũi tên đồng Cổ Loa: Từ huyền thoại đến lịch sử”, đăng trên trang
nhandan.vn ngày 8-9-2010)