“… trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).



Trí thức yêu nước Nguyễn Văn Huyên (1905-1975)








Trí thức yêu nước Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16-11-1905 tại Hà Nội (…) Cha ông là công chức trong chính quyền thuộc địa Pháp (…) Chị ông là Nguyễn Thị Mão làm vợ Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại (…) Năm 1936 ông kết hôn với cô Vi Kim Ngọc, con gái Tổng đốc Thái bình Vi Văn Định (…)

Năm 18 tuổi (…) đi Pháp du học (…) tốt nghiệp cử nhân Văn khoa năm 1929, cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne (…) Năm 1934 tốt nghiệp tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne (…)

Năm 1935 (…) trở về nước, khước từ làm quan, dạy học tại trường Bưởi (…) Năm 1938 (…) chuyển sang nghiên cứu tại trường Viễn Đông Bác Cổ (…)

Trong Cách mạng tháng Tám (…) là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô ký bức điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị (…) Sau khi Cách mạng thành công (…) giữ chức Giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc Viện Bác cổ (…) Tháng 11-1946 (…) bắt đầu làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục) (và) giữ chức vụ này cho đến khi mất vào tháng 10 năm 1975.

Học giả Nguyễn Văn Huyên được xem là người đã cùng học giả Đào Duy Anh đặt nền móng cho việc nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam (…)

Trong bài diễn văn của ông đọc vào dịp khai giảng năm học đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15-11-1945 có câu: “Dân tộc chúng tôi là một dân tộc (…) đã tự xây dựng nên một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái bình dương này”.

Năm 1946 học giả Nguyễn Văn Huyên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Trong một lá thư gửi về nhà của ông có đoạn sau đây:

“Huyên (…) cũng thừa thấy là làm thiệt thòi cho vợ và các con nhiều. Song như Ngọc nói đây là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài hai chục năm thở vắn than dài (…) Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút lợi riêng thì còn lúc nào nữa nhỉ? (…) Tương lai là ở chúng ta cả, chúng ta phải cố. Xưa cổ nhân tin là năm trăm năm rồng mới mở miệng một lần, tương lai của Tổ quốc chúng ta không biết bao giờ mới lại có dịp như ngày nay (…) Chúng ta nếu muốn làm giầu thì không có gì là khó. Nhưng chúng ta (góp sức mình) gây cái hạnh phúc chung (…) thì tốt đẹp biết chừng nào (…) Cùng nhau ngậm hờn nuốt tủi trong bấy nhiêu năm, ngồi ăn những bữa cơm mà khách là kẻ cừu (…) Huyên trong bao năm chí hăng hái của tuổi trẻ không hề phai nhạt”.


(Theo trang
wiki.edu.vn, ngoại trừ đoạn thư riêng là trích từ Hồi ức về cha tôi của Nguyễn Kim Hạnh. Những chỗ in đậm đều do người trích.)