Lúc đầu, văn hóa ta đa dạng chỉ do chênh lệch cao độ. Khi Tổ quốc mở xa về phía nam, nó trở nên đa dạng cả do chênh lệch vĩ độ. Những chiếc xương sườn đâm ra tận Biển Ðông của bộ xương Trường Sơn không cản trở thống nhất kinh tế vả chính trị, mà giúp tạo nên nhiều sắc thái địa phương trong văn hóa Việt Nam ở miền xuôi. Một phần do những đèo “ngang”, cùng người Kinh mà văn hóa tỉnh này phân biệt với văn hóa tỉnh khác khá rõ. Nhưng sự phân biệt không chia rẽ dân tộc. (Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Địa lý thuận lợi...”




Lãnh thổ nước ta là (...) một đơn vị địa lý (...) được cấu tạo trên sự phân biệt và sự phối hợp của hai miền đối nhau, miền đồng bằng chạy dài theo dọc biển do những sông lớn phát nguyên từ dải núi xương sống bồi thành, và miền núi cao chạy dài theo triền phía đông của dải núi xương sống và liên tiếp với miền đồng bằng do một dải trung du gồm những đồi và đất cao chân núi; sự phân biệt và sự phối hợp giữa hai miền như thế là điều kiện rất thuận lợi cho việc thành lập một khu vực kinh tế hoàn chỉnh với những nguồn tài sản và những ngành sản xuất khác nhau mà bổ sung lẫn nhau, do đó cũng là điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất chính trị, tức sự kiến lập của nhà nước thống nhất, mặc dầu về điều kiện cư dân thì những miền cao độ khác nhau như trên đã quy định sự tồn tại bên cạnh nhau của nhiều chủng tộc và dân tộc khác nhau.

(...) lãnh thổ ấy (...) bị chia cắt thành nhiều khu vực cách nhau bởi những nhánh ngang của dải núi xương sống nói trên, nhưng mỗi một khu vực tự nó lại cũng là một khu vực địa lý hoàn chỉnh nhỏ với một dải đồng bằng, một dải núi cao liên tiếp nhau bởi một dải trung du, do đó cũng có thể làm thành một khu vực kinh tế tương đối hoàn chỉnh. Những khu vực nhỏ ấy tuy cách nhau bởi những nhánh núi ngang, nhưng lại thông với nhau dễ dàng bằng những đèo thấp và nhất là bằng đường biển dọc theo bờ, cho nên sự ngăn cách thành nhiều khu vực như thế không những không ngăn trở sự giao thông và do đó sự thống nhất kinh tế và chính trị, mà trái lại lại là điều kiện thuận lợi cho sự ổn định tương đối sớm của lãnh thổ nhà nước và cho sự phát triển đều đặn theo từng giai đoạn của lãnh thổ.


(Đào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, viết xong năm 1964, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)