Thanh Hào cho rằng khói sóng không phải là sương buông xuống, cũng không phải là hơi nước bốc lên. Ông bảo: “Những con sóng va vào nhau (tạo ra) những bụi nước nhỏ li ti (rồi) bụi nước lại va vào bụi nước, tan ra (…) trở thành một thứ khói”. Nghe không thuyết phục lắm, bởi sóng mấy khi va vào nhau, nhất là khi “gió sông nhè nhẹ, chỉ đủ sức gây nên những con sóng lăn tăn”… Nhưng khói sóng là gì thì có quan trọng gì đâu. Cái điều đáng nhớ đây là mỗi khi thấy nó, ta như thấy lại một hình bóng cũ nay đang ở một nơi rất xa xôi nào… (Thu Tứ)



Thanh Hào, “Khói sóng”




Sóng cũng có khói ư? (...)

“… Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”(1) (…)

“… Chẳng say chén rượu Tầm Dương
Khỏi sao sóng khói sầu thương chết người”(2) (…)

Hình như chỉ khi nào trong lòng có một tâm sự buồn, người ta mới nhận ra trên sông có khói sóng. Đó là một thứ khói liu riu, mờ ảo, như có lại như không (…)

Có một buổi chiều mùa thu, nhà thơ Quang Dũng và tôi ngồi bên bờ sông Hồng, nơi quê tôi. Trời quang mây, gió heo may nhẹ thổi dọc theo dòng sông. Chúng tôi nhìn thấy cả núi Ba Vì (…) Quang Dũng đọc bài thơ “Sông thu tiễn khách” của Bạch Cư Dị do cụ Tản Đà dịch. Đọc xong, Quang Dũng chợt buồn, nỗi buồn lan sang tôi (…) Chúng tôi nói chuyện với nhau về thân thế, sự nghiệp của những người làm thơ xưa và nay, những tài năng không gặp may mắn trong cuộc đời (…) Quang Dũng chỉ tay về bờ bên kia sông, một con thuyền đang chơi vơi, mờ mờ trên sóng nước. Anh hỏi tôi: “Chú có nhận ra con thuyền đang đi như một ảo ảnh không?”. Quả vậy, con thuyền đang chìm trong khói sóng (…) Hoàng hôn đang buông mờ dần màu xanh của núi Ba Vì (…)

Chiều nay, sau khi đi dự buổi kỷ niệm mười năm ngày mất của Quang Dũng về, tôi lại ra nơi ghềnh đá bên bờ sông tưởng nhớ đến anh. Tôi hình dung ra hình ảnh Quang Dũng đang ngồi bên tôi, tay chỉ về phía núi Ba Vì. Bóng núi nhòa dần (…) Khói sóng hoàng hôn…


Tháng 10-1998






__________
(1) Trong bài thơ “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu, bản dịch Tản Đà.
(2) Trong bài thơ “Thu giang tống khách” của Bạch Cư Dị, bản dịch Tản Đà.