Tóm lại, việc tìm hiểu văn hóa Ðông Sơn chưa thể xem là gần kết thúc. Chắc chắn không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của những cư dân bản địa Tiền Ðông Sơn. Nhưng còn vai trò của những người đến từ xa, như từ vùng Giang Nam, thì sao? Thiết tưởng khi xem xét các cổ vật ta cần chú ý hơn đến khả năng đã có đóng góp từ những anh em Việt tộc vốn cư trú trên đất nay là Trung Quốc. (Thu Tứ)



“Tìm hiểu Ðông Sơn” (7)

Hoàng Xuân Chinh




Với các tư liệu ngày càng phong phú, việc tìm hiểu văn hóa Ðông Sơn cũng ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn, đúng đắn hơn. Ngoài các vấn đề có tính chất khảo cổ như đặc trưng văn hóa, niên đại, thời đại, các loại hình địa phương, nguồn gốc, mối quan hệ ngang dọc của văn hóa Ðông Sơn, nhiều công trình đã đề cập đến trình độ sản xuất, quan hệ xã hội và tổ chức xã hội đương thời. Một thành tựu nổi bật của các nhà khảo cổ học, sử học trong thời gian qua là đã sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành để tìm hiểu bản chất của văn hóa Ðông Sơn, chứ không dừng lại ở việc so sánh một số mô-típ hoa văn, một số loại hình di vật, để đi đến một số nhận định thiếu căn cứ về niên đại cùng mối quan hệ và nguồn gốc của văn hóa Ðông Sơn. Tuy vậy, cũng phải nhận rằng việc nghiên cứu văn hóa Ðông Sơn của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn về phương pháp khai quật, chúng ta đã triển khai việc đào theo diện rộng, cố gắng bảo đảm tính chất khoa học, nhưng công cuộc khai quật chưa có được một kế hoạch ổn định lâu dài, một số ít di tích được đào một cách triệt để, mà phần lớn phụ thuộc vào việc “chữa cháy”(1) nên việc tìm hiểu bố cục cũng như sinh hoạt của cư dân trong một di tích gặp rất nhiều khó khăn. Hoặc là chúng ta cũng đã cố gắng xét nghiệm phân tích một số mẫu vật văn hóa Ðông Sơn, nhưng công việc tiến hành thiếu hệ thống nên tính khoa học bị hạn chế. Chúng ta cũng đã tiến hành thực nghiệm chế tạo và sử dụng một số dụng cụ và công cụ văn hóa Ðông Sơn như đúc trống đồng, dao găm đồng, nặn và nung đồ gốm, cày bằng cày gỗ, cày bằng lưỡi cày đồng v.v., nhưng công việc cũng chưa tiến triển được bao nhiêu (...)

Công cuộc nghiên cứu văn hóa Ðông Sơn được triển khai khá rộng, nhiều mặt, nhưng cho đến nay chúng ta cũng chưa có được một công trình nào có tính chất tổng hợp về văn hóa Ðông Sơn. Thậm chí một số di tích phong phú, tiêu biểu, được khai quật nhiều lần như Thiệu Dương, Ðông Sơn, Quỳ Chử, Làng Vạc, Vinh Quang, Làng Cả v.v. cũng chưa được chính thức công bố. Những điều này đã làm hạn chế (...) (việc) tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Ðông Sơn.

(...)

Nhiều vấn đề về văn hóa Ðông Sơn (...) cần phải (được) tiếp tục làm sáng tỏ, kể cả vấn đề cơ bản nhất như khái niệm và nội dung văn hóa Ðông Sơn. Có tồn tại một văn hóa Ðông Sơn cho cả Ðông Nam Á với khái niệm Ðông Sơn Nam, Ðông Sơn Bắc không? Hoặc cái mốc Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun là các văn hóa Tiền Ðông Sơn hay chỉ là các giai đoạn phát triển của một văn hóa Ðông Sơn chung? Ngay cả vấn đề thời đại và niên đại văn hóa Ðông Sơn không phải mọi người đã thống nhất với nhau. Văn hóa Ðông Sơn thuộc (...) thời đại sắt hay cuối thời đại đồng đầu thời đại sắt? Vấn đề các loại hình địa phương của văn hóa Ðông Sơn cũng còn nhiều tranh cãi, là hai, ba hay bốn loại hình? Ðó là chưa nói đến mối quan hệ xã hội và tổ chức xã hội của cư dân Ðông Sơn thì còn nhiều ý kiến rất khác nhau.

Như vậy, còn nhiều việc phải làm (...)


(Hoàng Xuân Chinh, “Lịch sử phát hiện và nghiên cứu”, tức chương I trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)


















___________
(1) Tức khai quật gấp trước khi địa điểm trở nên không khai quật được nữa.