Về việc nhà Tần đánh Bách Việt, sách Tàu xưa chỉ nhắc Dịch Hu Tống mà không hề nhắc Thục Phán. Sách Tàu xưa không có cái lối Trung Quốc thắng mới nêu tên đối phương, còn thua thì giấu. Sách không chép thì e rằng không có nhân vật tên ấy trong đoạn sử ấy.

Người Tàu không nhắc, mà ta cũng không. Ta trước tiên là người Tày, thì trong “Cẩu chủa cheng vùa” không có chuyện “vùa” đã chống Tần. Ta sau đó là người Việt, thì trong số những truyền thuyết về An Dương Vương cũng không có một truyền thuyết nào về việc chống Tần. Xét các thần tích, thì chưa ai phát giác việc này trong thần tích ở bất cứ địa phương nào. Đánh bại quân Tần là chiến công vĩ đại, lẽ nào bị dân tộc quên bẵng đi như vậy! Dân tộc không nhớ An Dương Vương chống Tần, mà lại nhớ vua đã cống Lý Ông Trọng cho Tần để Âu Lạc khỏi bị xâm lược (ghi trong
Lĩnh Nam chích quái và thần tích làng Chèm)!

Rất khó tưởng tượng đã thực sự xảy ra chuyện Thục Phán chống Tần!

(Vậy “người kiệt tuấn” nào đã lãnh đạo nhân dân mình “đại phá quân Tần và giết được Ðồ Thư”? Chỉ biết người ấy thuộc vào liên minh bộ lạc do Dịch Hu Tống cầm đầu. Đó hẳn là một liên minh khác, không phải “nước” Nam Cương.)

(Về “Thục Phán (…) lập ra nước Âu Lạc (…) có lẽ (…) sau khi kháng chiến thành công”, thì
Đại Việt sử lược (thế kỷ 13) và Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ 15) ghi nước Âu Lạc ra đời năm -257, nửa thế kỷ trước ngày “kháng chiến thành công”!?)

(Thu Tứ)



Phan Huy Lê, “Tần có đánh ta”



Thục Phán là thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc người Tây Âu ở phía bắc nước Văn Lang, theo truyền thuyết của đồng bào Tày thì liên minh bộ lạc đó là “nước” Nam Cương (…) gồm vùng nam Quảng Tây, Cao Bằng (...)

Vào cuối đời Hùng Vương, giữa Hùng và Thục xẩy ra một cuộc xung đột kéo dài (...) Cuộc xung đột đang tiếp diễn thì (xảy ra) nạn xâm lược đại qui mô của đế chế Tần (…) Quân Tần xâm phạm trước hết địa bàn cư trú của người Tây Âu. Thục Phán với vai trò thủ lĩnh liên minh bộ lạc Tây Âu, dĩ nhiên phải đứng ra tổ chức và chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Tần. Quân Tần càng tiến sâu về phía nam, càng gặp phải sức chống trả quyết liệt của người Tây Âu và người Lạc Việt. Các thủ lĩnh người Việt, do yêu cầu của cuộc chiến đấu, đã suy tôn Thục Phán lên làm người chỉ huy cao nhất. Có lẽ đó là ý nghĩa của việc “họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng” mà Lưu An đã chép trong Hoài Nam Tử (...) Việc Thục Phán thay thế Hùng Vương, tự xưng An Dương Vương và lập ra nước Âu Lạc thì có lẽ được thực hiện sau khi kháng chiến thành công (...)

Năm 221 tr. CN, nước Tần (...) thâu tóm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc (...) Về mặt đối ngoại, nhà Tần đã mở những cuộc chiến tranh xâm lược đại qui mô (...)

Trong thư tịch cổ của Trung Quốc, tài liệu xưa nhất chép về cuộc chinh phục Bách Việt của quân Tần là một đoạn trong sách Hoài Nam Tử (…) “(Nhà Tần) (...) sai úy Ðồ Thư phát 50 vạn binh, chia làm 5 đạo quân: một đóng ở đèo Ðàm Thành, một đạo đóng giữ ở ải Cửu Nghi, một đạo đóng ở Phiên Ngung, một đạo giữ miền Nam Dã, một đạo đóng ở sông Dư Can. Trong ba năm, (quân Tần) không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh sĩ đào cừ cho thông đường lương, để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Nhưng người Việt đều vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Ðồ Thư. (Quân Tần) thây phơi máu chảy hàng mấy chục vạn người. (Nhà Tần) bèn phát những người bị đày đến đóng giữ”.

Tài liệu quan trọng thứ hai là Sử ký của Tư Mã Thiên (…) “(Nhà Tần) sai úy (...) Ðồ Thư đem quân lâu thuyền xuống nam đánh đất Bách Việt, sai giám Lộc đào cừ chở lương để vào sâu đất Việt. Người Việt bỏ trốn. (Quân Tần) đánh giữ lâu ngày. Lương thực bị tuyệt và thiếu. Người Việt ra đánh. Quân Tần đại bại. (Nhà Tần) bèn sai úy Ðà đem binh đóng giữ đất Việt (...) tiến không được, thoái cũng không xong. Trong hơn 10 năm, đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta tự thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết trông nhau (...)” (...)

Từ những cứ liệu trên, có thể tạm xác định: nhà Tần phát binh bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Bách Việt vào năm 218 tr. CN. (...) Năm 214 tr. CN (...) quân Tần đã tiến vào lưu vực Tây Giang và về cơ bản đã chiếm được vùng này. Trên đà thắng lợi, lại có đường thủy vận lương thuận lợi, dĩ nhiên quân Tần không dừng lại ở đó. Từ Tây Giang, quân Tần có thể theo Tả Giang và sông Kỳ Cùng tiến vào vùng phía bắc và đông bắc nước ta. Người Tây Âu và người Lạc Việt đã đứng dậy chiến đấu chống quân xâm lược Tần. Sử sách không ghi chép về cuộc kháng chiến này, nhưng truyền thuyết Lý Ông Trọng phần nào phản ánh có cuộc đụng độ giữa nhà Tần và An Dương Vương. Lĩnh Nam chích quái chép truyện Lý Ông Trọng như sau: “Cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ có người họ Lý tên Thân, sinh ra to lớn (...) tính hung hãn, hay giết người. Tội đáng chết, nhưng Hùng Vương tiếc không nỡ giết. Ðến thời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh sang đánh nước ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống cho Tần”.(1)

Cuộc chiến tranh xâm lược Bách Việt của nhà Tần kéo dài mười năm (218 đến 208 tr. CN). Nhiều nhóm người Việt đã tham gia cuộc kháng chiến chống Tần (...) Cuộc kháng chiến chống Tần của nhân dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang. Quân Tần đã bị (...) đánh bật ra khỏi nước ta và phải co lại giữ ba quận đã lập được ở phía bắc nước ta. Tham gia cuộc chiến đấu chống quân Tần có nhiều nhóm người Việt, nhưng chỉ có cuộc kháng chiến giữ nước của nhân dân ta giành được thắng lợi trọn vẹn. Thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Tần là chiến công mở đầu cho cuộc đấu tranh lâu dài của dân tộc ta chống lại họa xâm lược của các đế chế (...) phương Bắc.


(Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh,
Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983, tr. 186-197. Nhan đề phần trích tạm đặt.)




_____________
(1) Thần tích “Ðức Thánh Chèm” hay “Từ Liêm huyện Lý Thiên vương sự tích” cũng chép tương tự (...) (chú thích của sách)