“… trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).



Trí thức yêu nước Đặng Văn Ngữ (1910-1967)








Trí thức yêu nước Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910 tại làng An Cựu, thành phố Huế. Ông học y khoa ở trường Y Dược Đông Dương, tốt nghiệp năm 1937, sau đó làm trợ lý cho một giáo sư Pháp. Năm 1943 ông qua Nhật học hỏi thêm.

Năm 1949 GS Đặng Văn Ngữ về nước tham gia kháng chiến chống Pháp, làm chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng tại trường Đại học Y khoa ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Trong thời gian này, ông đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc pê-nê-xi-lin, góp phần đặc biệt quan trọng vào việc điều trị quân dân bị thương trong kháng chiến.

Năm 1957 Viện Sốt rét được thành lập. GS Đặng Văn Ngữ làm Viện trưởng đầu tiên và là chủ nhiệm chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở Miền Bắc. Đến năm 1964, tỷ lệ sốt rét ở các địa phương đã giảm trung bình 15-20 lần, có nơi tỷ lệ chỉ còn 0,01%. Trước đó, trên miền núi có nơi tới 90% người dân mắc bệnh.

Nghe báo cáo bệnh sốt rét hoành hành dữ dội ở nhiều vùng trên chiến trường Miền Nam, GS Đặng Văn Ngữ xin vào Miền Nam nghiên cứu cách chữa trị hiệu quả nhất. Cấp trên rất đắn đo, cuối cùng mới chấp thuận nguyện vọng của ông.

Để chuẩn bị cho chuyến công tác, GS Đặng Văn Ngữ bỏ thói quen đi giày da, tập đi dép cao-su, mỗi tối mang ba-lô gạch đi quanh nhà… Khoảng cuối năm 1966, ông cùng 12 cán bộ của Viện được đưa lên Lương Sơn (Hòa Bình). Tết Nguyên đán năm 1967, đoàn đi bằng ô-tô vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) rồi đi bộ vào chiến trường Trị Thiên.

Ngày 1 tháng 4 năm 1967, GS Đặng Văn Ngữ mất trong một trận Mỹ đánh bom bằng B-52.

GS Đặng Văn Ngữ là một tấm gương về lòng yêu nước và về đạo đức (được ghi nhận nơi đời sống hàng ngày). Ông để lại hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học giá trị.

“Nối tiếp bước đi, hát tiếp bài ca
Trên Trường Sơn mây trắng
Máu thắm đường ta đi, lẫn mồ hơi rơi, lòng ta như nắng
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình…”.


(Nguồn: trang
khampha.vn và trang vi.wikipedia.org)