Vừa mừng vừa lo. Mừng vì biết ngành khảo cổ Việt Nam đã lập thành tích rất lớn, mang lên được từ lòng đất một lượng di vật khổng lồ, khai quật theo đúng phương pháp khoa học. Lo vì không biết của vô cùng quý có đang được bảo vệ đúng mức hay không... Gần đây xem trên Mạng thấy có một số lời rao bán di vật Ðông Sơn: thật hay giả, nếu thật thì mua từ đâu? Từ những sưu tập của Tây thời Pháp thuộc hay từ nguồn nào mới hơn?! (Thu Tứ)



“Tìm hiểu Ðông Sơn” (5)

Hoàng Xuân Chinh




Tiếp theo ba năm nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương, việc tìm hiểu văn hóa Ðông Sơn vẫn được đẩy mạnh, nhằm đi sâu tìm hiểu các mặt của văn minh thời dựng nước. Ðó là các vấn đề nông nghiệp, luyện kim và cuộc sống tinh thần của cư dân Ðông Sơn.

Hàng loạt di tích văn hóa Ðông Sơn được khai quật với diện rộng (...) Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật đợt ba di tích Ðông Sơn, khai quật Núi Nấp, Quỳ Chử, Ðồng Ngầm, Ðồng Vừng, Bái Tê, Cồn Cấu (Thanh Hóa), Làng Vạc (Nghệ An), Làng Cả (Vĩnh Phú), Ðường Cồ, Phú Lương, Vinh Quang, Trầm Lộng, Phương Tú (Hà Tây), Bãi Mèn, Chùa Thông (Hà Nội), Yên Từ (Nam Hà). Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội khai quật nhiều đợt ở Ðình Chàng (Hà Nội), Ðồng Mỏm (Nghệ An). Cho đến nay, không kể những nhóm di vật văn hóa Ðông Sơn phát hiện lẻ tẻ, chúng ta đã biết được 125 di tích văn hóa Ðông Sơn, trong đó 65 di chỉ cư trú, 27 di tích vừa cư trú vừa mộ táng, 28 di tích mộ táng và 5 di chỉ xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá. Một phần ba trong số đó đã được khai quật (Phạm Minh Huyền 1993). Ðó là chưa kể hàng trăm di tích Tiền Ðông Sơn được phát hiện ở trên khu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả, góp phần soi sáng nguồn gốc bản địa của văn hóa Ðông Sơn.

(...)

Chỉ trong vài chục năm, từ một di tích Ðông Sơn, chúng ta đã biết tới hàng trăm di tích văn hóa Ðông Sơn và Tiền Ðông Sơn. Số hiện vật thu lượm được lên đến hàng vạn chiếc. Riêng số trống đồng loại I Heger tức trống Ðông Sơn cũng đã lên tới 143 chiếc, chưa kể hơn 100 trống minh khí... (Phạm Minh Huyền 1993). Trong đó có những chiếc trống đẹp, trang trí gần giống trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, như trống Cổ Loa phát hiện năm 1982 và trống Hy Cương phát hiện ở gần Ðền Hùng mới đây.

Tư liệu (...) không những phong phú mà cũng bảo đảm tính khoa học hơn. Các cuộc khai quật đều được tiến hành trên diện rộng, có đầy đủ các bản vẽ bình diện, trắc diện, hiện vật phát hiện đều có lý lịch rõ ràng. Phần lớn các mộ táng đều được phân biệt rạch ròi với tầng văn hóa. Một số di chỉ đã được khai quật gần hết như di tích Thiệu Dương đã đào gần 4000 mét vuông qua ba đợt khai quật, phát hiện khoảng 170 ngôi mộ Ðông Sơn. Ba đợt khai quật di tích Ðông Sơn từ năm 1960 đến 1976 đã đào 3275 mét vuông, phát hiện 276 mộ Ðông Sơn và trước Ðông Sơn cùng vết tích nhà sàn trong tầng văn hóa. Dựa vào quan hệ địa tầng cũng như vật tùy táng, các nhà khảo cổ có thể phân biệt được 168 mộ thuộc giai đoạn trước Ðông Sơn, 32 mộ Ðông Sơn sớm, 52 mộ Ðông Sơn trước khi tiếp xúc với văn hóa Hán và 24 mộ Ðông Sơn đã có sự tiếp xúc với văn hóa Hán.

Khu mộ táng Làng Cả, qua các lần thám sát và hai lần khai quật, tổng số diện tích đào lên tới 6589 mét vuông, phát hiện 311 ngôi mộ Ðông Sơn.

Khu mộ táng Làng Vạc qua ba đợt khai quật và thám sát đã đào 1238 mét vuông. Trong hai đợt khai quật đầu đã phát hiện 248 ngôi mộ Ðông Sơn với các kiểu chôn cất khác nhau như dùng đá hoặc mảnh gốm phủ lên mộ...

(...)

Ngoài các khu mộ trên, các khu mộ Vinh Quang (Hà Tây), Núi Nấp, Quỳ Chử (Thanh Hóa) là những khu mộ huyệt đất hình chữ nhật, chúng ta còn phát hiện hàng loạt khu mộ quan tài hình thuyền trong vùng đồng bằng thấp Bắc bộ như khu mộ Việt Khê (Hải Phòng), La Ðôi (Hải Hưng), Châu Can, Xuân La, Kim Ðường, Minh Ðức, Phú Lương, Phương Tú, Trầm Lộng (Hà Tây), Châu Sơn, Yên Từ (Nam Hà), Phương Nam (Quảng Ninh)... hoặc loại mộ vò ở Làng Vạc, Quỳ Chử, Thiệu Dương, mộ chôn trong thố, thạp ở Thiệu Dương, Vạn Thắng, Ðào Thịnh...

(...)

Với trình độ khảo cổ học trong những thập kỷ cuối thế kỷ này, nhiều phương pháp khoa học tự nhiên đã được áp dụng vào việc nghiên cứu văn hóa Ðông Sơn. Ngoài việc phân tích đồ đồng, đồ gốm bằng phương pháp phân tích si-li-cát, nhiều nhà nghiên cứu còn áp dụng phương pháp quang phổ, phương pháp Rơn-ghen để tìm hiểu thành phần hợp kim đồ đồng Ðông Sơn. Các kết quả cho thấy hợp kim đồng thiếc chì với tỉ lệ thành phần chì cao là một trong những đặc trưng của đồ đồng Ðông Sơn.

Việc xác định niên đại văn hóa Ðông Sơn cũng có những tiến bộ đáng kể. Bên cạnh phương pháp so sánh loại hình hiện vật, phong cách hoa văn, đặc biệt là so sánh với hiện vật Trung Quốc, chúng ta đã tiến hành phân tích C14 ở một số di tích văn hóa Ðông Sơn và Tiền Ðông Sơn.


(Hoàng Xuân Chinh, “Lịch sử phát hiện và nghiên cứu”, tức chương I trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)