Hoàng Xuân Hãn bàn phải lắm. Mấy câu

“Vú dài ba thước vắt lưng,
Cưỡi voi gióng trống, bên rừng trẩy ra.
Cũng toan cất gánh sơn hà,
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam!”

thật “hùng tráng”!

(Thu Tứ)



Hoàng Xuân Hãn, “Dũa mất cái hay!”




Gọt dũa trau giồi câu văn, nhiều lúc làm mất cái khí tự nhiên của người thi sĩ đã để vào trong. Lời thực thà có khi lại có thi vị hơn là câu văn sáo.

Kể ra một ví dụ (...)

Nguyên văn (của Lê Ngô Cát) là

“Cửu Chân sinh có một nàng,
Tên là Triệu Ẩu cương cường lạ thay!
Gươm thần ngang dọc trên tay,
Tiền thân ấy kịp môn sài nhị Trưng.
Vú dài ba thước vắt lưng,
Cưỡi voi gióng trống, bên rừng trẩy ra.
Cũng toan cất gánh sơn hà,
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam!
Trời còn chứng kẻ hung tham,
Sa cơ, mụ (1) lại thác làm thần linh.”


Phạm Ðình Toái thu lại còn tám vế (...)

“Cửu Chân có ả Triệu kiều,
Vú dài ba thước tài cao muôn người.
Gặp cơn thảo muội, cơ trời,
Ðem thân bồ liễu theo loài bồng tang.
Ðầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù khi chiến tử còn là hiển linh.”


Nếu so sánh hai lời văn thì độc giả sẽ thấy rằng lời văn giản dị, tự nhiên, hùng tráng của một nhà thi sĩ, đã bị đổi ra bằng một giọng văn tề chỉnh, nghiêm trang, nhưng vô vị, của một nhà văn cử nghiệp.


(Hoàng Xuân Hãn, lời dẫn sách
Ðại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Ðình Toái. Nhan đề phần trích tạm đặt.)





_______________
(1) Triệu Ẩu nghĩa là mụ họ Triệu. (HXH)