“Tình nhà trong thơ Đường”




Đi xa, những lúc không bận rộn, người ta nhìn kỹ lại quang cảnh chung quanh mình, thấy bỡ ngỡ, rồi chợt như không thấy gì trước mặt nữa mà trong mắt lại hiện lên hình bóng cái nơi chốn đã từ đó ra đi. Ấy là những lúc nhớ quê… Dù đi xa đến đâu, người ta thường cũng vẫn ở trong thứ kiến trúc có vách có mái, nắng mưa không lọt. Lại bận rộn thì thôi, chứ không thì không khỏi cái lối mắt nhìn đây mà như thấy vách mái ở tận chân trời. Ấy là những lúc nhớ nhà…

Tình quê man mác, chủ yếu hướng về cảnh. Tình nhà có đối tượng cụ thể là “người nhà”. “Anh đi anh nhớ quê nhà” là vừa nhớ đồng lúa, lũy tre, cây đa, con đò, bến nước…, vừa nhớ những người đã ngày ngày cùng ăn “canh rau muống, cà dầm tương” với anh…


“Tạp thi” của Vương Duy

Nghe có người cùng quê ra, tìm gặp để hỏi thăm về một... cái cây. Hẳn không phải bởi quý cây hơn quý cha mẹ vợ con anh em, mà bởi người ấy không phải người quen thân, chắc không rõ chuyện nhà mình... Cây hàn mai nhiệt mai gì đấy ai ở ngoài đường nhìn vào cũng thấy? Nhưng có thể người kia không để ý, không nhìn. Tin nhà không, mà tin... cây nhà có thể cũng không. Hỏi có một câu bé tí, lộ cả một nỗi nhớ nhà hơi bị to!

Nguyên văn

Quân tự cố hương lai
Ưng tri cố hương sự
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị?


Dịch nghĩa

Bác từ quê ra / Hẳn biết chuyện ở quê / Ngày đi, (bên tôi) trước cái cửa sổ có màn the / Gốc hàn mai đã nở hoa chưa?

Dịch thơ

Bản 1:

Nghe tin bác ở quê ra
Em sang hỏi chút chuyện nhà xem sao
Nhà em mé cổng bước vào
Gốc mai đã nở nụ nào hay chưa?


Bản 2:

Nghe làng mới có người ra
Mau chân tới cửa thăm qua mấy lời
Tiện đây, hỏi bác chút thôi
Nhà tôi, mé cổng, cây mai thế nào?


Bản 3:

Phải sang hỏi bây giờ!
Mới lên, chắc biết thừa
Ngày đi, bác qua cổng
Mai nhà tôi hoa chưa?


Bản dịch thơ khác

Ở quê anh mới tới đây
Việc quê anh biết đổi thay thế nào
Hôm đi, trước cửa buồng thêu
Cây mai mùa lạnh nở nhiều hoa chưa?
(Trần Trọng Kim)

Bác ở quê nhà ra
Việc quê nhà hẳn rõ
Ngày đi, trước song the
Mai nở hay chưa nở?
(Tương Như)


“Ức Đông Sơn” của Lý Bạch

Mây trắng tan, như người họp rồi tan. Trăng sáng rụng đâu mất, như cảnh sum vầy đầm ấm... rụng đâu mất. Nhớ quá, Đông Sơn!

Nguyên văn

Bất hướng Ðông Sơn cửu
Tường vi kỷ độ hoa
Bạch vân hoàn tự tán
Minh nguyệt lạc thùy gia.


Dịch nghĩa

Lâu không trở về Ðông Sơn / Không biết bụi tường vi đã nở hoa mấy lần / Mây trắng lại tan rồi / Không biết trăng sáng đã rơi xuống nhà ai.

Dịch thơ

Bản 1:

Đêm trăng ngồi nhớ nơi xa
Vườn xưa đã mấy mùa hoa thưa người...
Kìa mây trắng lại tan rồi
Kìa trăng vằng vặc đã rơi phương nào...


Bản 2:

Đông Sơn lâu chẳng về chơi
Tường vi từ bấy lụi tươi bao lần?
Trông mây tụ tán, tần ngần
Trăng khuya khuất bóng, rơi vườn nhà ai…


Bản dịch thơ khác

Non Đông xa cách bao xuân!
Cây tường vi đã mấy lần nở hoa?
Mây xưa hẳn vẫn bay xa?
Trăng xưa biết rụng xuống nhà ai nao?
(Ngô Tất Tố)

Ðông Sơn xa cách bao xuân,
Tường vi đã trải mấy lần nở hoa.
Mây kia bạc xóa tan ra,
Vầng trăng khuất sáng, bóng sa nhà nào.
(Trần Trọng Kim)


“Kiến huỳnh hỏa” của Đỗ Phủ

Đêm thu đom đóm bay loạn ngoài trời, rồi bay loạn cả trong lòng một người đầu bạc xa quê…

Nguyên văn

Vu sơn thu dạ huỳnh hỏa phi
Sơ liêm xảo nhập tọa nhân y
Hốt kinh ốc lý cầm thư lãnh
Phục loạn thiềm tiền tinh tú hy
Khước nhiễu tỉnh lan thiêm cá cá
Ngẫu kinh hoa nhị lộng huy huy
Thương giang bạch phát sầu khan nhữ
Lai tuế như kim qui vị qui.


Dịch nghĩa

Ðêm thu trên núi Vu, đom đóm bay / Mành thưa, có con bay khéo, lọt đậu trên áo / Chợt sợ, trong nhà sách đàn lạnh ngắt / Trước thềm lại loạn đóm, sao trời thưa thớt / Quanh thành giếng, đóm cũng lẩn quẩn / Có con tình cờ bay bên nhị hoa, lập lòe như đùa / Bên sông lạnh, tóc trắng trông mày mà buồn / Năm tới chừng này, đã về nhà hay chưa?

Dịch thơ

Đêm thu đom đóm đua bay
Mành thưa khéo lọt đỗ ngay áo người
Ðàn buông sách thả rụng rời
Một hiên đóm loạn, một trời sao thưa
Kia vòng quanh giếng vẩn vơ
Đây bên hoa tụ nhởn nhơ lập lòe
Đóm bay, sông lạnh, tuổi già
Mười hai tháng nữa, quê nhà hay chưa?...


Bản dịch thơ khác

Ðêm thu đom đóm núi Vu
Rèm thưa khéo lọt, đậu vô áo người
Sách đàn, chợt thấy lạnh rồi
Trước thềm bay loạn, trên trời sao thưa
Lại quanh lộ tỉnh vẩn vơ
Lượn qua những chỗ nhị hoa, lập lòe
Thấy mày đầu bạc buồn ghê
Sang năm như rứa, đã về hay chưa?
(Trần Trọng Kim)


“Lữ túc” của Đỗ Mục

Nhớ nhà quá, mãi mới ngủ được, lại bị cái con nhạn nó kêu phá giấc, nên sáng rồi mà vẫn còn mơ mơ màng màng… Được cái, quán trọ ở ngay bờ sông cảnh rất nên thơ, giụi mắt xong, trông ra, có ngay hứng để sáng tác.

Nguyên văn

Lữ quán vô lương bạn
Ngưng tình tự tiễu nhiên
Hàn đăng tư cựu sự
Ðoạn nhạn cảnh sầu miên
Viễn mộng quy xâm hiểu
Gia thư cách đáo niên
Thương giang hảo yên nguyệt
Môn hệ điếu ngư thuyền.


Dịch nghĩa

Nơi quán trọ không có bạn bè thân / Nỗi niềm chồng chất, lòng ngậm ngùi / Bên đèn tắt đã lâu (?), nhớ chuyện cũ / Tiếng nhạn kêu đứt quãng động giấc ngủ buồn / Mộng xa xôi ngày trở về, trời sáng mà không hay / Đã một năm trời không có thư nhà / Trên sông xanh trăng khói đẹp thay / Trước cổng có ai buộc thuyền buông câu.

Dịch thơ

Ai đâu, mình chỉ với mình
Một thân lữ thứ trăm tình ngẩn ngơ
Bên đèn ngồi nhớ chuyện xưa
Thiu thiu, tiếng nhạn rơi khua giấc buồn
Ơi quê, mộng suốt đêm trường
Mười hai tháng nhỉ, đã biền biệt tin…
Kìa trăng, khói đẹp như tranh
Thuyền ai buộc dưới sông xanh lững lờ...


Bản dịch thơ khác

Bạn bè lữ quán có đâu
Nỗi lòng tự biết, nỗi sầu ngẩn ngơ
Ngọn đèn lạnh, nhớ việc xưa
Lo đêm không ngủ, nhạn thưa đó mà
Cách năm mới được thư nhà
Sáng ngày thấy mộng đi xa trở về
Sông xanh trăng khói mọi bề
Mé ngoài trước cửa buộc kề thuyền câu.
(Trần Trọng Kim)


“Độ Hán giang” của Lý Tần

Người ở xa về thấy người quê không dám hỏi, mà người quê nếu có nhận ra người ở xa về có khi cũng không dám vẫy, chào. Chào, rồi nhỡ bị hỏi, rồi mình phải kể tin xấu cho người ta nghe, thôi, ngại lắm. Ai bao năm mới về “Lĩnh nội”, qua “Hán giang” xong cứ cắm cúi thẳng cửa nhà nhé, khắc biết.

Nguyên văn

Lĩnh ngoại âm thư tuyệt
Kinh đông phục lập xuân
Cận hương tình cánh khiếp
Bất cảm vấn lai nhân.


Dịch nghĩa

Ở ngoài Ngũ Lĩnh, không nhận được tin nhà / Đông qua, xuân lại đến / Càng gần tới quê, lòng càng sợ hãi / Không dám hỏi thăm người qua lại.

Dịch thơ

Bản 1:

Xuân nay mới được trở về
Xa non cách núi tin quê biết gì
Gần làng bay cả hồn đi
Người qua muốn hỏi, ngại nghi những điều...


Bản 2:

Lâu không nhận được thư nhà
Đường quê trở bước vui mà lại lo
Càng gần càng né người qua
Hỏi chào e bật ngay ra tin gì…


Bản dịch thơ khác

Lĩnh ngoại thư từ vắng
Qua đông lại lập xuân
Gần làng lòng sợ hãi
Không dám hỏi lai nhân.
(Trần Trọng Kim)

Ngũ Lĩnh tin nhà vắng
Đông tàn lại đến xuân
Gần quê lòng những ngại
Không dám hỏi người thân.
(Lê Nguyễn Lưu)


Tạp thi của khuyết danh

Cuốc kêu “nhớ nước”, ai đó nghe lại nhớ nhà mà “kêu” thành thơ. Tiếng cuốc tắt đã mười mấy thế kỷ, tiếng thơ cuốc vẫn còn vang...

Nguyên văn

Cận hàn thực vũ thảo thê thê
Trước mạch miêu phong liễu ánh đê
Ðẳng thị hữu gia qui vị đắc
Ðỗ quyên hưu hướng nhĩ biên đề.


Dịch nghĩa

Mưa gần tiết hàn thực, cỏ xanh tốt / Gió rờn lúa non, liễu trên đê lấp lánh (?) / Như nhau, sao có nhà mà chưa được về nhà / Cuốc ơi, đừng hướng về bên tai mà kêu nữa.

Dịch thơ

Mưa hàn thực cỏ tốt tươi
Lúa non gió rợn liễu phơi xanh bờ
Xa quê nghe cuốc, thẫn thờ
Có nhà sao vẫn vật vờ, cuốc ơi!


Bản dịch thơ khác

Gần hàn thực cỏ xanh mưa ướt
Ngọn lúa non gió lướt liễu bờ
Có nhà chưa được về nhà
Ðỗ quyên thôi chớ rầy rà bên tai.
(Trần Trọng Kim)



Thu Tứ









________
Nghĩa của tên bài: “Tạp thi” là “Thơ tạp”; “Ức Đông Sơn” là “Nhớ Đông Sơn”; “Kiến huỳnh hỏa” là “Thấy đom đóm”; “Lữ túc” là “Nghỉ đêm nơi quán trọ”; “Độ Hán giang” là “Qua sông Hán”.