Vừa gặp ma, gặp tiếp luôn chàng. Ôi, người đâu mà “một vùng như thể cây quỳnh cành dao”, đẹp quý phái quá đỗi! Hóa ra, chẳng những quý thật (“nhà trâm anh”) lại còn phú nữa (“nền phú hậu”). Đẹp trai, sang, giàu, lại thông minh, nổi tiếng hay chữ, thêm “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”, Kim như thể là trọn vẹn mơ ước lứa đôi của Kiều thình lình hiện ra thành một con người bằng da bằng thịt! Phần Kim thì đã có “trộm nghe thơm nức hương lân, đã “trộm dấu thầm yêu chốc mòng” Kiều chắc cũng hơi lâu rồi đấy, hôm nay gặp đây chính là ngẫu nhiên được “thỏa lòng tìm hoa” bấy nay. Tuy “người quốc sắc kẻ thiên tài, tình trong như đã”, nhưng ràng buộc của lễ giáo xưa (và sự có mặt của cậu út Vương Quan) khiến đôi bên “mặt ngoài còn e”. Cứ “chập chờn cơn tỉnh cơn mê” như thế một lúc thì bị “bóng tà” giục giải tán. Kim đà lên ngựa Kiều còn ghé theo”… (Có điều này hơi lạ, là tại sao Kim Trọng đã nghe tiếng Thúy Kiều mà không mượn cớ đến thăm bạn cũ để sớm gặp mặt?) (Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 133-170)




Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.
Trông chừng thấy một văn nhân, (135)
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.
Ðề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời. (140)
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.
Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
Chàng Vương quen mặt ra chào, (145)
Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa.
Nguyên người quanh quất đâu xa,
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Nền phú hậu bậc tài danh,
Văn chương nết đất thông minh tính trời. (150)
Phong tư tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa.
Chung quanh vẫn đất nước nhà,
Với Vương Quan, trước vốn là đồng thân.
Trộm nghe thơm nức hương lân, (155)
Một nền Ðồng Tước khóa xuân hai Kiều.
Nước non cách mấy buồng thêu,
Những là trộm dấu thầm yêu chốc mòng.
May thay giải cấu tương phùng,
Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa. (160)
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.
Người quốc sắc kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài còn e.
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê, (165)
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.
Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo.
Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha. (170)


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)
















___________
Trừ chỗ nào có ghi khác, các chú thích dưới đây là dựa theo
Từ điển Truyện Kiều của Ðào Duy Anh.
Nhạc vàng: Lục lạc bằng đồng, nói vàng cho đẹp lời, dùng lời đẹp để nói về người quý.
Khấu: Vòng dây buộc đầu ngựa, liền với dây cương.
Dặm băng: Chỉ đường thẳng tắt.
Ðề huề: Mang dắt, mang xách.
Lưng túi gió trăng: Lưng túi thơ. (ÐHTHCN)
Ngựa câu: Ngựa non mới lớn, ngựa tốt.
Cây quỳnh cành dao: Cây ngọc quỳnh, cành ngọc dao, chữ dùng để tả vẻ đẹp của người có phong cách như tiên.
Trâm anh: Trâm là cái trâm gài mũ, anh là dải mũ, chỉ nhà quan, nhà thế gia.
Phú hậu: Giàu có, nhiều của.
Phong tư: Dáng dấp xinh đẹp.
Ðồng thân: Bạn học.
Hương lân: Làng xóm. (ÐHTHCN)
Một nền Ðồng Tước khóa xuân hai Kiều: So Thúy Kiều, Thúy Vân với hai chị em đẹp nổi tiếng thời Tam Quốc bên Tàu.
Chốc mòng: Từ kép xưa nghĩa là trông mong.
Giải cấu tương phùng: Tình cờ mà gặp.
Tuần đố lá: Có thuyết cho là do chữ “thái hoa đấu thảo”, chỉ việc người ta đi chơi ngoài đồng đua nhau tìm lá hái hoa. Lại có thuyết cho đấy là trò “diệp hý” ở thời Ðường, ngày xuân người ta đi hái lộc, bẻ cành đố nhau xem số lá chẵn hay lẻ để đoán may rủi
Chỉn khôn: Vẫn là khó.
Bóng tà: Bóng xế.