“Tình quê trong thơ Đường”




Quê, ai xa chẳng nhớ. Nếu đất nước đang thái bình, quê vô sự, thì chỉ có nhớ thôi. Còn nếu đất nước đang cơn binh lửa, quê có thể gặp chuyện chẳng lành, thì chồng lên nhớ là lo. Trong trường hợp chuyện chẳng lành đã thực sự xảy ra thì tất nhiên quyện vào nhớ sẽ là buồn, thương…

Ở bên Tàu đời Đường, nhớ quê rất nhiều lần “nên thơ”. Sau đây là bốn bài của Hạ Tri Chương, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, và Liễu Tông Nguyên.

Hạ Tri Chương (659-744) mất trước loạn An Sử (755-763) nên thơ không chứa lo lắng buồn thương chi cả. Nhớ theo nghĩa thường thì cũng không, vì thơ làm khi đã về quê. Nhưng hiểu rộng hơn thì đây cũng có một nỗi niềm, bởi thi sĩ đi xa lâu quá, cái quê xưa với bao nhiêu người quen kẻ biết đã mất rồi, nhớ nó quá đi thôi…

Lý Bạch (701-762) thời trẻ đi chơi khắp nơi, hơn bốn mươi tuổi mới bắt đầu vào kinh làm quan, làm chưa đầy ba năm đã thôi làm, trở lại ngao du sơn thủy… Tính đến cái đêm thanh vắng có trăng rọi sát bên giường, người du tử chuyên nghiệp xa nhà đã bao nhiêu năm rồi nhỉ? Đâu đó trong tỉnh Tứ Xuyên, không biết có còn ai trông trăng mà nhớ vắng ai?...

Đỗ Phủ (712-770) là một nạn nhân trực tiếp của Loạn, dĩ nhiên đã sáng tác nhiều thơ với nội dung là tình cảm hết sức tha thiết hướng về chân trời cũ. Quê lần trước về đã buồn lắm, mà từ bấy binh lửa vẫn ngút trời, có được về nữa thì buồn chịu làm sao nổi...

Bạch Cư Dị (772-846) sinh sau biến động lịch sử, nhưng cũng được nếm mùi loạn lạc, thêm mùi nạn đói. Một gia đình tan thành năm mảnh, ở năm nơi. Đêm trăng, một người nhớ thương quê, biết anh em mình cũng đang, bèn thơ lên thay cho tất cả…

Liễu Tông Nguyên (773-819) không cho biết quê mình có làm sao không. Nhưng cái nỗi đau đáu đây thật là ác. Giá nó không chỉ cắt ruột mà cắt luôn thân ra thành vô số mình để mỗi mình đứng trên một đầu núi mà cùng trông về…, mới may ra đỡ nhớ!


“Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương

Hình dung một cụ lạ hoắc bỗng nhiên xuất hiện ở đầu làng. Trẻ làng lạ cụ, mà có lẽ chính cụ thì đang bỡ ngỡ trước cái chỗ vốn thật quen. “Ngước mắt trông lên trời cũng lạ, làng ai đây chứ phải làng tôi”!(1) Chính nó đấy cụ ơi, sau bao nhiêu nước chảy qua cầu. Thôi, “giọng quê” đã về thì cứ chống gậy đi tìm khắp nơi đi, rồi sẽ gặp lại nhiều ít quê mà...

Nguyên văn

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.


Dịch nghĩa

Xa quê từ bé, già mới trở về / Giọng quê không đổi, chỉ tóc tai xơ xác / Trẻ con thấy không biết là người làng / Cười hỏi khách từ đâu đến.

Dịch thơ

Bản 1:

Bé đi, lụ khụ mới về
Người còn, tóc mất, giọng quê đậm đà
Trẻ làng trông ngỡ khách xa
Vỗ tay xúm hỏi ông nhà mãi đâu?


Bản 2:

Tóc râu còn chỉ lơ thơ
Giọng quê vẫn đậm, tôi xưa đây mà!
Trẻ làng lạ mặt cụ già
Ông ơi, cho cháu hỏi nhà ông đâu?


Bản dịch thơ khác

Bé đi, già mới về nhà
Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa
Trẻ con trông thấy hững hờ
Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao?
(Trần Trọng Kim)

Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?
(Phạm Sĩ Vĩ)

Trẻ đi già trở lại nhà
Giọng quê không đổi sương pha mái đầu
Gặp nhau mà chẳng biết nhau
Trẻ cười hỏi: Khách từ đâu đến làng?
(Trần Trọng San)


“Tĩnh dạ tư” của Lý Bạch

Ánh trăng rọi qua cửa thành một vùng trăng trắng trước giường, nhà thơ có lẽ vừa tỉnh dậy, còn mơ màng, nên ngỡ là sương. Ngỡ thoáng thôi, rồi biết là ánh trăng, rồi ngồi dậy ngẩng đầu nhìn trăng, rồi cúi đầu nhìn vào... lòng mình!

Nguyên văn

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Ðê đầu tư cố hương.


Dịch nghĩa

Trước giường trăng sáng soi / Ngỡ sương phủ mặt đất / Ngẩng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ quê xưa.

Dịch thơ

Bản 1:

Trước giường bàng bạc màu trăng
Mơ màng lại ngỡ sương giăng la đà
Ngửng đầu: trăng sáng trời xa
Cúi đầu, chạnh nhớ cảnh nhà, quê xưa.


Bản 2:

Trước giường bay một vùng trăng
Dở mê những tưởng sương giăng giữa nhà!
Ngửng trông vằng vặc trời xa
Cúi nghe niềm nhớ chực òa trong tim...


Bản 3:

Sáng trăng soi tận bên giường
Nửa mê nửa tỉnh ngỡ sương vào nhà
Ngửng đầu: trăng sáng đây mà
Cúi đầu, tê tái, quê nhà, bao năm…


Bản 4:

Đầu giường trăng sáng soi
Cứ ngỡ chỉ sương thôi
Ngửng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu, nhớ quê ơi.


Bản 5:

Đầu giường sáng mờ mờ
Chắc là sương đây mà
Ngửng đầu nhìn trăng mới
Cúi đầu nhớ trăng xưa.


Bản 6:

Đầu giường soi ánh trăng tà
Mắt chưa kịp giụi, ngỡ là sương thôi
Ngửng trông vằng vặc trăng trời
Cúi trông tận đáy lòng người xa quê!


Bản dịch thơ khác

Ðầu giường chợt thấy bóng trăng
Mập mờ trên đất, ngỡ rằng sương sa
Ngửng đầu trông vẻ gương nga
Cúi đầu luống những nhớ nhà băn khoăn.
(Trần Trọng Kim)


“Phục sầu” của Đỗ Phủ

Chiến tranh chưa dứt, buồn dài dài... Lần trước về còn gặp người quen, chứ lần này nếu lại được thăm vườn cũ, e chỉ gặp toàn bỡ ngỡ!

Nguyên văn

Vạn quốc thượng nhung mã
Cố viên kim nhược hà
Tích qui tương thức thiểu
Tảo dĩ chiến trường đa.


Dịch nghĩa

Các nước vẫn còn đánh nhau / Vườn cũ không biết nay ra sao / Lần trước về đã thấy thưa người quen / Vì đa số phải tòng quân lâu rồi.(2)

Dịch thơ

Bản 1:

Bốn phương khói lửa mịt mờ
Quê nhà chẳng biết bây giờ ra sao
Xưa về đã chẳng còn bao
Người quen, chinh chiến hớt hao lâu rồi…


Bản 2:

Bốn phương khói ngất lửa bùng
Tin quê chẳng có phập phồng nôn nao
Xưa về, gọi có quen nhau
Mười người chín đã ra lâu chiến trường…


Bản 3:

Binh đao mãi vẫn chưa qua
Ngày trông đêm ngóng vào ra thẫn thờ
Quê tôi rỗng tự bao giờ!
Xưa về, cố cựu đã thưa lắm rồi…


Bản dịch thơ khác

Binh nhung muôn nước nôn nao
Quê hương biết đã ra sao đó rồi
Xưa về quen biết mấy ai
Hay đâu sớm đã hóa nơi chiến trường.
(Trần Trọng Kim)

Khắp nước còn binh lửa
Ra sao giờ cố hương?
Xưa về bè bạn vắng
Đây sớm thành chiến trường.
(Tế Hanh)

Vạn nước lo phòng giặc
Vườn xưa giờ ra sao?
Xưa về quen biết ít
Nhiều kẻ bận binh đao.
(Phan Ngọc)

Nơi nơi lo phòng giặc
Quê cũ nay ra sao?
Trước về, người quen vắng
Chiến trường đi từ lâu.
(Phạm Doanh)


“Tự Hà Nam kinh loạn…” của Bạch Cư Dị

Cỏ bồng hình như ở Việt Nam không có. Ở vùng tây nam nước Mỹ, có thứ “cỏ ngã nhào” (tumbleweed) mọc thành từng bụi tròn tròn, to cỡ chiếc lồng gà, đến mùa thu thì khô đi rồi chết, hễ có gió mạnh thổi là gãy gốc, lăn lông lốc, hay là “bồng” đó chăng? Dù sao, hơn mười hai thế kỷ trước bên Tàu từng có một đêm sáng trăng không biết mấy đôi mắt ở năm nơi khác nhau cùng trông trăng mà cùng ướt vì cùng như đang thấy một vùng quê rất đỗi tiêu điều…

Nguyên văn

Thời loạn niên hoang thế nghiệp không
Ðệ huynh cơ lữ các tây đông
Ðiền viên liêu lạc can qua hậu
Cốt nhục lưu ly đạo lộ trung
Ðiếu ảnh phân vi thiên lý nhạn
Từ căn tán tác cửu thu bồng
Cộng khan minh nguyệt ưng thùy lệ
Nhất dạ hương tâm ngũ xứ đồng.


Dịch nghĩa

Thời loạn, lại mất mùa, cơ nghiệp không còn gì / Anh em đói cả, bỏ đi khắp đông tây / Vườn ruộng xác xơ sau cơn binh lửa / Ruột thịt trôi nổi trên các nẻo đường / Đáng thương như bóng nhạn nghìn dặm tan tác / Như cỏ bồng tháng chín mùa thu lìa gốc chạy tứ tung / Cùng ngắm trăng sáng mà cùng rơi nước mắt / Một đêm, lòng quê ở năm nơi y như nhau.

Dịch thơ

Loạn to, mùa mất, tan hoang!
Sau cơn binh lửa, đói vàng mắt ra
Còn chi để nối nghiệp nhà
Tha phương cầu thực, cam là phận thôi
Dặm nghìn cái nhạn, thương ơi
Cỏ thu gió bẻ cội rời lốc lông
Trông trăng, lệ ứa đôi dòng
Ðêm này năm chốn một lòng thương quê…


Bản dịch thơ khác

Giặc, đói tràn lan, sản nghiệp không
Anh em trôi giạt nẻo tây đông
Ruộng vườn xơ xác sau cơn loạn
Ruột thịt lìa tan giữa chặng đường
Nghìn dặm lạc đàn thương bóng nhạn
Chín thu lìa gốc thảm thân bồng
Nằm nơi lặng ngẩng nhìn trăng sáng
Một khối tình quê, lệ mấy dòng.
(Phương Đình) (3)

Mùa mất, nhà tan, cảnh chiến trường
Anh em tản mác ở mười phương
Ruộng vườn hoang phế sau thời loạn
Cốt nhục phân ly khắp nẻo đường
Bóng nhạn dặm nghìn chi lối thẳm
Cỏ bồng tháng chín dứt tơ vương
Cùng trông trăng sáng, đều sa lệ
Chốn chốn canh dài nhớ cố hương.
(Bùi Khánh Đản)


“Khán sơn ký thân cố” của Liễu Tông Nguyên

Trông đỉnh núi nhọn, tưởng mũi gươm đang chực “cắt” cho tan nát cái dạ “thu sầu cố hương” cùa mình. Đa cảm dữ. Chưa hết. Còn muốn có phép thần thông như Tôn Hành Giả, nhân ra um sùm mình, mỗi mình bay đậu lên mỗi đỉnh núi mà ngóng quê! Có “thượng nhân” cùng đứng đó, sao không can, lại để kẻ “đồng khán sơn” bi lụy thê thảm vậy? Dù sao, xưa thảm đã nên thơ, ai giờ đang nhớ “hương” muốn chết, có đem ngâm cho đỡ nhớ thì ngâm.

Nguyên văn

Hải bạn tiêm sơn tự kiếm mang
Thu lai xứ xứ cát sầu trường
Nhược vi hóa đắc thân thiên ức
Tán tác phong đầu vọng cố hương.


Dịch nghĩa

Ở bờ biển núi nhọn như những mũi gươm / Thu đến cắt vào lòng buồn của mọi người / Nếu thân này biến được thành nghìn ức / Mỗi thân sẽ đứng mỗi đầu núi ngóng về quê cũ.

Dịch thơ

Bể xanh núi mọc rừng gươm
Như chờ thu tới sầu thương cắt lòng
Thân đơn hóa được trăm nghìn
Mỗi đầu non mỗi đắm nhìn trời xa...


Bản dịch thơ khác

Núi dàn ven biển tựa gươm giương
Khắp chốn thu sang luống đoạn trường
Ví phỏng thân này thành vạn ức
Rải đều muôn núi ngóng quê hương.
(Lê Nguyễn Lưu)



Thu Tứ














___________
“Hồi hương ngẫu thư” nghĩa là “Về quê tình cờ ngồi viết”. “Tĩnh dạ tư” nghĩa là “Nhớ trong đêm vắng”. “Phục sầu” nghĩa là “Lại buồn”. “Tự Hà Nam kinh loạn…” đầy đủ là “Tự Hà Nam kinh loạn, quan nội trở cơ, huynh đệ ly tán, các tại nhất xứ, nhân vọng nguyệt hữu cảm, liêu thư sở hoài, ký thượng Phù Lương đại huynh, Ư Tiềm thất huynh, Ô Giang thập ngũ huynh kiêm thị Phù Ly cập Hạ Khuê đệ muội”, nghĩa là “Sau cơn loạn lạc ở Hà Nam, miền quan nội tắc đường bị đói, anh em tan tác mỗi người một nơi, nhân trông trăng chạnh lòng, tạm viết ra nỗi nhớ của mình, gửi lên anh cả ở Phù Lương, anh bảy ở Ư Tiềm, anh mười lăm ở Ô Giang cùng các em trai em gái ở Phù Ly và Hạ Khuê”. “Khán sơn ký thân cố” đầy đủ là “Dữ Hạo Sơ thượng nhân đồng khán sơn ký Kinh Hoa thân cố”, nghĩa là “Cùng đại sư Hạo Sơ ngắm núi, viết gửi về bà con họ hàng và bạn bè cũ ở Kinh Hoa”.