Người “chân quê” lang thang lâu ở phố, ở tỉnh, một hôm bỗng “(…) sực tỉnh sầu đô thị / (…) về đây rất vội vàng”. “Đây” không xa “Sài đô” bao nhiêu, thế mà có “vô số những trời xanh”, có “một con sông chảy rất lành”, có “bướm vàng”, có “vườn hoa loạn phấn hương”, làm cho “tôi” thấy ngậm ngùi, tiếc cho mình chẳng sớm trở gót. Nguyễn Bính ở Thanh Đa cũng lâu lâu, sao hình như làm rất ít thơ tình? Có phải “hoa” thì đâu cũng có, nhưng do kinh nghiệm tình trường đã dày dặn quá, “bướm” bây giờ thấy lòng hơi bớt xôn xao?

(Thu Tứ)



Nguyễn Bính, “Sao chẳng về đây”



Lối đỏ như son tới xóm Dừa
Ngang cầu đã điểm hạt mưa thưa
(Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá!)
Tôi đã xây tròn sự nghiệp chưa?

Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên
Ðêm đêm quán trọ thức thi đèn
Xót xa một sớm soi gương cũ
Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền.

Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang
Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng
Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị
Tôi đã về đây rất vội vàng.

Ở đây vô số những trời xanh
Và một con sông chảy rất lành
Và những tâm hồn nghe rất đẹp
Ðã từng chung sống mái nhà tranh.

Sao chẳng về đây múc nước sông
Tưới cho những luống cỏ hoa trồng
Xuân sang hoa nụ rồi hoa nở
Phô nhụy vàng hây với cánh nhung?

Sao chẳng về đây bắt bướm vàng
Nhốt vào tay áo đợi xuân sang
Thả ra cho bướm xem hoa nở
Cánh bướm vườn hoa loạn phấn hương?

Sao chẳng về đây có bạn hiền
Có hương, có sắc, có thiên nhiên
Sống vào giản dị, ra tươi sáng
Tìm lấy cho lòng một cảnh tiên?

Sao chẳng về đây lựa tứ thơ
Hỡi ơi! Hồn biển rộng không bờ
Chim, hoa, sự nghiệp thơm muôn thuở
Thiên hạ bao nhiêu kẻ đợi chờ!

Sao chẳng về đây nỡ lạc loài
Giữa nơi thành thị gió mưa phai
Chết dần từng nấc, rồi mai mốt
Chết cả mùa xuân, chết cả đời!

Xuân đã sang rồi em có hay?
Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy
Kinh kỳ bụi quá xuân không đến
Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?


Xóm Dừa - Thanh Ða
1944 - 1945