“Người có biết...”. Hai câu thơ nói lên được nhiều quá. Ngang tàng xót xa, “là ta” đó, ai ơi.

(Thu Tứ)



Nguyễn Công Trứ, “Thích chí ngao du”



Ngâm cùng trăng gió vài câu kiểng,
Tính với giang sơn mấy chuyện đời.
Thú gì hơn nữa, thú ăn chơi?
Chi giàu có sang hèn là phận cả.

Ðủ lếu láo với người thiên hạ.
Tính đã quen đài các mấy lâu.
Ðàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi, rượu một bầu
Khi đắc chí ngao du, ờ cũng phải!

Thơ rằng: Ðạo thông thiên địa hữu hình ngoại,
Tứ nhập phong vân biến thái trung.

Hỏi giang sơn mấy mặt anh hùng?
Tri ngã giả, bất tri ngã giả.

Người có biết ta hay thì chớ,
Chẳng biết ta, ta vẫn là ta.
Linh khâm bảo hợp thái hòa,
Sạch không trần lụy ấy là thần tiên.

Ngang tàng lạc ngã tính thiên.







____________________________
Chú thích trong
Thơ văn Nguyễn Công Trứ (nxb. Văn Học, VN, 1983):
Kiểng: Cảnh. “Câu kiểng” là câu thơ vịnh cảnh.
Ðạo thông thiên địa hữu hình ngoại / Tứ nhập phong vân biến thái trung: Hai câu thơ của Trình Tử, nghĩa là “Ðạo thông ra ngoài các vật có hình trong trời đất / Tứ vui nào khắp những trạng thái thay đổi của gió mây”.
Tri ngã giả, bất tri ngã giả: Kẻ biết ta hay kẻ không biết ta.
Linh khâm bảo hợp thái hòa: Trong lòng luôn luôn giữ được thư thái.
Ngang tàng lạc ngã tính thiên: Không kiềm chế cái tính tự nhiên của ta.