“… trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).



Trí thức yêu nước Trần Hữu Tước (1913-1983)








Trí thức yêu nước Trần Hữu Tước sinh ngày 13/10/1913 tại làng Bạch Mai, xã Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Ông học trung học ở trường An-be Xa-rô, sau đó được cấp học bổng sang Pháp du học, tốt nghiệp bác sĩ ở Đại học Y khoa Pa-ri năm 1940, được giữ lại làm việc trong khoa tai mũi họng tại bệnh viện nhi khoa Nếch-cơ. Là một bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng, ông có thu nhập cao, sống rất sung túc.

Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô. Tháng 9/1946, sau khi ký Tạm ước 14/9, phái đoàn Việt Nam lên đường về nước. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, GS Trần Hữu Tước cùng một số trí thức Việt kiều khác quyết định từ bỏ cuộc sống giàu sang ở Pháp, trở về Tổ quốc.

Tháng 12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, GS Trần Hữu Tước tham gia chiến đấu tại Mặt trận Hà Nội. Sau khi rời Thủ đô, ông công tác chuyên môn ở Liên khu III và Liên khu IV. Khi mắc bệnh về đường ruột nặng, ông vẫn nhất quyết không về vùng địch tạm chiếm để chữa bệnh. Ở vùng tự do, tuy vật chất hết sức thiếu thốn nhưng ông cùng các đồng nghiệp vẫn xây dựng được khoa tai mũi họng.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, GS Trần Hữu Tước về phụ trách khoa tai mũi họng ở bệnh viện Bạch Mai. Bên cạnh đó, từ năm 1954 đến năm 1957, ông xây dựng và phát triển khoa tai mũi họng ở Đại học Y Dược Hà Nội. Từ năm 1958 đến năm 1969, ông đảm nhiệm thêm chức vụ giám đốc bệnh viện Bạch Mai. Năm 1969 ông làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Tai Mũi Họng Trung ương. GS Trần Hữu Tước là Chủ tịch đầu tiên của Tổng Hội Y học.

Giáo sư Trần Hữu Tước lâm bệnh và qua đời ngày 23/10/1983.


(Nguồn: trang
baotanglichsu.vn)