Cái khó mà những người muốn tìm hiểu triết Tàu xưa gặp, cái khó ấy nó cũng không chừa những người muốn tìm hiểu sử Tàu xưa đâu. (TT)



“Sách cổ của Tàu”

Ngô Tất Tố




Khảo về triết học đời cổ của Tàu, chẳng những nguy hiểm về nạn sách giả, mà còn nguy hiểm về nạn chữ lầm là khác.

Bởi vì từ đời Khổng Tử đến đời Hậu Hán, thể chữ và đồ viết của Tàu thay đổi đến ba bốn lần. Thể chữ trước là lối chữ khoa đẩu, Thái sử Lựu nhà Chu mới đặt ra lối đại triện, Lý Tư nhà Tần thì đặt ra lối tiểu triện, Trình Mạc nhà Tần mới đặt ra lối lệ thư, rồi Vương Thứ Trọng nhà Hán lại đặt ra lối khải thư, tức là thứ chữ chân phương người Tàu vẫn dùng bây giờ. Trong mỗi lần thay đổi thể chữ, các sách chữ cũ đều phải chuyển sang chữ mới, tất nhiên trong sự sao chép không thể không bị lầm lẫn thiếu sót, đồ viết cũng vậy. Những sách trong đời Khổng Tử, hết thẩy viết bằng thẻ tre. Người ta dùng tre đẽo thành cái thẻ, rồi lấy nhựa sơn mà viết chữ vào. Những cái thẻ ấy đều có sợi quai bằng da, sau khi viết xong, đem xâu từng xâu treo trên mái nhà, đó gọi là sách. Rồi đời nhà Tần mới biết viết chữ vào lụa. Và đến Sái Luân nhà Hán mới dùng vỏ cây mà chế ra giấy. Từ thời kỳ viết bằng thẻ tre, cho đến thời kỳ viết bằng lụa, cách nhau hơn ba trăm năm, từ thời kỳ viết bằng lụa đến thời kỳ viết bằng giấy, cách nhau độ hai trăm năm nữa, các thứ sách ấy tránh sao cho khỏi những nạn chuột tha, mọt đục, dán nhấm, hay đứt quai, đứt chuỗi mà lạc đi mất.

Hai cái cớ đó nó đã bắt buộc người ta tin rằng: những sách đời cổ còn đến bây giờ, phải có nhiều chỗ sai lầm.

Hơn nữa, bao nhiêu danh từ về đời Khổng Tử, đến nay đã cách hơn hai nghìn năm, ý nghĩa của nó thay đổi rất nhiều. Có khi cùng một chữ đó, đời xưa dùng vào nghĩa kia, đến hồi gần đây, người Tàu lại đem dùng vào nghĩa này (...)


(Ngô Tất Tố,
Mặc Tử, trong lời tựa. Nhan đề phần trích tạm đặt.)