Tại sao trong âm nhạc truyền thống Việt Nam lại có chỗ chia sẻ với âm nhạc truyền thống Ba-tư, Ả-rập? Ngay cái tên “sa mạc” cũng lạ. Như thể ai đó đặt tên cho điệu có biết nguồn gốc của điệu... Cơn gió nào đã thổi “sa mạc” đến tận nước ta? (Thu Tứ)



Trần Văn Khê, “Điệu sa mạc”




Tôi đờn tranh điệu sa mạc, ngâm bài thơ Anh Khóa (...) Ðiệu sa mạc của Việt Nam có âm điệu ray rứt buồn bã tương đồng với nhạc truyền thống của Á Rập (...) dễ gây sự đồng cảm trong lòng người (...) (một người Syrie ghi vào sổ làm việc của TVK:) “Khi nghe giáo sư đờn hát tôi không nghĩ đó là một người nước ngoài mà có cảm giác giáo sư là đồng bào của chúng tôi...” (q. 3, tr. 168-169)

Điệu sa mạc của Việt Nam gần với điệu Sêgah của Ba Tư và Sikah của Á Rập (q. 4, tr. 133)

Lần bắt đầu nghiên cứu nhạc Ba Tư trên thực địa, tôi xin (...) gặp ông Hormozi, một nghệ nhân chuyên đờn sêtar là loại đờn nhỏ bốn dây của Ba Tư (...) tôi (...) mang theo cây đờn tranh (...) bắt đầu đờn (...) khi tôi sang hơi Sa mạc, ông ngạc nhiên nhận xét:

- Ủa, hơi này tôi nghe giống điệu Sêgah của chúng tôi quá!

(...) sau đó ông lấy đờn ra (...) biểu diễn (...) điệu Sêgah (...) Ðờn xong ông hỏi tôi:

- Anh có thấy hai điệu giống nhau không?

- (...) đúng, đặc biệt trong đoạn kết có chỗ giống nhau là cùng có một quãng ba trung bình giữa thứ và trưởng mà chữ kết nhấn vào bực trên của quãng ba đó.

- Phải rồi, trong truyền thống nhạc Ba Tư chúng tôi gọi là quãng ba Zalzal, vì từ thế kỷ thứ 8 Zalzal là người dùng quãng ba đó trước nhứt. Vì vậy khi nghe Sa mạc tôi xúc động quá vì trong đó có nhiều quãng ba Zalzal mà trong nhạc Ba Tư vẫn được dùng để diễn tả nỗi day dứt, mong chờ. (q. 5, tr. 89-90)


(
Hồi ký Trần Văn Khê, nxb. Trẻ, 2001, bộ 5 quyển)