Thư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gửi từ Miền Nam




Ngày 7-1-1966

(…) Thư trước tôi gửi anh hồi năm ngoái (mới đây thôi, mà đã qua năm rồi), năm nay thêm một tuổi tôi viết bức thư thứ hai. Xa Miền Nam 20 năm nay rồi trở lại, lòng rất xúc động, nhất là khi chân để lên đất quê lần đầu tiên, ban đêm, giữa rừng già có mảnh trăng lưỡi liềm (…) “Đường mòn”. Một đồng chí bảo tôi bụm lấy một bụm đất mà hôn, hoặc nằm xuống mà ôm lấy đất. Nhưng tôi chưa hôn đất, chưa ôm đất, mà tôi cảm thấy cả Miền Nam ôm lấy tôi, hôn tôi. Và từ bấy đến nay, mỗi ngày, mỗi ngày cảm tưởng đó càng sâu sắc. Từng việc, từng việc, từng đồng chí chở ô-tô tôi đi qua những quãng đường dài dằng dặc, cho tới đồng chí đón tôi đưa tôi theo những con đường mòn rậm rạp, nhắc tôi bước qua một cái rãnh, tránh một cành mây tua tủa gai. Từ sự chăm sóc của đồng chí thủ trưởng cơ quan chữa xe đạp giúp tôi, đến đồng chí y tá bôi thuốc đỏ cho tôi những vết vắt cắn, ve đốt, gai cào (…) chăm sóc nhiều lắm, không kể xiết được (…) Hôm nay tôi ngồi trên võng viết thư gởi anh (…) tiếng suối reo, chim hót, thỉnh thoảng quả “cầy” rơi độp xuống mái nhà lợp bằng lá “trung quân”, con ve sầu vút lên một tiếng dài như còi xe lửa xa, những tiếng động hàng ngày ấy không thể làm tôi quên những tiếng cười reo phấn khởi của các đồng chí, các anh chị em lần đầu tiên gặp, hay gặp lại tôi. Đó (tất cả) đã gây cho tôi ấn tượng sâu sắc (…) là Miền Nam ôm lấy tôi, bao bọc che chở tôi. Tiếng máy bay phản lực vẫn gầm gừ trên trời, nhưng tôi thấy nó bất lực làm sao (…) Rồi tôi nghĩ: 20 năm nay mình đã làm gì cho Miền Nam? Tất nhiên là đã có đóng góp chút đỉnh, nhưng chút đỉnh đó có xứng đáng chưa? Có lẽ trong 20 năm ấy mình có thể làm nhiều hơn nữa (…) Nhưng những tiếng bom B-52 ầm ì ở chân trời làm tôi sực nghĩ (…) nhìn lại đằng sau hoài thì mất thì giờ, hãy nhìn về đằng trước, thẳng! (…) Tôi nhớ lại những lời anh Hai, anh Sáu, anh Lành, anh Hà và các đồng chí lãnh đạo trực tiếp dặn dò tỉ mỉ (…) Tôi nhớ lại những lời dặn ân cần ấy, ôn đi, ôn lại (…) Vài hôm nữa, nhân dịp Tết tôi sẽ đi thực tế. Có nắm được tình hình mới bắt tay vào việc được. Khi nào về tôi sẽ lại viết thư nữa (…)

Ngày 2-3-1967

(…) Anh không thể nào tưởng tượng được lòng phấn khởi của anh chị em trong này đã như thế nào khi những sách báo ảnh Miền Bắc vào tới (…) Kể thì hàng ngày Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn phát rất đều nhưng khi có những dòng chữ của những người thân yêu dù nói điều mình đã biết rồi đi nữa, không hiểu sao trái tim vẫn đập mạnh lạ thường. Bọn tôi tưởng tượng các đồng chí Tiểu ban Miền Nam và các Hội phải từ địa điểm sơ tán đi đi về về Thủ đô để chuẩn bị tổ chức những cuộc triển lãm, lo lắng những việc in ấn, rộn rịp trao đổi những phướng hướng sáng tác, nhận xét tác phẩm… Chắc chắn họa sĩ Diệp Minh Châu, Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Huỳnh Văn Gấm… đã lo dán từng tranh treo từng khung sao cho có ánh sáng, sao cho trang trọng. Chắc Diệp Minh Châu đã đỏ mắt gầy người trong những đêm thức nặn tượng bác Tư Trang, chắc các đồng chí công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, các nhà xuất bản, các nhà hát v.v. đã nhiều lần vượt bom đạn dọc đường để về lo (…) anh chị em ở 51 Trần Hưng Đạo bắc ghế đóng đinh treo khẩu hiệu và nấu trà thật ngon (…) Những hình ảnh ấy chỉ tưởng tượng thôi, nhưng ai nấy đều chắc chắn là có thật, và sự thật có lẽ còn rộn rịp và gian khổ hơn nhiều. Vừa rồi lại có điện của đồng chí Ban Tuyên giáo Trung ương thăm hỏi, anh chị em càng cảm động. Địch có càn quét bao nhiêu, anh chị em vẫn vững và càng vững hơn khi có lời hỏi thăm từ Miền Bắc yêu quý (…) Bài thơ của Bác Hồ là một nguồn cảm hứng vô tận cho anh chị em trong này (…) Các em nhạc sĩ (…) thi đua phổ nhạc (…) .

Ngày 10-7-1967

(…) Đài Phát thanh Giải phóng đã dạy hát, thật là một nguồn vui lớn, Miền Nam chờ đợi từ lâu. Vui làm sao khi giữa rừng trưa chủ nhật, thanh niên nam nữ xúm xít quanh Đài học hát (…) Biết diễn làm sao cảm xúc của những người nghe Đài Giải phóng (…) Về những ý anh Lành dặn dò, bọn tôi có thư báo chính thức gửi anh Lành kỳ này. Nói chung thì nhất trí tất cả, chỉ báo cáo thêm một số trở ngại khách quan (…) Về văn, điện ảnh, họa, anh Bổng sẽ báo cáo. Riêng về kịch mỗi khu cần một đạo diễn để xây dựng ngành đồng thời giúp nâng cao cải lương hoặc tuồng và bài chòi. Địa bàn phân tán bao nhiêu đi nữa ngành múa rối vẫn thích hợp. Vì vậy đề nghị cho hai cán bộ múa rối (…) nếu biết nhạc thì hay nhưng cần trước hết là nghề nghiệp múa rối sử dụng kịch nói. Vì nếu múa rối lại đèo thêm dàn nhạc (…) thì bị mâu thuẫn với yêu cầu gọn nhẹ, thích hợp với hoàn cảnh phân tán (đến mức năm, sáu khán giả một hầm) (…) Múa rối là rất cần thiết cho thiếu nhi hiện nay đóng góp rất nhiều mà lại bị thiệt thòi rất nhiều (…)

Ngày 25-8-1968

(…) Đội xung kích của Đoàn Văn công Giải phóng sắp về (…) Nhân dịp Đoàn sắp đi các nước, bọn tôi xin đặt vấn đề kết nghĩa giữa văn công ta và văn công Trung Quốc, Triều Tiên (…) vừa có tác dụng động viên nhau, vừa có thể bạn giúp đỡ trang bị cho ta, anh xem có được không? (…) Tin về anh Nguyễn Chí Thanh rất đột ngột, anh chị em rất thương xót (…)