Về sự bền vững ở đời, ta hay “đánh đồng” núi với sông. Thực ra núi bền hơn sông nhiều lắm. Theo Đào Duy Anh, con sông Bạch Đằng lừng lẫy xưa kia đã dần bé lại, đến lúc nào đó nhường cái tên to của mình cho một dòng nước khác.



Đào Duy Anh, “Sông Bạch Ðằng xưa ở đâu”




Tháng 11 năm 1958, Vụ Bảo tồn Bảo tàng đã khai quật được một số cọc lim ở tả ngạn sông Chanh, trước mặt thị trấn Quảng Yên - kể cả số nhân dân đào được trước đó thì có trên dưới 300 cây. Nhân dân địa phương còn cho biết là ở bên hữu ngạn sông Chanh người ta cũng thường thấy có cọc lộ ra vào mùa nước cạn và có người ở xóm Thượng thôn Ðồng Cốc đã đào được 4 cây. Sau đó Vụ Bảo tồn Bảo tàng lại phát hiện được ở bãi sú làng Gia Ðước, về phía hữu ngạn sông Ðá Bạc, phía trên núi Tràng Kênh, một hàng cọc lim cũng giống như những cọc lim trên.

Tháng 9 năm 1969, chúng tôi được dự một buổi họp báo cáo khoa học do Viện Khảo cổ tổ chức, thấy có bản báo cáo về một cuộc khai quật bãi cọc, đặc biệt là bãi cọc ở sông Yên Giang, tức sông Chanh, thuộc huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh) là bãi mà đoàn nghiên cứu đã khảo sát kỹ nhất, chính cũng là bãi đã được phát hiện vào năm 1958 (...)

Như vậy là trước sau những cọc lim đều chỉ được phát hiện không phải là trên sông Bạch Ðằng mà phần lớn ở trên sông Chanh. Ðây chúng tôi chỉ nói về bãi cọc quan trọng nhất ở tả ngạn sông Chanh (...)

Theo tài liệu sử học thì những cọc lim phát hiện được đấy (...) có thể là những cọc lim của Ngô Quyền đóng để chống quân Nam Hán (năm 938); cũng có thể là của Lê Hoàn đóng để chống quân Tống (năm 981); cũng có thể là của Trần Quốc Tuấn đóng để chống quân Nguyên (năm 1288); cũng có thể là của Hồ Quý Ly đóng để chống quân Minh (năm 1405). Nhưng nếu là cọc lim của Ngô Quyền, của Lê Hoàn hay của Hồ Quý Ly thì đó là cọc lim đóng ở cửa biển để giữ không cho giặc vào nước ta do sông Bạch Ðằng, mà những cọc lim phát hiện ở đây thì đều là tìm thấy ở khoảng trung lưu của sông chứ không phải là ở cửa sông, cho nên chúng tôi thiết tưởng không thể là của nhà Ngô, nhà Lê hay nhà Hồ được. Còn cái khả năng là cọc lim của Trần Quốc Tuấn (...) Việt sử thông giám cương mục (...) chép rõ rằng Hưng Ðạo Vương đóng cọc lim ở sông Bạch Ðằng đón đánh tan được thủy quân của Nguyên khi nó định trốn về. Cọc để đón thủy quân giặc khi nó rút lui thì tất đóng ở khoảng giữa, ở khúc sông hiểm yếu, chứ không phải là đóng ở cửa sông. Do đó, chúng tôi tin rằng những cọc lim phát hiện được ở khoảng giữa sông đó là của Hưng Ðạo Vương, chứ không có thể là cọc lim của các đời khác. Nhưng lại phải đặt câu hỏi: Tại sao những cọc lim ấy lại không nằm trong khúc sông Bạch Ðằng ngày nay? Từ đó chúng ta phải đi đến vấn đề: Phải chăng từ đời Trần đến nay sông Bạch Ðằng đã đổi dòng?

Những con sông lớn khi chảy trong miền tam giác châu do chúng đã tạo thành rất dễ đổi dòng sau những trận lụt lớn. Như sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, sông Hằng Hà ở Ấn Ðộ có lần đã đổi dòng khiến cửa sông mới cách cửa sông cũ hàng mấy trăm cây số. Sông Hồng và các chi lưu của nó tuy không có những cuộc biến đổi ghê gớm như thế, nhưng cũng rất dễ đổi dòng, chỉ có là ở trong quy mô nhỏ hơn thôi. Rất có khả năng rằng sông Bạch Ðằng cũng đã đổi dòng. Chúng ta hãy tìm xem quả đã có sự tình ấy xảy ra không (...)

Chúng ta biết rằng sông Chanh ngày xưa to hơn sông Chanh ngày nay nhiều (...)

Chỗ ngày nay đào được cọc lim ở trên bãi sú của sông Chanh chính là nằm trong lòng sông Bạch Ðằng xưa. Thế là sông Bạch Ðằng (...) đã thay đổi mà tên sông đã được chuyển một cách âm thầm sang cho một khúc sông khác (...)


(Đào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, viết xong năm 1964, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)