“Rồng lên, rồng lên!”




Gạch trang trí đời Lý


Hỏi: Hôm nay ta bàn về kinh tế đất nước trong thế kỷ 21 chăng? Hay là về hình vẽ trên lon bia Sài Gòn?...

Đáp: Không, không. Đây tôi xin trình bày chút cảm nghĩ miên man về con rồng Lý.

Hỏi: À, nhưng đó là chuyện đã nhiều người bàn.

Đáp: Vâng. Tôi xin bắt đầu bằng cách lược trích ý kiến của một số nhà nghiên cứu.

“Con rồng (…) đầu tiên trong nghệ thuật Việt Nam ấy khác hẳn những con rồng của văn hóa Trung Quốc ở thời gian trước và ngang với nó” (CQT). Khác thế nào? “Rồng Trung Quốc (…) thân ngắn (…) rồng Lý - Trần là một con rắn dài, uốn nhiều khúc” (TC&ĐĐS), “Từ Chiến Quốc cho tới Nam Tống (...) thân rồng phương bắc cơ bản là thân của một con vật bò sát (…) thuộc loại kỳ đà (…) thân rồng Lý rõ ràng là thân rắn (…) Đầu rồng Tống có sừng có tai; đầu rồng Lý không có, nhưng lại được bổ sung bằng cái vòi dài” (NTC).

Chu Quang Trứ mô tả cái đầu rồng Lý: “có bờm tóc dài (…) má có những lớp mang, cằm có râu, đặc biệt môi trên kéo rất dài và quyện với chiếc răng nanh thành đường sống được viền lại thành chiếc mào rung rinh bốc lên như ngọn lửa, phía dưới mào có cái mũi hình ống phập phồng với những nếp xếp chun lại, phía đỉnh đầu có hàng lông mày như số 3 doãng ngửa và độc đáo là cái văn dạng xoắn ốc đôi cả hai đầu như chữ S là dấu hiệu về mây mưa sấm chớp. Miệng rồng há lộ rõ hai hàm răng và chiếc lưỡi dài”.

Hỏi: Rồng ta khác hẳn rồng Tàu và độc đáo quá!

Đáp: Về mặt tạo hình, đó là một công trình tổng hợp với đôi nét ngoại lai được cải biến rồi đúc vào cơ sở bản địa. Nét ngoại lai thứ nhất là bốn cái chân có gốc nơi con rồng Tàu. Nét ngoại lai thứ hai là cái vòi có lẽ đã được vay mượn từ con makara Ấn-độ. Còn cơ sở bản địa là cái thân “rắn”. Nghi vấn đầu tiên mà tôi xin nêu là về phần thân này. Có một điều rất kỳ lạ ở đây mà dường như chưa ai để ý.

Chu Quang Trứ: “Những hàng hoa văn ngay phía dưới rồng thường là băng hoa lá hộc dải sóng nước”. Trần Quốc Vượng: “Rồng Thăng Long Ðại Việt (…) Rồng - Rắn (…) là loài ở nước” (TQV).

Rồng ta sống dưới nước. Nhưng ở Bắc bộ lại không từng có một loài rắn nước nào khả dĩ gây được ấn tượng đáng kể mà làm tiền thân cho rồng!

Hỏi: Quả thật là lạ. Ông đề xuất giải thích thế nào?

Đáp: Tôi chợt nghĩ đến con thuồng luồng trong cổ tích. Tục truyền đó là loài thủy quái hình giống một con rắn to, sống dưới nước, hay hại người. Nó chăng? Ta có biết gì hơn về nó?

Trong Cổ sử Việt Nam, Đào Duy Anh viết: “Người mình gọi là thuồng luồng (…) sách chữ Hán của ta gọi là giao long”. Nhưng đây là con vật gì? Bên Tàu, trên sông Dương Tử, xưa kia cũng có nó. ĐDA đọc mô tả trong cổ thư Tàu rồi kết luận “giao long là cá sấu”. Sao cá sấu mà lại hình rắn? Vì ở ta “về sau (…) thành hiếm (…) người thường không biết hình dạng nó thế nào nên tưởng tượng nó (…) hình dạng như rắn”.

Do đâu không biết hình dạng thuồng luồng bèn tưởng là hình rắn? Nên nhớ châu thổ Bắc bộ xưa kia rất lắm đầm lầy, thuồng luồng từng hiện diện rất đông đảo, nhưng rồi đất dần dần khô ráo, thuồng luồng ngày càng ít đi, rắn thì mỗi lúc mỗi đông, rút cuộc chỉ còn rắn thôi. Hình dạng rắn trở thành hình dạng quen thuộc của đe dọa sinh tử đối với cư dân, mà hình dạng thuồng luồng thì mỗi đời mỗi mơ hồ thêm, nên rút cuộc bị thay thế. Ta biết thuồng luồng đã bắt đầu ít đi ngay trong thời Đông Sơn, vì cái diễn biến “rắn hóa” có để dấu trên hiện vật khảo cổ. Trên đồ đồng trước đã có hình thuồng luồng, lúc nào đó về cuối thời bỗng thấy xuất hiện hình một quái vật đầu thuồng luồng mà thân rắn!

Tóm lại, có hai con thuồng luồng. Con thuồng luồng có thật thì chẳng qua là con cá sấu. Còn con thuồng luồng truyền thuyết là con thuồng luồng có thật bị tiềm thức dân gian gán cho hình rắn.

Hỏi: Có phải ông định nói con rồng Lý có gốc nơi con thuồng luồng truyền thuyết?

Đáp: Tôi xin nói thêm về rắn trước khi đưa ra ý kiến. Không phải chỉ thuồng thuồng đi vào truyền thuyết, mà cả rắn rút cuộc cũng đi vào truyền thuyết. “Ông Dài, Ông Cụt” đó. Điều lạ lùng ở đây là hai “ông” sinh ra là rắn đất, mà sau lại xuống nước ở, đại chiến với thuồng luồng! Tức rắn cũng có rắn thật và rắn truyền thuyết. Rắn thật là như hổ mang, mai gầm… Còn rắn truyền thuyết là hổ mang, mai gầm được “thủy quái hóa”.

Tại sao để hóa thành huyền thoại, rắn phải đổi chỗ ở? Thiết tưởng vì đó là chỗ ở của cái huyền thoại trước rắn. Thuồng luồng đặt ra chuẩn rằng muốn lên “quái” thì phải xuống nước. Tôi nghĩ lý do khiến con khú của người Mường là rắn nước cũng là như thế.

Trở lại con rồng Lý. Để ý sau khi rắn vào truyền thuyết, thì rắn và thuồng luồng trở nên đồng nhất về cả ngoại hình cơ bản lẫn đặc tính sinh hoạt chính: “rắn to, ở nước”. Không thể phân biệt rõ ràng hai loài được nữa! Tôi xin đề xuất rằng rồng Lý có gốc ở con thuồng luồng / rắn truyền thuyết ấy, chứ không phải ở bất cứ một loài rắn có thật nào.

Hỏi: Chắc ông đã phát biểu xong về nghi vấn thứ nhất…

Đáp: Vâng. Nghi vấn thứ hai là thế này:

Căn cứ vào sự kiện “cho đến nay, chưa ai phát hiện được một đồ án rồng của những thời trước Lý”, vào “tính quy phạm” (“con rồng Lý nào cũng hầu như con rồng Lý nào”) và “tính cung đình” (chỉ thấy nơi vua ở), Nguyễn Từ Chi đặt vấn đề phải chăng con rồng Lý là tác phẩm của một số nghệ nhân nỗ lực xây dựng một “biểu tượng của vương quyền” cho triều đình mới lập. Họ đã “tiếp nhận hình ảnh con rắn vốn có từ trước trong vũ trụ luận dân gian của người Việt, rồi thêm vào (...) một số chi tiết vay mượn từ các nền mỹ thuật láng giềng”.

Ta thử nghĩ về giả thiết ấy. Tục truyền khi dời đô, Lý Thái Tổ đã nằm mơ thấy rồng bay lên. Đó hẳn không phải là rồng Tống mà chính là con rồng ta sẽ thấy ở kinh đô Thăng Long suốt thời Lý. Vua mới lên ngôi, mà đồ án thì thật là tỉ mỉ: nếu bắt đầu sáng tạo sau khi vua ra lệnh, liệu nghệ nhân đã có thể hoàn chỉnh nó nhanh đến thế chăng?

Hỏi: Vậy ông cho là thế nào?

Đáp: Tôi bỗng nhớ lời Chu Quang Trứ: “Nếu không có nền văn hóa dân gian làm cơ sở, thì (…) nghệ thuật thời Lý không thể vừa mới ra đời đã huy hoàng ngay được”. Hãy thử nghĩ về sự phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt trong “Đêm dài Bắc thuộc”. Lẽ nào vì dân tộc mất quyền tự chủ mà nghệ nhân ta thôi sáng tạo! Chẳng những không thôi, họ đã tiếp tục sáng tạo hăng hái, tự đổi mới, đạt kết quả rất tốt. Bằng chứng là sự kiện mỹ thuật Đại Việt đặc biệt ưu tú và phân biệt rõ ràng với mỹ thuật Trung Quốc (xin sẽ trình bày trong một bài viết khác). Nó được như vậy chắc chắn là nhờ đã bắt đầu từ khá gần đỉnh cao chứ không phải từ một chỗ thấp lè tè. Nghệ thuật không phát triển bằng trí tưởng tượng. Không thể có cái chuyện một dân tộc không thực hành bao nhiêu trong hơn một nghìn năm, rồi bỗng làm trở lại thật giỏi. Nghệ nhân Lý là những đứa con của một truyền thống tạo hình bản địa lâu đời chứ không phải là trẻ thơ bỗng lớn vụt lên như thánh Dóng. Thái Bá Vân bảo mô hình thẩm mỹ Đông Sơn là hình học, còn mô hình thẩm mỹ Đại Việt là tượng trưng. Cuộc chuyển đổi mô hình ấy hẳn đã cơ bản hoàn tất khi Lý Công Uẩn lên ngôi, chứ có lẽ nào đã vùn vụt xảy ra theo lệnh vua!

Hỏi: Trong cuộc đổi mới, hẳn ta đã có tiếp thu vài yếu tố của mỹ thuật Trung Quốc…

Đáp: Dĩ nhiên. Ta tiếp thu cả hình tượng lẫn quan niệm thẩm mỹ. Chẳng những của Tàu, mà cả của Ấn-độ trực tiếp qua tăng lữ, thương nhân, gián tiếp qua Chiêm Thành, thêm những gì đó là của riêng người Chăm… Nghệ thuật Việt cởi mở thu từ tất cả rồi hóa tất cả những cái chọn thu thành ra của mình, làm cho mình giàu có hơn.

Hỏi: Tại sao con rồng ta có cái đầu lạ lùng như thế? Và tại sao gốc của nó không chân mà nó lại có chân?

Đáp: Như vừa nói, nghệ thuật tạo hình Việt đã chuyển từ phác họa hiện thực một cách hình học qua vẽ tượng trưng. Con rồng ta chất chứa ý nghĩa và đầu là chỗ biểu lộ tiện nhất, do đó cầu kỳ… Còn thêm chân, chắc vì thấy con rồng Tàu có chân trông cao ráo, oai phong…

Hỏi: Nếu ông cho rằng con rồng ta đã ra đời trong thời Bắc thuộc, thì để làm gì? Lúc ấy người Việt đã có vương đâu mà sáng tạo biểu tượng của vương quyền!

Đáp: Về ý nghĩa của đồ án ấy, thiết tưởng không nhất thiết phải gắn nó vào với vương quyền từ đầu. Nó cỏ thể vốn là một biểu tượng của vũ trụ luận dân gian, về sau mới được trưng dụng độc quyền cho vua.

Hỏi: Nhưng thế thì nó đâu? Tại sao ta chưa phát hiện được hình tượng rồng trên hiện vật thời Bắc thuộc?

Đáp: Cho đến nay, bất chấp nỗ lực của ngành khảo cổ, số hiện vật bản địa thời Bắc thuộc có giá trị cao đã được phát hiện là rất ít. Và chắc ta sẽ không bao giờ tìm được thêm đáng kể. Đơn giản vì dưới đất không còn bao nhiêu đang chờ phát hiện. Hãy nghĩ về hoàn cảnh thời ấy. Vương, tướng, hầu đâu nữa mà đúc trống đồng, thạp đồng hay vật dụng bằng đồng có trang trí công phu? Đồ gốm, đồ đá cũng vậy, chế tác cầu kỳ cho ai? Dân tộc bị trị khiến nghệ thuật tạo hình Việt cổ mất đi một động cơ quan trọng. Nhưng “mất nước, còn làng”, thôi sáng tạo cho giai cấp lãnh đạo thì nghệ nhân về làng tập trung sáng tạo cho làng. Cụ thể là trang trí cho những kiến trúc cộng đồng nào đó mà nhất định đã phải có. Những kiến trúc ấy điển hình xây dựng bằng tre gỗ dễ hủy hoại… Nghĩa là, đồ bằng vật liệu bền thì hiếm đồ chứa nhiều nội dung văn hóa, mà đồ có thể có nội dung văn hóa đáng kể thì đã mục nát hay cháy tiêu mất từ đời nào!

Tuy nhiên, nói vậy không phải là tôi cho rằng con rồng ta nhất thiết ra đời trước Lý. Tôi chỉ nghĩ có lẽ vào thời điểm Lý Thái Tổ thấy cần một biểu tượng cho vương quyền thì đa số những nét cơ bản của con rồng ta đã được tập trung vào một đồ án cụ thể trong dân gian rồi, chứ không phải hãy còn tản mạn. Đồ án ấy có thể đã xuất hiện như một phác thảo vào cuối thời Bắc thuộc hay trong 70 năm Ngô - Đinh - Tiền Lê, chờ ngày các nghệ nhân theo lệnh vua Lý đi cái bước cuối cùng trong quá trình sáng tạo, hoàn chỉnh nó và đưa nó vào cung. Cái hình khắc mộc mạc trên tre gỗ rời quê tới thành Đại La để biến thành con rồng tạc chạm cầu kỳ trên gốm trên đá ở kinh đô Thăng Long… Biết đâu chẳng đã là như thế.

Tôi xin nhấn mạnh điều quan trọng ở đây không phải là con rồng ta có đã ra đời trước Lý hay không, mà là cái trình độ cao của mỹ thuật Việt cổ vào đầu triều Lý. Trong tăm tối âm thầm, nghệ nhân xưa đã thành đạt, tưởng đó là điều đáng vô cùng cảm khái và trân trọng.

Hỏi: Nguyễn Từ Chi nhận xét con rồng ta trông “không (…) hung hãn, dọa nạt, như con rồng Tống”, và giải thích rồng đã được “tiếp nhận một liều lượng nhân bản tính” từ rắn, mà rắn mang tính đó là bởi “là biểu tượng của (…) sức mạnh phồn thực, sức sinh sôi nẩy nở của thiên nhiên”. Ông nghĩ sao?

Đáp: Tôi hoàn toàn chia sẻ nhận xét. Còn về tính nhân bản của rồng ta thì nhớ Trần Quốc Vượng từng phát biểu dễ hiểu hơn: “Rồng Thăng Long Đại Việt (…) cũng tượng trưng cho nước, cho mây mưa, cái nhân tố bận tâm hàng đầu của người trồng lúa nước”. Như thể, ban đầu cái hình dạng uốn lượn là của một con thủy quái chỉ làm hại người, nhưng rồi sau một thời gian dài trồng lúa nước, trong tâm thức người trồng vẫn cái hình ấy lại có lúc gợi lên không phải là con “quái” nào cả mà là chính “thủy”, chính nước, nước đang cuồn cuộn trên sông hay trên trời! Nước dĩ nhiên có thể hại người, nhưng nước cũng giúp người có cái ăn để sống. Nước vừa rất dữ, lại vừa rất hiền, nên hình dạng tượng trưng cho nước không thể đơn thuần một mặt được…

Về chuyện này, tôi lại sực nghĩ: lấy một con vật có sức mạnh đặc biệt làm biểu tượng quốc gia là không hiếm: rồng Tàu, gấu Nga, sư tử Anh, ưng Mỹ v.v., nhưng trong thứ biểu tượng ấy mà có cả một ý nghĩa nhân bản như vừa nói, thì không biết có nơi nào như ở ta chăng?

Hỏi: Cuối cùng, trở lại chuyện con rồng ta như một biểu tượng của vương quyền. Lý Thái Tổ không dùng con rồng Tàu mà chọn một đồ án riêng, hình như điều ấy có nói lên…

Đáp: Tôi thấy nói lên thật là nhiều. Nước đã xưng là Đại Cồ Việt, thì biểu tượng của quyền vua không thể đi vay mượn ở đâu được!

Đại Cồ Việt không phải là kết quả của một cuộc nổi loạn. Đó không phải là một phần của nước Tàu đã thừa cơ ly khai, mà là một đất nước bị chiếm đã rút cuộc đánh đuổi được kẻ xâm lược ra khỏi bờ cõi. Đất nước ấy lại là của một dân tộc đã tiến hóa cao, vẫn giữ được bản sắc sau hơn một nghìn năm bị trị. Trong tăm tối dằng dặc, tổ tiên ta vẫn tiếp tục phát triển nền văn hóa riêng, tuy nhận vào không ít yếu tố ngoại lai nhưng không đánh mất mình mà trở nên tinh tế hơn, phong phú hơn và bừng bừng sức sống! Vào cuối thời Bắc thuộc, bất chấp mọi nỗ lực đồng hóa của kẻ thống trị, cư dân ở “An Nam đô hộ phủ” không phải là một cộng đồng đã mất hết ý thức dân tộc và tự hào về truyền thống, mà ngược hẳn lại. Cả một đất nước đang chờ tái sinh và cả một nền văn hóa riêng cao đang chờ tái hiện!

Con rồng ta là biểu tượng của sự tái sinh tái hiện kỳ diệu ấy, chứ đâu phải chỉ là biểu tượng của ngôi vua. Trong buổi bình minh sau cái đêm dài nghìn năm, trên đất Văn Lang - Âu Lạc - Đại Cồ Việt thực đã có rồng bay lên!






Thu Tứ
Tháng 1-2022







________
Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.
CQT: Chu Quang Trứ,
Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, nxb. Mỹ Thuật, 2002.
ĐDA: Đào Duy Anh,
Cổ sử Việt Nam, nxb. Xây Dựng, Hà Nội, 1955.
NTC: Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2003.
TBV: Thái Bá Vân,
Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, 1997.
TC&ĐĐS: Trương Chính và Ðặng Ðức Siêu,
Sổ tay văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1978.
TQV: Trần Quốc Vượng,
Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2000.