Phụ nữ thường rất sợ sâu, tằm chính là một con sâu, thế mà không ai sợ tằm. À, nhưng chắc đó chỉ là phụ nữ làng tằm, đã quá quen với các “cô” các “cậu”…

Nuôi tằm phải xây buồng thật kín cho tằm ở, khi tằm mới nở phải thái lá dâu thật nhỏ cho tằm ăn… Ơ lạ, trước khi con người ta biết cái nghề tằm tang, thì các cô các cậu sống ngoài tự nhiên, sống trên cây dâu gió máy um sùm, khi còn bé tí teo cũng phải cắn lá mà ăn chứ đâu có được dùng “những sợi thuốc lào”, thế mà vẫn sống đấy thôi. Ờ, nhưng chắc nuôi kỹ thì tử suất giảm…

Cái đêm trước “ngày vui nhất”, ông chủ tằm được nhắm rượu với thứ mồi độc đáo. Cứ làm kén tốt thì thôi, còn cô cậu nào vớ vẩn, “sùn”, là bị đặt lên gạch nung cho phồng, “nổ đánh bép một tiếng”, đợi đũa ông chủ gắp!

Chuyện làng tằm ai khác kể có thể chỉ có tằm thôi. Nhưng “tôi” kể thì có thêm cái không gian thơ mộng của vùng quê bãi và nhất là có những chàng trai cô gái ngay giữa lúc tất bật nhất vẫn cứ hát ghẹo nhau và lúc xong xuôi hết cả rồi thì giằng nhau đến nát bao nhiêu lá chanh… Mùa tằm, dưới đất tằm bận rộn nhả sợi tơ vàng, trên trời Nguyệt Lão bận rộn với những dây tơ hồng. Khi tơ vàng nên kén sờ sờ đợi trùm kén cân mua đem đi, thì bao nhiêu tơ hồng vô hình cũng đã giăng khắp làng trên xóm dưới!
(Thu Tứ)



“Làng tằm”

Thanh Hào




Những loài chim xứ lạnh (…) cất cánh bay đi (…) để lại khoảng trời vàng nắng cho những loài sẻ đồng, sơn ca, chiền chiện và bao loài chim bản xứ khác bay lượn (…) Bờ tre làng vang lên những tiếng cuốc tìm nhau, khi những con sơn ca cứ bay cao, cao tít, réo rắt tiếng ca vào mây (…) Cỏ cây như phải duyên với cái nắng vàng ươm (…) cứ xanh lên mà thi với màu da trời (…) Cây dâu sau vụ đốn hom cuối mùa đông (…) ngủ một giấc dài trong phù sa (…) xuân sang bừng tỉnh dậy, ngơ ngác đớp hạt mưa, lên như thắp nến (…) Hè về, dâu cũng đua cùng cây cỏ khác mà vươn lên “ngày một lá, đêm một lá” như giục giã (…) người chăn tằm đi lấy trứng ngài (…)

Những vòng trứng mới đẻ bát trên giấy bản, gấp vuông vắn, được xe bằng sợi dây cũng là giấy bản xe lại, treo lủng lẳng đầu gọng ô đen, theo người từ xứ Kinh Bắc về với vùng quê bãi sông Hồng (…)

Ngày tằm nở gọi là ngày rũ ngài (rũ tằm chứ?) (…) Bảy ngày thì trứng “kim”, tám ngày trứng “rẫm”, chín ngày những chú tằm con nhỏ li ti như mũi kim, lông đen, chui ra khỏi trứng, bám đầy trên mặt giấy. Những tờ giấy đầy tằm nở được trải trên cái nong con cọ thật sạch phơi nắng từ mấy hôm trước (…) Người ta chọn những lá dâu ngon nhất, đang bắt đầu vào thời kỳ bánh tẻ. Dâu thái nhỏ như những sợi thuốc lào, rắc lên nong. Tằm ngửi thấy hơi dâu, bò đến ăn. Vài tiếng đồng hồ sau, người ta khẽ rũ giấy xuống nong. Những chú tằm còn sót lại trên giấy được quét xuống rất nhẹ bằng cái chổi bé xíu làm bằng lông cổ gà sống thiến (…) Những cái buồng vốn kín dáo, lại bỏ không trong những ngày đông giá lạnh, càng lạnh lẽo thêm, nay bắt đầu ấm lên vì hơi tằm, hơi người (…) Ngày rũ ngài nhà nào cũng phải có đĩa xôi, nải chuối, miếng thịt hoặc trịnh trọng hơn thì có con gà, kèm theo cút rượu, thắp tuần nhang cúng tổ nghề tằm, cáo gia tiên nội ngoại phù hộ cho con cháu nối nghề, vào mùa làm ăn phát đạt (…)

Vào mùa tằm, đường làng cứ mờ sáng là nhộn nhịp người đi. Những đôi quang giỏ, sột soạt túm lá chuối khô, áo tơi lá cọ (…) Những cô gái mặc áo sồi nâu non, chít khăn mỏ quạ. Những chàng trai xúng xính trong bộ quần áo đũi còn thơm mùi kén (…) Các cô vừa đi, vừa ghé tai nhau thì thầm, đấm lưng nhau thùm thụp, rúc rích cười (…) Những câu hát ghẹo bay từ ruộng dâu này sang ruộng dâu khác:

“… Ới này! Anh Cả, anh Hai đó ơi…! hờ… ời!... hờ… ời!...
Đừng chê em xấu, em đen…
Em ở đất bãi, em quen dãi dầu…
Cái nón em để đậy dâu
… Chê em má rám mà đau… tơ và… àng!...


Vào mùa tằm, người trong xóm trong làng năng đi lại với nhau hơn. Chủ nhà đun nước trên cái hỏa lò bằng đất nung, pha ấm trà mời khách có chút hương vườn, hoa ngâu, hoa sói (…) Sau tuần trà, chủ nhân cầm cái chổi phất trần khua trước mành để đuổi nhặng vằn, mời khách vào xem tằm nhỏ. Đôi khi khách không vào buồng, chủ nhà vào bóc một mảng tằm ở nong nào đó, luồn qua mành mời khách xem. Người ta gật gù khen cái nước da tằm đẹp, tằm đều nhau (…) Câu chuyện tằm tơ cứ lan từ nhà này sang nhà khác. Tằm nhà nào ăn đẹp, ngủ đẹp, dậy cũng đẹp, tằm nhà nào kẹ, ngủ, dậy không đều, vận đen cả làng đều biết. Tằm càng đẹp, nhà càng đông khách tới thăm. Chủ khách xòe tay bấm đốt tính tuổi rụng lông, ăn mốt, ăn hai, ăn ba rồi ngủ rỗi, ngày tằm chín mà trao đổi, vay mượn, san sẻ giúp nhau mớ dâu, cho nhau mượn cái nong, mớ tua (bòng bong). Tằm nhà nào đói ăn, xóm giềng sẵn sàng đi hái dâu giúp (…) “Tằm đói một bữa bằng người đói nửa năm”, “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” (…) Những ngày tằm đang ăn rỗi, người có thể ăn đói, rau cháo, nhưng tằm cứ phải ngày đêm sáu bữa no dâu (…) Các cụ già không gọi đó là “con tằm”. Các cụ thường nhắc nhở con cháu phải gọi là “cô tằm, cậu tằm” (…)

Những buồng tằm sắp chín ngay từ chiều hôm trước đã phải nhờ người “dấp” né. Những chàng trai khéo tay, thạo nghề được mời đến gỡ những bối bòng bong bằng dây củ từ từ vụ đông đã được ngâm, đập rũ trắng bong, cuộn thành từng bó. Những bó bòng bong được gỡ ra, gỡ rất tơi, để tằm có nhiều chỗ chui vào làm tổ. Bòng bong trải trên mặt né, cài xung quanh mép vuông vắn rồi lấy xiên tre đã vót sẵn mà gài lại (…)

Ngày tằm chín, chủ nhà dậy từ ba giờ sáng “băng” bữa dâu rất mỏng cuối cùng. Người già đánh thức con cháu dậy đun nước, pha những ấm trà đặc biệt, thêm một ấm nước vối, ủ sẵn trong giỏ. Từ mờ đất, người nhà chống gậy đi từng ngõ mời người trong xóm đến nhặt tằm giúp (…) Những nong tằm chín quá đang giục giã người đến nhặt, tằm bò loạn xạ lên cạp nong, quạng tơ, đái bừa lên những lá dâu băng lần cuối. Một đời tằm, đến ngày chín mới “đi tiểu” một lần. Chúng thải những chất cặn bã cuối cùng ra khỏi thân thể, chỉ còn “tấm lòng son”. Lát nữa, tấm lòng son ấy sẽ nhả ra thành sợi tơ vàng, trả ơn cho người chăn nuôi chúng trong hai mươi mốt ngày đời. Những né tằm cuối cùng được dựng lên, bà con xóm giềng rửa tay, có nắm lá chanh, chủ nhà đã thả trong chậu nước. Mọi người xát lá chanh cho thơm tay, rồi ăn với nhau miếng trầu, uống với nhau chén trà đặc keo và thơm tho cái tình làng nghĩa xóm (…)

Ngày nhặt kén là ngày vui nhất (…) Đêm qua, ông chủ thức trắng, đốt lửa sấy tằm, sấy kén (…) bà chủ đã giúi vào túi cho cút rượu (…) Đến khuya ông nung viên gạch đỏ lên trong bếp than, nhặt những con tằm “sùn” rơi dưới chân né, rắc lên gạch, tằm phồng lên, nổ đánh bép một tiếng, rồi khô lại, giòn tan. Ông chủ gắp tằm nướng, nhắm với rượu ngang cho đỡ cơn buồn ngủ (…) Gần sáng, ông áp tai vào né kén, lắng nghe: đã hết tiếng rì rào phát ra do tằm nhả tơ, coi như mọi việc đã xong xuôi. Ông trải chiếu ngay cạnh bếp than sắp tàn, kiếm giấc chiêm bao (…) Bà chủ mở hòm lấy ra cái áo lụa nõn, vấn cái khăn nhung lên đầu. khoác cái áo vải rồng, thắt vạt, cắp rổ xách làn đi chợ. Và vừa đi vừa tính nhẩm, nhớ lại những người nhặt tằm hộ ngày hôm qua, xem hết mấy mâm (…) Như đã hẹn từ mấy hôm trước, những ông trùm kén, bà lái tơ từ đất Kinh Bắc, Sơn Nam có mặt ngay từ sáng (…) Tay nải lủng lẳng đầu đòn gánh, bên trong là cái cân quan năm, nằm trong vỏ như cái hộp đàn vĩ cầm nhỏ xíu (…) Gần trưa, trẻ con nhà chủ đi “tái thỉnh” những người đã nhặt tằm hộ (…) Kén nhặt xong, trời đã xế chiều. Những ông trùm bà lái mở cân cùng chủ nhà đọ cân và nhận kén chia phần (…) Những chàng trai, cô gái đến nhặt kén lại gặp nhau bên chậu nước lá chanh (…) rửa tay chung (…) giằng nhau cái lá chanh để có cớ nắm tay nhau, bấm ngầm tay nhau trong nước. Bóng họ chụm đầu trong chiếc thau đồng, miệng cười sóng sánh quyện lấy nhau: “Bao giờ tằm nhà anh đến ngày?” - “Ứ… ừ, u em chẳng cho đi đâu!”… - “Anh bảo u anh sang nói” - “Có mà dám bảo…”. Họ còn nói với nhau những gì nữa. Tiếng họ thì thầm, nhỏ đến nỗi chỉ có ông mặt trời len vào đáy nước chậu thau, cùng với bóng hai mặt người chụm lại, là nghe được. Nhưng mặt trời không nói, mặt trời mỉm cười với họ…


(Trong tập
Sông Hồng và làng bãi, nxb. Phụ Nữ, Hà Nội, 2009)