Thư tuyệt mệnh / 3 chiến sĩ trung đoàn Bình Giã




Trong tác phẩm Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm (nxb Quân Đội Nhân Dân, 2005), cố Thượng tướng Trần Văn Trà kể:

Vào mùa xuân năm 1984, trong một chuyến khảo sát để quy hoạch cơ sở sản xuất, đoàn cán bộ nông trường Giải Phóng thuộc tỉnh Sông Bé (nay thuộc Bình Dương) do đồng chí Nhân (nguyên cán bộ trung đoàn Bình Giã) dẫn đầu đã ngược sông Đồng Nai lên tới thượng nguồn. Trong một vùng đồi có rừng nguyên sinh họ đã xúc động, bàng hoàng trước một cảnh tượng rất đỗi thiêng liêng: Trên ba chiếc võng dù cột chung đầu vào một thân cây là ba bộ hài cốt chiến sĩ Quân Giải phóng. Cạnh mỗi bộ hài cốt là một khẩu AK han rỉ, một đôi dép cao-su. Bí ẩn nhanh chóng được “giải mã” bởi một bức thư bọc gói kỹ càng trong ni-lông và cột chặt ở đầu võng (…)

Những người viết tự giới thiệu: “Chúng tôi: 1. Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; 2. Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; 3. Trần Viết Dũng, quê thành phố Sài Gòn, là chiến sĩ thuộc tiểu đội 1, trung đội Ký Con, trung đoàn Bình Giã, Quân Giải phóng Miền Nam…” (…)

Những dòng thư đưa người đọc trở lại với một sự kiện lịch sử (…) Tháng 2 năm 1966, trung đoàn Bình Giã cùng một số đơn vị khác thuộc Bộ Tư lệnh Miền tập kích một lực lượng lớn quân Mỹ ở vùng Bông Trang – Nhà Đỏ (Thủ Dầu Một) (…) Trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội trong đó có các anh Vũ, Chí, Dũng, được giao công tác nghi binh, đánh lạc hướng địch, để trung đoàn trở về an toàn (…)

Mười một chiến sĩ đã làm tròn nhiệm vụ (…) Tám người hy sinh (…) Ba người còn lại bị thương (…) Sau những ngày “đói quay đói quắt (…) khát như khô cháy cả ruột gan”, họ tới cánh rừng này (…) Sức đã kiệt (…) các anh quyết định dừng lại và chọn khu rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghỉ cuối cùng (…)

“Quyết định rồi, chúng tôi thấy khoan khoái lạ thường. Sáng suốt hẳn lên (…) Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã từng sống mãnh liệt mà thư thái với công việc mình làm (…)”.

Ba chiến sĩ – người yếu cầm bút trước – dồn chút sức lực còn lại viết (…) những dòng lưu bút (…) Người cuối cùng là Trần Viết Dũng (…)

“Chúng tôi cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này (…) Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi (…) đã hoàn thành nhiệm vụ (…) mong được ghi nhận (…) từng sống, chiến đấu và chết (…) như trăm ngàn (…) người Việt Nam chân chính (…) cho Tổ quốc và dân tộc sống còn (…)

Nếu lá thư này được về với đồng đội (…) trong trung đoàn BG hay đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên (…)

(Nếu) chúng tôi được phát hiện muộn hơn, sau 5 năm, 10 năm (…) thì xin (…) gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa (…)

Mùa xuân giữa rừng miền đông Nam bộ.

Vũ - Chí - Dũng”.


(Nguồn: trang
tienphong.vn)








___________
Trung đoàn Bình Giã là trung đoàn 1 trong sư đoàn 9, được mang biệt danh từ sau chiến thắng Bình Giã vào cuối năm 1964.