“Ðường xa chớ ngại Ngô, Lào...”. Lào mà xa như... Bắc Kinh? Ấy, đường qua Lào thì gần nhưng bị dải Trường Sơn hiểm trở chặn, nên cũng hóa xa. Phạm Quỳnh có dịp “sang Lào ăn mắm nhái”, về kể lắm chuyện lạ.

Những ai tìm hiểu nguồn gốc dân tộc nếu chưa biết hẳn chú ý chuyện người Lào vẽ mình, ăn trầu, mặc xiêm mặc yếm, ở nhà sàn v.v. Lòng riêng, tâm đắc cái câu nhận xét này: “Tiếng Lào hơi na ná với tiếng Xiêm (...) âm vận nhiều chỗ giống với tiếng Nam ta (...) Nghe người Lào nói hay hát xa xa có khi phảng phất như tiếng An Nam vậy.” A, chính mình cũng đã có cảm tưởng ấy khi du lịch Thái Lan. Tiếng Thái tiếng Lào một họ, mà hai thứ tiếng ấy với tiếng Việt cũng phải có họ với nhau thế nào thì ta nghe chúng mới thấy “quen” thế chứ...

Còn cái chuyện
“ma kap meo, keo kap lao”, tưởng chuyện thường tình thôi.

(Thu Tứ)



Phạm Quỳnh, “Du lịch xứ Lào”



Ðường xa chớ ngại Ngô, Lào...

(...)

Tục có câu: “Sang Lào ăn mắm nhái” (...)

Cuộc Nam tiến của ta mà không thành ra Tây tiến, là vì dải Trường Sơn đó vậy.

Nếu không có cái trường thành đó chắn đường, thì Vạn Tượng quyết cũng đến như Chiêm Thành, Chân Lạp (...)

Savannakhet (...) Tỉnh lỵ nhỏ, độ ba nghìn người ở, nhưng đường xá rộng rãi, có vẻ phong quang, chỉ phải cái bụi là tệ. Ở Lào này về mùa hanh, bụi là “chúa tể” (...) Cây cối, nhà cửa, đều phủ một lượt cát bụi, lá cây hai bên vệ đường như vàng úa cả. Ði ngoài phố mà gặp cái xe ô-tô nào chạy qua thì khổ quá. Cũng may mà ở đây các thành phố không nhiều xe chạy bằng ở bên ta, nếu không thì thành hẳn một cái thế giới “phong trần”, không thể làm sao ở được.

(...) người Lào (...) toàn ở nhà sàn (...) làm bằng gỗ, lợp lá, hoặc lợp ngói (...) có cái thang lên, tối cất đi. Gian mới bước lên để trống như cái hiên, tức là phòng khách đó, còn vào trong che kín là chỗ ở. Ðàng sau là bếp nước. Toàn ở trên sàn cả. Dưới thì nuôi các súc vật.

Ở làng xóm cũng như ở trong phố, nhà nọ nhà kia trông thấy nhau được, cũng có khi trồng chuối trồng dừa, nhưng là để cho xanh mát mà thôi, chứ không phải để làm rào chắn.

Ở Savannakhet có một vài phố nhà Lào như thế, coi ra cái cảnh nhà quê, không có gì là vẻ thành thị. Còn những phố phường buôn bán thì toàn người Nam và người Khách cả.

(...)

Có một bọn năm sáu người chừng ở nhà quê xa ra, da đen như đồng đen, ống chân vẽ chằng chịt, - cái tục vẽ mình ở Lào thịnh hành lắm

(...) Nếm một món ăn phổ thông của Lào (...) một thứ canh bún, như bún bung của ta, gọi là khaopun: bún chan một thứ canh có nước nghệ, nước dừa, có thịt có cá, có các thứ rau, ăn cũng lạ miệng. Thứ này người Lào thích ăn lắm, ngoài đường phố thường có người bán. Nhưng làm theo đúng như lối họ thì phải dùng một thứ mắm cũng nặng mùi như mắm tôm của ta, không quen thì khó ăn (...)

Diện tích xứ Ai Lao được 214.000 cây lô mét vuông. Miền bắc thì núi non hiểm trở lắm, ba mặt giáp Tàu (tỉnh Vân Nam), Miến Ðiện và Xiêm La, toàn những rừng rậm núi cao, mạch núi chạy tự cao nguyên Tây Tạng xuống, đến đấy đâm ngang ra bể, rồi chạy tuột xuống phía nam, thành dải Trường Sơn cách triền sông Cửu Long với các đồng bằng duyên hải Trung kỳ. Miền nam thì toàn cao nguyên cả, lớn nhất là cao nguyên Boloven.

(...) sông Cửu Long (...) tự Tây Tạng xuống đến Nam Hải, dài 4000 cây số, mà thuộc về địa phận xứ Lào 1300 cây (...) Cả xứ Ai Lao là ở trong lưu vực sông này, chỉ trừ có tỉnh Hua Pan là thuộc lưu vực sông Mã (...)

Tổng số dân Ai Lao ước được 875000 người thuộc về các giống sau:

* 500000 người Lào và Phu Thai, cùng thuộc một giống, ở các nơi đất thấp;

* 230000 người Khá, ở các miền sơn lâm, chia ra nhiều rợ khác nhau;

* 125000 người thuộc các giống miền nam nước Tàu và thượng du Bắc kỳ như Mèo, Lô Lô, Dao, Lư, Mường v.v.

* 12000 người An Nam, phần nhiều ở các nơi tỉnh thành, và cũng có một ít ở các làng bạn về miền Trung Lào.

* Còn ngoại giả chừng 8000 người thuộc các giống: Xiêm La, Miến Ðiện, Cao Miên, Khách Quảng Ðông, Triều Châu, Khách Lai v.v.

Người Lào và người Phu Thai thì ở các nơi đồng bằng thung lũng (...) ở lối nhà sàn (...) Ðàn ông thì mặc một thứ áo cánh bằng vải tây trắng, quần thì gọi là sampot, là một mảnh vải quấn ngang lưng và quanh chân. Nhiều người đùi và chân có vẽ hình, thường để trần, lấy làm lịch sự lắm. Ðàn bà thì mặc xiêm sặc sỡ gọi là sing, trên vai quàng một cái khăn cũng có màu sắc gọi là pha phe; đầu trần, tóc quấn thành bới tóc, thường có cài hoa.

Giống Khá trước cũng ở thung lũng, nhưng bị người Thái tràn sang phải lùi vào ở các rừng núi. Giống này hay săn bắn và làm “rẫy”, nghĩa là đốt một khu rừng cấy lúa hay trồng rau, trồng chuối v.v. trong mấy năm, rồi hễ đất kiệt thì lại đi nơi khác. Nhà cũng là lối nhà sàn, thường to rộng lắm, cả một gia tộc ở được (...) Áo quần sơ sài, thường nhuộm mầu chàm. Ðàn bà thì mặc xiêm, mặc yếm và đội khăn, có đính thêm những hoa giây cùng miếng thêu ngũ sắc; người lịch sự thì kiểu khăn phiền phức lắm.

(...)

Giống Lào và giống Phu Thai (...) là giống Nam Chiếu ngày xưa, ở miền Tứ Xuyên, Vân Nam xuống (...)

(...)

Người Lào hay người Phu Thai thì tính vui vẻ, nhưng lười biếng, không chịu khó làm ăn. Ðối với khách lạ có bụng hoan nghênh. Có tục hễ nhân dịp vui vẻ gì liền mở hội, họp nhau lại mà hát đúm, tiếng Lào gọi là làm bun.

Bữa ở Vientiane, chúng tôi có đến một làng cách đấy hai cây số xem họ làm bun. Bấy giờ là buổi tối vào tám chín giờ. Nơi ấy là một nơi chùa làng, chung quanh có sân rộng. Ngoài sân làm mấy dẫy quán bằng tre bằng lá, trong quán trải chiếu xuống đất, các phu sao tức là con gái vùng ấy mặc xiêm mặc yếm sặc sỡ coi vui mắt lắm, đến ngồi cả từng dẫy dài, ăn trầu nói chuyện với nhau. Bấy giờ những phu bao là con trai đi lượn chung quanh, thấy người con gái nào vừa ý thì đến ngồi ngay trước mặt, đem cái kèn gọi là khene đến thổi và hát, toàn những giọng phong tình như hát trống quân hay hát quan họ bên ta. Duy có khác là chỉ có con trai hát, còn con gái thì ngồi nghe không phải đáp lại. Ở giữa sân thì các nhà chong đèn lên bán những quà bánh cho khách đi xem. Trong đám hội đó kể có nghìn người, mà không có cái cảnh ồn ào náo nhiệt như ở bên ta. Ðó cũng là do cái tính người Lào hiếu tĩnh, dù khi hội hè cũng không có huyên náo.

(...) cái tâm lý của người Lào, chỉ biết thủ thường yên phận, vui vẻ tự nhiên, không muốn khó nhọc lo lắng gì cả. Cái tính cách đặc biệt (...) đó, tiếng họ gọi là sừ sừ. Sừ sừ nghĩa là cứ tự nhiên, gặp sao nói vậy, sống ngày nào biết ngày ấy, cẩu thả qua thời, không lo xa nghĩ ngợi gì cả. Vì cái tâm lý đó mà người Lào xem ra khó lòng tự lập được ở đời này (...) sớm trưa tất bị đồng hóa hoặc với người An Nam, hoặc với người Xiêm La.

Làng nào cũng có chùa, chung quanh chùa có tháp (...)

(...) người Khá thì cách ăn ở hãy còn mộc mạc thô lỗ lắm. Thờ cúng toàn thờ cúng các ma rừng, họ gọi là phi, cũng có những thầy mo thầy cúng như các dân mạn ngược ta. Có khi trong làng họ có cái hèm gì thì họ đóng cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập, rồi họ làm lễ ăn uống với nhau hàng mấy ngày. Họ có cái tục uống rượu cần cũng như người Tầy hay người Mọi . Hễ có khách lạ đi qua thì họ đem rượu ra thết, để trong cái hũ, bắc cần mà hút.

Tiếng Lào hơi na ná với tiếng Xiêm (...) âm vận nhiều chỗ giống với tiếng Nam ta (...) Nghe người Lào nói hay hát xa xa có khi phảng phất như tiếng An Nam vậy.

(...) người An Nam sang làm ăn bên Lào, lớn thì buôn bán, nhỏ thì phu phen, bao giờ cũng được phần hơn người Lào. Người Lào thì cẩu thả tự nhiên, mà người Nam thì siêng năng hoạt bát, đi đến đâu cũng có ý lấn láp (...)

Bởi cái tình trạng đó nên hai giống đối với nhau không đến nỗi xung đột gì, nhưng vẫn hơi có ác cảm một chút. Tục ngữ Lào đã có câu: Ma kap meo, keo kap lao, nghĩa là: chó với mèo, An Nam với Lào; có ý nói không ưa nhau.


(Phạm Quỳnh, “Du lịch xứ Lào” (1931), trong
Du ký Việt Nam (bài đăng trên tạp chí Nam Phong 1917-1934, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm), nxb. Trẻ, VN, 2007, tập I, tr. 413-458)