Em bé rồi có được nặn bánh không nhỉ? Có một vài viên rất méo của Bé, một số viên meo méo của Gái con chen vào giữa những “quả nhãn lồng bóc vỏ” do tay mẹ va tay Gái lớn nặn, càng vui mắt. Với trẻ con, được trước chơi nặn, sau ăn, nhất cái bánh trôi! À, nên tên “trôi” là vì thế, chứ trông đĩa bánh có thấy trôi nổi gì đâu. Úi dào, cái hình ảnh “lập lờ, (lềnh) bềnh (…) xô nhau chạy giạt (…) tránh những đàn bong bóng đang sùng sục”, với những người lớn tuổi đời nhiều sóng gió, những lúc xa quê hồi tưởng làm sao khỏi “cảm” đến vô vàn… Và cái hình ảnh ai đang ngồi bên nồi bánh vừa làm vừa lẩm nhẩm: “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh…” nữa. Ới bánh ơi! Ới mẹ ơi! Ước quá, ước sao “ta” được trở lại như viên bột đã ngậm đường nhưng chưa bị thả vào nồi… (Thu Tứ)



“Mùa bánh trôi”

Thanh Hào




Khi những cơn gió mùa đông bắc muộn mằn lạc lõng giữa tháng hai làm nên cái rét lộc, cây lúa chiêm đứng đầu bờ ngóng đợi lắng nghe tiếng sấm tháng ba, thì các bà mẹ đi những phiên chợ cuối tháng đã chuẩn bị mua những thỏi đường vuông vuông như bao diêm nhỏ để làm nhân bánh trôi, mua đấu đậu xanh để làm nhân bánh chay. Sang tháng ba, ngay từ chiều mồng hai, nhà nào nhà ấy đã thậm thịch giã vài ba đấu gạo nếp. Gạo giã phải rây bột bằng cái rây tròn như cái tráp đựng trầu cau. Đáy rây được căng bằng miếng lượt mới tinh, mùi tơ tằm còn ngai ngái, thơm hăng nước hồ. Nhà nào có cối xay bột thì nghe tiếng nước ở vành cối rỏ long bong trong chậu.

- Gái lớn ơi! Con giội nước cho mẹ, để mẹ xay cho chóng nhé!

- Cu con ơi, đừng nghịch vào bột. Để đấy mẹ rây cho, con không biết làm, bắn hết cả bột ra ngoài mâm đồng rồi!

- Mẹ ơi! Mẹ nghỉ tay ăn trầu đi, đưa con giã cho mẹ một lúc.

- Thôi, đưa đây mẹ giã cho, các con làm vãi hết cả gạo ra ngoài rồi đây này.

Đó là ngày làm bột. Nhà nào chẳng có trẻ con. Những lời sai vặt, những lời mắng yêu, những lời đòi làm việc của trẻ con làm cho không khí đầm ấm, thân thương biết nhường nào (…)

Qua một đêm mong mỏi của trẻ con. Ngay từ sáng sớm ngày mồng ba, những bà mẹ hoặc những người chị lớn trong gia đình khi trở dậy đã phải nghĩ ngay đến công việc làm bánh. Những nhà có bột xay nước được treo trong túi vải lung liêng dưới xà nhà được hạ xuống. Những nhà giã bột đã rây nhỏ, mịn màng rồi thì đổ ra mâm nhào nước. Những miếng đường được mũi dao nhỏ vạch những đường vuông như tờ giấy kẻ ly, rồi bẻ ra thành những viên đường nhỏ như hạt lựu to. Những mẻ bột đã nhào nước hoặc đã róc nước được các bà các chị vo thành những thỏi bột to như cái hoa chuối, rồi vuốt dần ra như quả bầu, vuốt nhỏ dần, nhỏ dần như khúc dồi. Và họ áng chừng viên bánh trôi mà bẻ ra từng khoanh bột nhỏ.

- Nào Gái lớn, Gái con đâu? Các con vào đây nặn bánh với mẹ, với chị, nào.

- Cu lớn ơi! Vào đây chị bảo cách cho mà làm.

- Mẹ ơi! Em bé cũng đòi nặn bánh đây này!

- Gái con bế em đi chơi để em đừng quấy mẹ!

- Mẹ ơi, mẹ nhìn xem con viên bánh có tròn không này!

Những bàn tay khéo léo của mẹ, những bàn tay nõn nà thoăn thoắt của chị, những bàn tay vụng về lúng túng của Gái lớn Gái con, những bàn tay loi choi của những cu Tý cu Sửu. Và những lời khen các con của mẹ, những lời mách lời chê của chị, tất cả cứ líu tíu, ríu rít vang lên trong không khí ngày làm bánh trôi (…)

Trong khi đó thì trên bếp, mấy ông đầu rau đã chụm đầu đội chiếc nồi. Ngọn lửa bập bùng hôm nay được nhen lên bằng những thanh củi gỗ, củi tre chứ không phải đun rơm, đun rạ như ngày thường, để tránh tàn rơm bay lên thành gio rơi vào trong nồi bánh.

Nước trong nồi đã sôi lên ùng ục. Những viên bánh đã nặn xong, bột nếp trắng thơm đã ngậm viên đường bên trong, viên đường nâu nâu, nằm trong lòng bánh như một trái tim, mang cái hồn của một tấm thân trong trắng tròn trịa như trái nhãn lồng đã bóc vỏ. Mẹ sẽ sàng đổ những viên bánh vào nồi nước sôi, dùng muôi khỏa đều cho chúng khỏi dính vào nhau. Những viên bánh chìm xuống đáy nồi. Chỉ một lúc sau chúng nổi lập lờ, bềnh lên trong nồi, xô nhau chạy giạt vào thành nồi để tránh những đàn bong bóng đang sùng sục như trò chơi đuổi bắt. Mẹ lấy muôi làm bằng mảnh gáo dừa có đục nhiều lỗ vớt bánh ra, đổ vào đĩa, nghiêng chắt hết nước dính theo, vừa làm vừa lẩm nhẩm đọc câu: “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh…”, vừa hẩy hăm (?) vào những viên bánh (…) Hết mẻ này, mẹ đổ mẻ khác vào nồi nước sôi (…)

Năm tháng qua (…)

Mùa bánh trôi lại đến. Tết mồng ba tháng ba lại đến. Nhìn những viên bánh trắng muốt trong đĩa bày trên bàn thờ, thắp nén hương tưởng niệm, cảm tạ tổ tiên (…) Hình ảnh, tiếng nói, tiếng cười, lời khen, lời mắng yêu của mẹ xưa lại vang lên (…) Cuộc sống biết bao nhiêu thay đổi, chìm nổi, nổi chìm, hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp, mênh mông quá.

Không biết Tết tháng ba này mẹ có về không?...


(Trong tập
Sông Hồng và làng bãi, nxb. Phụ Nữ, Hà Nội, 2009)