Tai nạn xảy ra là do ông Trắc bị bất ngờ. Nếu ông không ngẫu nhiên đến văn phòng huyện hôm ấy, nếu mấy hôm sau ông mới biết có cuộc nói chuyện văn nghệ kia, thì chắc chắn đã nhịn được. Ðằng này, ông đưa mặt đến để cái sự thất thế của chính mình nó dí ngay vào!

Nguyễn Khải từng tâm sự “mọi nhân vật đều là những hóa thân của tôi”. “Tôi” thường hóa thành nhân vật giàu lòng trắc ẩn, có khi “tôi” lại hóa thành nhân vật gợi lòng trắc ẩn...

(Thu Tứ)



Nguyễn Khải, “Lạc thời”



Giữa tháng chạp ta, trời tối sẫm cả ngày, mưa nhỏ cả ngày và gió lạnh thổi rát mặt.

Tháng bồn chồn nhất của một năm và buồn nữa. Vì nó buộc kẻ tha hương phải nghĩ tới ngày đoàn tụ, người nghèo phải nghĩ tới món nợ phải trả và những món tiền phải chi tiêu, và những hi vọng phấp phỏng mơ hồ rằng năm tới mọi sự có thể sẽ tốt đẹp hơn cái năm sắp kết thúc.

Cái ông già đầu hói, tóc hoa râm thưa và bỏ xõa gần chấm vai, nghiêng đầu nhìn chén rượu vẫn cầm nơi tay là gương mặt được tạc bằng cái buồn, bằng những thất vọng, bằng nhiều chán chường và sự cam chịu. Gương mặt của tháng chạp. Một đời người sắp kết thúc. Một mùa sắp kết thúc. Quán ăn ông đang ngồi là nơi gặp gỡ quen thuộc của cán bộ huyện vì bà chủ trước làm ở văn phòng huyện ủy. Quán tư nhân nhưng lại có cái không khí căng-tin của cơ quan, ấm áp, thân mật, có thể nói năng thoải mái về mọi chuyện. Nhiều người đã gọi quán ăn của bà là phòng chờ của ủy ban huyện. Tiếng mưa gõ trên tấm mái tôn nghe nặng và mau, mặt đường tối sẫm bóng loáng. Những khóm tre của các làng bao quanh phố như lùi xa vì đã có sương che. Một đốm lửa phía xa đỏ thẫm lại, lửa của một gia đình hạnh phúc nào thế ? Bà chủ quán mặc áo bông nữ có hoa, loại vải hoa của ngày xưa, cái áo bông may của thời xưa, cái thời gian nan nhưng bè bạn, ấm cúng, trong túi không có một xu vẫn thấy yên tâm vì không ai nỡ để mình và gia đình bị đói dẫu rằng ở một tỉnh luôn luôn đói. Thêm nữa cái thời xưa, mới cách đây hơn mười năm chứ mấy, có ai nỡ đối xử với ông như trong cái ngày vừa rồi, một ngày thật buồn, như lần đầu ông nhận ra cái mặt thừa của mình, những lời nói thừa, cả chỗ ngồi chỗ đứng cũng hoàn toàn thừa. Không ai cần đến ông cả, không ai muốn sự có mặt của ông ở bàn tiệc đãi đằng bạn bè của họ. Không còn tình bạn, không có cả sự quen biết, ông là ai nhỉ? Có ai mời ông tới đấy nhỉ? Không mời mà ông cũng đến ư? Thật ra thoạt đầu không có gì là khác thường cả, là chuyện tự nhiên mà, như cách cư xử vốn có của ông từ ngày về làm báo của tỉnh. Thấm thoát cũng đã gần bốn chục năm rồi. Từ ngày đám bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện và giám đốc các sở mới lên năm lên mười. Chuyện như sau, không thể nói là chuyện vì chả có chuyện gì đã bắt đầu, đã xảy ra, đã kết thúc. Mọi việc diễn ra tự nhiên, nhiều người không chú ý, mà hóa ra lại có chuyện, chuyện tầy đình. Chuyện ra sao nhỉ ? Đã bảo không có chuyện mà. Ông chỉ nghe nói...

Bà chủ quán đứng sau quầy hàng tì cằm lên bàn tay nhìn lơ đãng ngoài mưa và gần như sắp tối hẳn. Một buổi chiều hầu như không có khách vào ăn. Bà quay lại hỏi ông già ngồi uống rượu một mình ở một góc quán :

- Bác Trắc có xơi cơm không, có cá rán với riêu cá đấy?

Ông Trắc uống nốt hớp rượu, gắp một miếng mực xào với rau cần, nói ậm ừ :

- Xin cảm ơn. Uống một chút rồi về nhà ăn cơm với cháu.

Bà chủ quán lại hỏi :

- Tối nay là tối thứ bảy, nếu có bạn nó tới chơi ngồi khuya thì hai bố con lại đói.

Ông già rót thêm rượu ra chén, đầu vẫn nghiêng về một phía chăm chú nhìn chén rượu một lúc rồi thở dài :

- Gái lỡ thì nếu có đứa nào đến thì nó cũng chỉ ngồi một chốc một lát có ngồi lâu bao giờ.

Chuyện như thế nào nhỉ? Đã bảo là không có chuyện. Ông đến trụ sở ủy ban huyện định gặp chủ tịch huyện hỏi một việc, nói cho đúng chỉ hỏi có một con số là đúng hay sai còn đưa lên báo. Không gặp một ai cả. Sáng nay có họp hành gì mà mọi người đi đâu hết thế? Không có họp. Chỉ có một cuộc nói chuyện văn nghệ của mấy nhà văn có tên tuổi ở Hà Nội mới về huyện công tác. À, đều là người quen cả, ông vẫn thường đọc văn và thơ của họ từ nhiều năm nay. Có một người ông quen biết gần như bạn, từ ngày anh ta còn làm báo ở quân khu. Ông vừa bước tới hành lang của phòng họp thì cuộc nói chuyện kết thúc. Mọi người vỗ tay rào rào và đứng lên. Bốn ông nhà văn, một người già và ba người còn trẻ vẻ mặt bình thản vì đã quá quen với sự hoan nghênh của công chúng, lịch thiệp chào hỏi nhiều người. Ông Trắc bước sấn tới, giơ cao một cánh tay, hét to: “Linh, Trắc đây!”. Nhà văn có tên Linh nhìn xung quanh ngơ ngác, cặp mắt của anh hình như có lướt qua mặt ông nhưng không nhận ra thì phải vì anh ta lại quay đi nhìn sang một hướng khác. “Trắc đây mà!”, hai người đã nắm tay nhau, nhưng nhìn nụ cười ngượng nghịu và ánh mắt lưỡng lự của Linh ông biết là anh ta đã quên mình rồi. Tuy anh ta nói rất nhũn nhặn: “Lâu lắm không được gặp anh, anh vẫn khỏe?” Nói thế chứ anh chàng này quên mình thật rồi. Vì sau lời thăm hỏi xã giao ngay lập tức anh ta quay sang nói chuyện với một giáo viên dạy văn trường cấp 3 thân thiết và quyến luyến. Rồi cả mọi người vào dùng cơm trưa, là một bữa tiệc trưa do ủy ban huyện mời. Tất nhiên không phải cả mọi người đều được mời ăn. Những người được mời đã có báo trước hoặc bằng miệng hoặc bằng giấy. Ông Trắc không biết vì ông không được mời. Lẽ ra ông chỉ nên đến chào bốn nhà văn, hẹn với chủ tịch huyện xin được gặp lại vào một bữa khác rồi ra về thì rất đẹp, rất đúng phép tắc, không làm phiền ai và nhất là không tự làm nhục mình. Nhưng ông đã hành động ngược lại. Như một thằng khùng. Vì sao thế? Vì lòng tự ái bị tổn thương chăng? Có thể như vậy. Khi ông xuất hiện giữa phòng tiệc với bộ tóc muối tiêu xõa xượi, cái áo vải dầy màu nâu may theo kiểu nhà báo, cái quần ka-ki xám và đôi dép nhựa cà tàng thì cả mọi người nhìn ông vừa ngạc nhiên vừa bực dọc. Rất may người bạn cũ có thể quên ông nhưng anh ta lại có cái lịch thiệp của người thành phố, của một nhà văn, nên liền đứng dậy kéo ông lại phía bàn của họ, giới thiệu với nhà văn lớn tuổi: “Bác Trắc, bậc đàn anh làm báo của tôi hồi ở quân khu. Còn đây là...”. Vâng, vâng, xin chào các anh, tôi là một bạn đọc rất hâm mộ văn thơ của các anh. Người nhà cả, người trong làng văn làng báo với nhau cả. Cả ba người đều đứng dậy bắt tay ông, vẻ mặt như là vui vì được gặp một nhà báo của địa phương, một đồng nghiệp, nhưng cũng có ý ngượng vì không thấy một quan chức nào của huyện ngỏ lời mời ông ngồi lại. Bàn đã đủ người, không ai đứng lên nhường chỗ cho ông, cũng không ai có ý kéo thêm một cái ghế nữa mời ông ngồi. Vì bàn ăn đã dọn cho tám người với bát đũa dành cho tám người. Ông là người thứ chín, người thừa ra, người không ai mời tự nhiên đâm bổ vào khiến tất cả đâm lúng túng. Ông là người có lỗi, đúng thế! Chánh văn phòng ủy ban từ bàn phía trong bước lại, nắm lấy tay ông, nói: “Mời bác sang đây ngồi với bọn tôi. Người nhà cả.” Rồi anh ta nói với cái bàn quan trọng nhất: “Xin mời các anh cứ tự nhiên.” Nếu lúc ấy ông kịp nhận biết tình thế, chào mấy ông nhà văn có tên tuổi kia, hẹn vớ vẩn một câu chung chung, về tỉnh mong được gặp lại rồi bước sang cái bàn thứ yếu, cái bàn không quan trọng của mấy ông chánh văn phòng và trưởng phó phòng của huyện thì mọi sự hóa ra tốt đẹp, ông lại thành người bặt thiệp, mến khách và nhũn nhặn, trong phút chốc giải tỏa được mọi lo lắng, bực dọc, trong phút chốc khiến cả mọi người đều hài lòng. Nếu có kẻ nào độc miệng, nhiều lắm chỉ nói là ông đã già còn tham ăn, hoặc còn háo danh thích được làm quen với những người nổi tiếng. Cũng chỉ là thói xấu thường tình không làm ai phải bận tâm cả. Đằng này... ông lại gạt tay chánh văn phòng ra, hai tay chống nẹ, cứ đứng mà nói chuyện với mấy ông nhà văn nửa ngồi nửa đứng. Ông bí thư huyện, ông chủ tịch huyện, bà phó chủ tịch huyện cũng không thể yên tâm ngồi khi khách quí nửa đứng nửa ngồi. Bia đã rót ra rồi. Thức ăn đã bày sẵn rồi. Mà vẫn phải chờ. Chờ một lão già dở hơi, có máu phá đám, không dưng phá vỡ cái không khí sang trọng, lịch thiệp của một huyện vốn bị mang tiếng là quê mùa nhất nhì của tỉnh. Bí thư huyện ủy không nhìn ai cả, cứ nhìn nghiêng một góc bàn, mặt tím lại vì tức giận. Giận thì rất giận nhưng ông ta vẫn phải nói một câu cần nói của người lãnh đạo vào lúc này: “Cho thêm một cái ghế sang bàn này để anh Trắc cùng ngồi cho vui.” Ghế được lấy thêm, bát đũa được lấy thêm, cốc uống bia được lấy thêm nhưng mỗi người đều phải ngồi chật hơn một chút, tay đưa đũa và nâng cốc hơi bị vướng một chút. Và cái chỗ ngồi của ông Trắc hình như còn lấn sang hai bên vì ông khuỳnh cả hai tay, rồi quay người sang trái, quay người sang phải, vừa ăn vừa nói, vừa uống vừa nói, gí miệng vào tận mặt người tiếp chuyện mà nói. Chả là ông đang muốn bộc bạch nỗi niềm, rằng ông là người của tỉnh này, của huyện này, là bè bạn là anh em với cán bộ và nhân dân ở đây từ những năm cái huyện khốn khổ này chưa biết bát cơm gạo trắng là gì, chứ không như các anh, các anh chỉ đến với họ khi họ đã giàu có, đã uống bia hộp và đi xe hơi có máy lạnh. Hình như ông đã nói như thế, hoặc ông đã muốn nói như thế khi đã uống nhiều lon bia, đã hơi say say, đầu óc đã lù mù nửa quên nửa nhớ. Rằng các anh, những nhà văn nhà thơ tiếng tăm đang nổi lên như cồn không có quyền được hưởng cái vinh dự mà các anh chưa xứng đáng. Thời tỉnh tôi đánh Pháp các anh ở đâu? Thời tỉnh tôi đánh Mỹ các anh ở đâu? Có bao nhiêu sự bất công, bao nhiêu điều ngang trái mà người dân ở đây phải chịu đựng, các anh có bài viết nào bênh vực họ không? Có lên tiếng kêu cứu giùm họ câu nào không? Chắc là không, tôi tin là không. Còn tôi, vâng, chính tôi, một thằng nhà báo già thiếu tài năng nhưng không thiếu tâm huyết đã làm tất cả để quê hương được thay đổi. Tôi rất xứng đáng để các nhà lãnh đạo ở đây ngỏ lời cám ơn tôi chứ, cám ơn tôi trước mặt quý vị. Thế mới là công bằng. Nhưng mà họ đã quên tôi rồi. Tôi ngồi sờ sờ ở đây họ vẫn muốn quên, một lời mời cho tử tế cũng chẳng có. Vì quen biết tôi, bầu bạn với tôi các vị ấy chả được một chút lợi lộc gì. Tôi không có tiền, lại không có danh, có khi còn gây phiền hà. Nhưng tôi có tấm lòng trung thực các vị ạ. Ha, ha, chỉ tiếc cái tấm lòng ấy không thể bầy trên bàn tiệc mà nhắm rượu. Bây giờ người ta chỉ nhắm rượu với cái lợi cái danh thôi, với người sang hoặc người có tiền thôi. Tôi nói thế có đúng không các vị? Buồn nhỉ? Tôi buồn quá các người ơi!

Trời tối hẳn. Mưa thưa dần rồi tạnh. Nhưng gió thổi mạnh hơn, buốt hơn hồi chiều. Ngày mai có thể trời không mưa nhưng chắc sẽ lạnh lắm, cái lạnh khô, da mặt, da tay và chân sẽ sần lên, nẻ ra.

Có hai người đi xe đạp rẽ vào quán ăn vội hai bát mì bò, uống hai lon bia rồi lại đạp xe đi luôn. Ông Trắc đã gọi cút rượu thứ hai nhưng không uống, cứ ngồi thần ra nghĩ ngợi, đĩa mực xào đã nguội lạnh phủ lên một lượt váng mỡ mỏng. Bà chủ quán muốn xào lại cho nóng nhưng ông xua tay, ông bảo không muốn ăn nữa, ông sẽ về nhà ngay kẻo con gái nó lại chờ cơm. Nói thế nhưng ông vẫn ngồi rồi hút thuốc lá, được nửa điếu lại dụi đi ngồi không... Bữa ấy ông có nói hết những điều ông đã nghĩ không nhỉ? Nếu ông đã nói ra những điều một đời ông không dám nói thì tệ hại quá, đáng xấu hổ quá, đã già rồi lại đi kể công với bọn trẻ sao? Xưa nay ông chỉ nhẫn nhục cam chịu, đã chịu được gần hết một đời người nhiều sự bất công thì rất có thể chịu nốt vài năm cuối cho nó trọn vẹn một con người tử tế, một người chịu làm việc trong thầm lặng, không đòi hỏi bao giờ, không phàn nàn bao giờ. Không có tác phẩm để lưu lại cho hậu thế, chí ít cũng để lại cái tiếng tốt. Sao thế nhỉ? Tại sao ông lại có cách cư xử ngược ngạo trái hẳn với bản tính đến thế nhỉ? Hình như ông đã nói hết, ông nói một phần, bia nói một phần, hãy tha thứ cho tôi đã không làm chủ được mấy vại bia. Nhưng trước khi uống bia ông đã hùng hổ rồi, đã muốn cà khịa rồi. Cả mọi người có mặt đều biết. Ông cũng biết. Lẽ ra ông không nên có mặt buổi sáng hôm đó ở ủy ban huyện. Nếu đã trót có mặt, trót thăm hỏi thì sau đó nên đi luôn mới phải. Có ai mời mình ở lại đâu mà không đi. Vậy mà ông cố tình ở lại, cố tình ngồi vào một bàn tiệc không có suất ăn của ông.

Bà chủ quán lại nhắc. Quán ế hàng, chỉ có một ông khách thành thử ra vào bà lại hỏi một câu và lần nào ông cũng ậm ừ nhưng giọng còn tỉnh lắm:

- Xin cảm ơn. Tôi về bây giờ đây kẻo cháu nó chờ cơm lâu lại đói.

Tối thứ bảy, một cô giáo dạy văn cấp 3 đã 28, 29 tuổi vẫn ở nhà chờ bố về ăn cơm, thật tội nghiệp. Nó sẽ là người vợ lý tưởng của người lính ra trận. Nhưng nó không phải là người đàn bà mong đợi của thằng đàn ông thời buổi kinh tế thị trường. Con bé tủi phận vì nó cũng lạc thời, chứ sao nữa! Nó chỉ là một cô gái tốt, sẽ là một người vợ tốt. Con gái về nhà chồng mà của hồi môn chỉ có tấm lòng tốt thì ít quá. Một người có tấm lòng tốt, cứ cho là tấm lòng vàng đi, nhiều lắm cũng chỉ làm được một vai phụ trung thành. Một người vợ bị lệ thuộc, một người bạn bị lệ thuộc, có thể được tin cậy nhưng chả ai coi ra gì. Như ông hiện nay đến làm vai phụ cũng không xong, cũng bị đuổi vì cái tấm lòng trung thực của ông đã làm mất vui rất nhiều người.

Bà chủ quán lại nhắc ông khách phía sau cây đèn hoa kỳ vặn to ngọn :

- Bác đừng uống nữa, uống say dễ bắt gió lắm. Tuổi già bị cảm lạnh chết như chơi!

- Tôi về đây, về luôn đây. Thời tiết này thì ăn nhằm gì với tôi. Bom đạn cũng không ăn nhằm gì với tôi. Năm tôi 16 tuổi, còn là thằng trẻ con mà vẫn bơi qua sông Hồng sông Luộc hàng ngày. Tỉnh ta bị Pháp chiếm mà, tôi lại làm liên lạc cho tỉnh đội mà. Thời đánh Mỹ nơi nào bom đạn giội nhiều nhất đều có mặt tôi cả, tôi có làm sao đâu? Chết khó lắm. Nhưng... chỉ một chuyện như bữa hôm qua cũng làm tôi chết một nửa người. Chỉ có sự lạnh nhạt, trống vắng của xung quanh là có thể giết chết được tôi thôi. Nó làm tôi ngột ngạt, không biết bấu víu vào đâu để ngoi lên mà thở. Bà tính tiền đi, tôi không muốn nợ nữa, tôi mới lĩnh lương đây. Tôi khó chết lắm mà tôi chết cũng dễ lắm. Trời tạnh mưa rồi hả? Nhưng gió mạnh nhỉ, tháng cuối năm có khác, lạnh gớm, lạnh hơn cả mọi năm thì phải.


Tháng 11 năm 1994