Trong một thời gian, đào được càng nhiều vật cũ thì càng sinh nhiều thuyết mới về chuyện cũ. Nhưng phải hy vọng rằng đến lúc nào đó thì sẽ có một thuyết đứng được với thời gian... (TT)



“Tìm hiểu Ðông Sơn” (6)

Hoàng Xuân Chinh




Trên cơ sở những tư liệu mới ngày càng phong phú này, giới khảo cổ học nước ta đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo về văn hóa Ðông Sơn như hội thảo về mộ quan tài hình thuyền do Viện Bảo tàng Lịch sử tổ chức, về nông nghiệp thời Hùng vương và phân loại trống đồng do Viện Khảo cổ học chủ trì. Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội cũng tiến hành hội thảo về trống Cổ Loa, nhân phát hiện sưu tập đồ đồng Cổ Loa năm 1982. Sau phát hiện khu mộ quan tài hình thuyền ở Châu Can và Xuân La có những hộp sọ còn khá nguyên vẹn, đã có những cuộc thảo luận sôi nổi về loại hình nhân chủng người Việt cổ thời văn hóa Ðông Sơn giữa các nhà nghiên cứu nhân học và khảo cổ học.

Ðể tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu (...) Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã công bố tư liệu một số phát hiện quan trọng như khu mộ cổ Việt Khê (1967), Châu Can (1967) (...) Cho đến nay không kể hai số chuyên đề trống đồng trên tạp chí Khảo cổ học (số 13, 14), Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ học đã lần lượt công bố ba công trình tiến hành phân loại trống Ðông Sơn phát hiện ở Việt Nam (Hoàng Vinh, Nguyễn Văn Huyên 1975; Phạm Minh Huyền, Trịnh Sinh, Nguyễn Văn Huyên 1987; Viện Khảo cổ học 1990).

Ðồng thời với việc công bố tư liệu, đã xuất hiện nhiều công trình đi sâu phân tích từng nhóm hiện vật, từng khía cạnh khác nhau của văn hóa Ðông Sơn như Chử Văn Tần (1985), Hoàng Xuân Chinh (1969), Nguyễn Giang Hải (1989), Diệp Ðình Hoa (1985) bàn về các loại hình địa phương của văn hóa Ðông Sơn, Hà Văn Tấn, Trịnh Dương (1977) và Trịnh Sinh (1979) trao đổi về mối quan hệ giữa văn hóa Ðông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh; Phạm Huy Thông (1982), Nguyễn Duy Hinh (1982) và Diệp Ðình Hoa (1964) bàn về mối quan hệ giữa văn hóa Ðông Sơn với văn hóa thời đại kim khí vùng tây nam và đông nam Trung Quốc...

Từ năm 1972, hằng năm các báo cáo trong Hội nghị thông báo khảo cổ học được xuất bản thành kỷ yếu làm cho các phát hiện và nghiên cứu mới về văn hóa Ðông Sơn được thông tin kịp thời tới các nhà nghiên cứu.

Trong vài chục năm nay, mối quan hệ giữa giới khảo cổ học nước ta với các nhà khảo cổ học trong khu vực cũng như trên thế giới ngày càng phát triển (...) Bước đầu đã có những cuộc khai quật do chúng ta và các nhà khảo cổ học nước ngoài hợp tác tiến hành như cuộc khai quật di tích Làng Vạc năm 1990, 1992, Ðồng Mỏm năm 1992 giữa Viện Khảo cổ Việt Nam và các nhà khảo cổ học Nhật Bản do giáo sư Hakari dẫn đầu...

Những cuộc tiếp xúc trên cùng với việc công bố tư liệu ngày một nhiều hơn (khiến) nhận thức của các nhà nghiên cứu nước ngoài về văn hóa Ðông Sơn cũng ngày một gần với chúng ta hơn. Những nhận thức mới (...) được thể hiện trong các công trình của Nguyễn Phúc Long (1975), Loffs-Wissowa (1983), Taylor (1983), Murowchick (1986), Smith và Watson (1979), Higham (1989), Davidson (1979). Các học giả nước ngoài cho đến nay không ai không thừa nhận tính chất bản địa của văn hóa Ðông Sơn (...)

Loofs (1988) (...) thừa nhận tính bản địa của trống Ðông Sơn và giả thiết trống đồng là một biểu trưng cho sự ban phát quyền lực.

Càng ngày càng có nhiều ý kiến phát biểu về vị trí của văn hóa Ðông Sơn trong tiến trình lịch sử. Higham đặt văn hóa Ðông Sơn cuối thời kỳ hoạt động của các tù trưởng (Higham 1989), Deopik lại đặt văn hóa Ðông Sơn vào thời kỳ ra đời của nhà nước đầu tiên (Deopik 1958). Taylor trong công trình Sự ra đời của Việt Nam đã sử dụng nhiều tư liệu khảo cổ gần đây của chúng ta (...) để viết chương I nói về các Lạc tướng trong truyền thuyết Hùng Vương (Taylor 1983).


(Hoàng Xuân Chinh, “Lịch sử phát hiện và nghiên cứu”, tức chương I trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)