Kim Định, “Xăm là đeo lon”




Vẽ rồng trên mình để giống với rồng, nhưng giống để làm gì? (...) đời nào người xưa ngu đến độ nghĩ rằng có thể đánh lừa con vật bằng mấy nét chấm để nó nhận là đồng tông. Như vậy lẽ này quá yếu, nhất là khi ta nhận thấy những nơi có tục xâm mình thì lại thường dành riêng cho những hàng quí tộc, nghĩa là những người không phải xuống mò cá. Việt sử lược (quyển 3) mục Lý Anh Tôn năm 1157 chép về việc vua “xuống chiếu ban luật... cấm gia nô của các vương hầu không được thích hình rồng ở bụng...” tức là giữ độc quyền xâm mình cho quí phái mà thôi. Không riêng ở nước ta mà đâu cũng thế, việc vẽ mình đều dành riêng cho quí tộc cả. Trong quyển Văn hiến thông khảo của Mã Ðoan Lâm (tr. 401) có nói đến con gái quí tộc bên đảo Hải Nam trước khi kết bạn cũng có tục xăm mặt gọi là “thêu mặt” (tú diện), cô nào càng sang thì xâm càng nhiều nét, còn dân gian thì không được phép xăm. Vậy thì xăm hình rồng vào mình không phải để khỏi nạn rồng ăn mà chỉ là một cách “đeo lon” để phân cấp, chắc tục lệ này phát xuất từ lúc chưa mặc quần áo, nên lon không có chỗ khâu mới phải xâm thẳng vào mình để biết mà chào đại úy hay thiếu tướng (...)

Như vậy đã rõ con rồng ở đây đã trở thành thứ Long u linh vật tổ, chứ không phải là giao long ăn thịt người chi cả. Ngược lại chính là người ta ăn giao long, ăn giao long không phải là lấy no lấy béo, nhưng để chịu lấy linh lực của vật tổ. Ðó là nghi lễ ăn vật tổ đã biến dạng dần để trở thành vẽ hình vật tổ lên mình.


(Kim Ðịnh,
Việt lý tố nguyên, nxb. An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Nhan đề tạm đặt.)