Nếu như ở Đăk Tô - Tân Cảnh cuối năm 1967 phía Việt Nam đã chủ động mở chiến dịch trước, thì lần này phía Mỹ đã khởi động chiến sự. Nhưng rồi diễn biến cũng y như vậy. Phía Việt Nam lại đưa quân Mỹ tới một chỗ rừng núi hiểm trở, xong sử dụng cách đánh vận động tiến công kết hợp chốt mà tiêu diệt. Quân Mỹ lại nhờ có hỏa lực yểm trợ cực kỳ mạnh mà rút cuộc chiếm được một mục tiêu vô giá trị.

Có cái thắng dẫn tới bỏ cuộc và có cái thua dẫn tới toàn thắng.



Trận đồi A Bia (Thừa Thiên) (10-20/5/1969)




Đồi Thịt Băm là nơi xảy ra một trận đánh ác liệt và gây nhiều tranh cãi trong Chiến tranh Việt Nam. Được quân đội gọi là đồi 937 (độ cao của nó tính bằng mét), cái đỉnh cao lẻ loi này nằm trong vùng rừng rậm bao quanh thung lũng A Sầu, cách biên giới Việt - Lào khoảng một dặm (gần 2 cây số).

Người Việt Nam gọi đây là đồi A Bia. Mặc dầu nó không có giá trị chiến thuật thực sự, chiếm cho được nó đã là một phần của Chiến dịch Apache Snow càn quét thung lũng A Sầu. Mục đích của chiến dịch này là cắt đứt đường xâm nhập của địch từ Lào và triệt tiêu mối đe dọa đối với Huế và Đà Nẵng.

Dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng Melvin Zais, tư lệnh Sư đoàn Không kỵ 101, ngày 10-5-1969 quân ta bắt đầu đụng độ với một trung đoàn địch trên sườn đồi này. Từ những vị trí được chuẩn bị kỹ, địch quân đã đẩy lui được cuộc tiến công đầu tiên của quân ta. Sau khi bị tổn thất đáng kể, quân ta rút lui.

Trận chiến ác liệt trên đồi kéo dài suốt 10 ngày với những đợt oanh kích và pháo kích dữ dội và 10 đợt tiến công của quân ta. Có những đợt đã tiến hành trong mưa bão nhiệt đới rất to giảm tầm nhìn xuống gần số không.

Do giao chiến kịch liệt và tổn thất cao, một số nhà báo chuyên theo dõi Chiến tranh Việt Nam đã gọi quả đồi này là đồi Thịt Băm. Khi nói chuyện với một phóng viên, trung sĩ James Spears tâm sự: “Bạn đã bao giờ vào bên trong một cái máy làm thịt băm chưa? Chúng tôi vừa bị cắt vụn ra bởi hỏa lực súng máy cực kỳ chính xác”.

Vào ngày 20-5, tướng Zais đưa thêm hai tiểu đoàn không kỵ và một tiểu đoàn quân VNCH đến tăng viện cho những chiến sĩ đang mỗi lúc mỗi bất bình của ông.

Một chiến sĩ đã tham gia chín trong số mười đợt tiến công đồi Thịt Băm nói: “Tôi đã mất cả đống bạn bè trên đó. Không còn bao nhiêu người có thể chịu đựng lâu hơn nhiều nữa đâu”.

Rút cuộc, trong đợt tiến công thứ 11 tiến hành ngày 20 tháng 5, quân ta và quân VNCH đã lên được tới đỉnh ngọn đồi này, chiếm lĩnh nó. Lực lượng địch rút qua nơi trú ẩn bên Lào.

Vào ngày 5 tháng 6 - chỉ nửa tháng sau chiến thắng đầy khó khăn - quân ta bỏ đồi A Bia bởi nó thực ra không có giá trị gì cả. Địch trở lại đó khoảng một tháng sau.

Các báo cáo về tổn thất khác nhau. Ta cho rằng chừng 630 tay súng địch đã bị giết, còn phía mình thì 72 chết, 372 bị thương.

Trận chiến đẫm máu trên đồi Thịt Băm với chiến thắng phù du đã dẫn tới một cơn “bão lửa” chỉ trích từ những người phản chiến tích cực.

Ở Thượng viện, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy bày tỏ khinh bỉ đối với chiến thuật quân sự của chính quyền Nixon. Kennedy lên án trận đánh ấy là “ngu dại và vô trách nhiệm”. Đại tướng Creighton Abrams, tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam, sau đó đã nhận được lệnh phải tránh để xảy ra những cuộc đụng độ trên bộ ác liệt như vậy.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều đồng ý rằng đồi Thịt Băm đã là một nỗ lực uổng phí. Về những lời chỉ trích các cấp chỉ huy quân đội, thiếu tướng Zais nói: “Họ làm như đây là một thảm họa cho quân ta. Theo tôi, nó là một chiến thắng huy hoàng”.


(Dịch bài viết “Ngày này trong lịch sử” trên trang
history.com)