Rượu nếp để ba đêm thì ngon hơn, nhưng “hạt rượu” dừ, bẹp, gẩy vào bát trông không “dôi”… Bán có một ngày, tính toán tỉ mỉ làm chi nhỉ? Hay là không phải tính toán mà muốn bát rượu bán trông đẹp mắt với “những hạt rượu mọng vàng như con nhộng non”? Hơn nữa, nhai “nhộng non” còn hơi sừn sựt cũng có cái thú… Ăn rượu nếp là để “giết sâu bọ”. Nhưng sâu bọ chưa chết thì do cô hàng “cứ từ từ, thong thả” gẩy từ rá sang vỏ sò sang bát làm cữ rồi mới sang bát của khách, cái mùi hương quyến rũ đã làm trẻ con chết thèm rồi! Và nếu cô lại là “hoa”, có “bàn tay nõn nà với những ngón búp măng”, khi gương mặt xinh tươi ấy ngửng lên trao bát rượu, cười e ấp nếu khách là một chàng trai, thì chàng cũng “chết” theo trẻ con luôn! (Thu Tứ)



Thanh Hào, “Hương rượu nếp”




- Ai rượu nếp không nào?...

- Ai rượu nê… ếp…?

Đó là tiếng rao của những bà, những cô hàng rượu nếp vang lên trong các ngõ xóm sáng ngày mồng năm tháng năm âm lịch (…)

Khi bà ta, mẹ ta gọi hàng rượu vào sân, bọn trẻ con ngồi xung quanh cô hàng, trên tay mỗi đứa đã sẵn một cái bát. Cô hàng mở vỉ buồm (…) dùng đôi đũa nho nhỏ gẩy gẩy những hạt rượu từ trong rá vào cái vỏ sò biển trắng như cái đĩa con, sẻ sang cái bát sứ mỏng tang, rồi mới gạt qua những bát của trẻ con đã xếp trên mâm (…) Xong đâu đấy cô cầm cái chai đựng nước rượu rưới lên mỗi bát một ít. Hương rượu nếp đánh thức con tì, con vị của người ngồi chờ (…) Cô cứ từ từ, thong thả (…) không hề vội vã (…) Chao ơi! Sự thèm muốn của tuổi thơ (…)

*

Làng Gia Thượng, một làng bên bờ sông Đuống, có truyền thống làm rượu nếp bán trong ngày tết “giết sâu bọ” hàng năm (…) Chỉ bán có một ngày (mà cũng làm) có lẽ những người phụ nữ ở đây muốn tỏ cho thiên hạ biết cái sự khéo léo của đôi tay, chất “tài hoa” cùng sự cần cù của người con gái nông thôn ngoại thành chăng? Chỉ một ngày cất lên tiếng rao ngọt ngào (…) cô hàng đã gây nỗi nhớ cho những chàng trai quanh vùng (…)

Người con gái làng Gia hơn mười tuổi đã phải theo mẹ theo chị học lấy nghề. Cuối tháng tư âm lịch, làng xóm vang lên tiếng cối xay lúa nếp cái rào rào. Các bà các chị năng đến nhà nhau. Người ta sàng sẩy hộ nhau, nhặt cho nhau những hạt thóc sót, những hạt sạn, những hạt gạo tẻ có thể bị lẫn vào trong khi phơi đập ngày mùa. Người ta bàn tán với nhau về những mẻ rượu làm thử. Thường thì vẫn phải làm thử trước ngày làm bán vài ba đấu xem cần gia giảm lượng men cho những mẻ sau như thế nào. Sao cho khi sáng mồng năm cất tiếng rao, khách mua rượu gọi vào nhà, mùi thơm của rượu tỏa ra khiến người không muốn ăn cũng phải nếm (…)

Ngày mồng ba (…) Mùi xôi, mùi men rượu thơm lừng khắp các ngõ xóm. Nhà nào làm rượu ăn thì làm từ mồng hai. Ba đêm thì rượu dừ, nhiều nước, ngọt đậm và dậy mùi thơm hơn, nhưng bán lại không “dôi” bát. Rượu làm bán chỉ cần hai đêm, đồ xôi khéo, ủ men đúng quy cách, rượu vừa tới nước, sáng mồng năm đem bán là vừa đẹp (…)

Sáng mồng năm, mọi nhà trong làng đều dậy từ gà gáy canh tư. Đóng nước rượu vào chai (…) Những đôi quang gánh được sắp ra. Một bên quang là rá rượu để trong thúng, dưới kê chiếc liễn sứ hứng nước rượu. Quang bên kia là những chai nước rượu, bát đũa. Những cái bát sứ Giang Tây mỏng tang, những đôi đũa nhỏ xíu còn đỏ màu tre già vót sẵn từ mấy hôm trước. Ngày tết mồng năm ít ai ăn rượu ngoài đường, đa số khách mua gọi vào trong nhà nên bát đũa chỉ mang phòng xa khi gặp khách giữa đường. Và bát mang đi còn để làm “cữ” khi “ao” rượu. Khi bán rượu không xúc, không đơm như đơm cơm mà gẩy những hạt rượu vào cái đĩa con, hoặc cái vỏ sò biển, xong lại từ vỏ sò sang bát làm cữ, rồi mới sẻ sang bát của nhà chủ mua rượu. Những hạt rượu mọng vàng như con nhộng non, tay cô hàng khẽ khàng gẩy, khéo gẩy thì hạt rượu không bị bẹp, không bị nát, trông càng “dôi” bát, ngon mắt khách đợi thưởng thức. Nếu khách là một chàng trai, thì khi đỡ bát rượu từ bàn tay nõn nà với những ngón búp măng, lòng đã say rồi… (…)

*

- Ai rượu nếp không nào?...

- Ai rượu nê… ếp…?

(…) Những tiếng rao gây nỗi nhớ cho bao chàng trai mới lớn thuở nào (…) Bây giờ (…) tết mồng năm (…) ta vẫn gặp những người bán rượu nếp. Nhưng họ đèo rượu trên xe đạp, bán bằng cân sắt, đổ rượu vào túi ni-lông. Chao ơi! Văn minh đây chăng? (…) Hình ảnh những cô hàng rượu nếp áo dài vải rồng thắt vạt, tóc bỏ đuôi gà, vành khăn nhung, trên gương mặt e ấp nụ cười, chao ơi!...


(Trong tập
Sông Hồng và làng bãi, nxb. Phụ Nữ, Hà Nội, 2009)