Lũ không chỉ chở cát, mà chở cả vô số hạt giống của cây rừng già xuống tận miền xuôi. “Những loại rau láo nháo” làm nên bát canh ngọt ngào cho người quê bãi có thể chỉ là rau mọc ven sông gần thôi, nhưng biết đâu chẳng là rau từ rừng xa thăm thẳm… Cũng từ rất xa bay tới đáp xuống bãi non là những loài chim thiên di… Rồi với “ta”, “gương mặt của những cô gái hôm nay trên bãi” lại “tưởng như (…) ánh mắt, nụ cười của những nàng tiên” thời công chúa Tiên Dung… Mang trên mình hay gợi được những cái vời vợi trong không gian, thời gian, non như bãi non thật đáng nên non! (Thu Tứ)



Thanh Hào, “Bãi non”




Người quê bãi thường bảo rằng: Đời một cánh bãi cũng như đời một con người. Cánh bãi không (…) mãi mãi như những cánh đồng (…) Có những cánh bãi (…) trăm năm tuổi (…) có cánh dăm ba chục năm (…) có cánh chỉ vài ba năm (…) thậm chí có những cánh bãi chỉ đậu lại như một con thuyền mắc cạn, qua một vụ nước lũ (…) chỉ còn đọng lại trong trí nhớ “áng chừng” (…) Những cánh bãi như vậy, người đất bãi gọi là “bãi non” (…)

Bãi non bao giờ cũng nổi muộn, vào cuối mùa lũ, khi trời sang thu. Chính vì vậy bãi non không canh tác được hoa màu. Nhưng lại là mảnh đất của tuổi thơ quê bãi (…) Bao nhiêu loài chim lạ, chim quen (…) Sếu, giang, ngỗng trời có quê hương xa xôi (…) mòng két, le le, vịt trời từ những vùng chiêm trũng tìm đến (…) khi cánh bãi hãy còn ngập trong nước lờ mờ (…) của những con lũ cuối mùa (…) Chúng là những con chim “báo bãi” cho những con thuyền xuôi, ngược (…) chớ đi vào mà mắc cạn (…) Khi bãi đã nổi lên rồi, chỉ vài tháng sau là những loài cây dại, cây khôn, những con cháu, chút chít của rừng già thi nhau mọc, mang lại cái màu xanh đầy quyến rũ (…) Có rau rêu, rau dền, tô muối, rau má, rau dền cơm và nhiều những loại rau láo nháo, cho những bữa canh ngọt ngào (…) Có rau khúc nếp, khúc tẻ cho những bữa bánh ăn trừ cơm đầy thích thú (…) Ở đấy còn là vườn thuốc nam với những (…) hương nhu, tía tô, kinh giới, ngải cứu, nhọ nồi, cam thảo đất, ké đầu ngựa, cỏ sữa (…)

Bãi non còn là sân bóng của mùa bưởi xanh rụng (…) là nơi thi thả diều, thi tài khoét sáo diều (…) sáo cồng, sáo chiêng kêu rạn vỡ không gian (…) Các cuộc vui kết thúc bằng một đợt ùa xuống sông tắm (…) Những đứa trẻ lặn hụp, té nước nhau trắng xóa cả một khúc sông (…) thi nhau ngậm nước phun về phía mặt trời để qua làn bụi nước thấy hiện ra những chiếc cầu vồng (…)

Những đêm trăng sáng, bãi non là thiên đường của các đôi trai gái (…) Lũ chim choi choi, sơn ca, sẻ đồng đang ấp trứng, phủ cánh lên nhau trong ổ, dưới những gốc cây chiêng chiêng, cỏ bói, lau non và khóm sậy (…) Những đôi lứa lảo đảo đi bên nhau làm chúng giật mình, vụt bay lên, vỗ cánh phành phạch, kêu thảng thốt (…) Họ có thể nên vợ nên chồng (…) Cũng có những trường hợp tan vỡ, để lại hậu quả (…) Và (…) trong làng sinh lời bóng gió: “Làng ta lại mới nổi bãi non” (…)

*

Sông Hồng là con sông Cái nên bãi sông Hồng (…) nhiều những huyền thoại tình yêu (…) Phải chăng nàng Tiên Dung với Chử Đồng Tử xưa cũng gặp nhau trên bãi non? (…)

Ta đi dọc ven bờ sông Cái (…) cát non mát rượi dưới gan bàn chân (…) tưởng như gặp lại ánh mắt, nụ cười của những nàng tiên xưa trên gương mặt của những cô gái hôm nay trên bãi (…) Bãi non (…) là những gì mới mẻ nhất, non trẻ nhất, tinh khiết nhất, được sinh ra sau cơn vật vã của mùa lũ (…)


(Trong tập
Sông Hồng và làng bãi, nxb. Phụ Nữ, Hà Nội, 2009)