Ngô Khắc Tài, “Lúa sạ”




Lúa sạ cho hạt gạo thơm ngon nhưng năng suất thấp (…) Tỉnh An Giang trước đây có 30 ngàn hec-ta lúa sạ nay chỉ còn 30 hec-ta (ở) xã Lương An Trà (…)

Năm lên chín tuổi, tôi có hai chuyến đi với ông nội, một lần vào mùa cày, một lần vào mùa nước, nhờ vậy mà biết thế nào là cánh đồng lớn của tứ giác Long Xuyên.

Hai ông cháu, tôi bơi mũi, ông chèo lái, chiếc xuồng có hai tấm cà rèm che mát. Trong xuồng có đầy đủ nào len, cuốc, gạo, nước mắm, rập bắt chuột v.v… Xuồng thong dong lòn lỏi qua các con rạch, xóm làng vườn tược xanh mát, mệt thì dừng lại đâu đó nghỉ ngơi (…) Cuối cùng cánh đồng hiện ra. Lần đầu tiên đứng trước “nó” tôi cảm thấy có điều gì đó rất lạ, như thể là có tiếng gọi hoang dã vì “nó” quá rộng lớn. Trời đất bao la bát ngát không bóng cây, không bóng người. Xa thật xa có một cái chòi nhỏ nhoi của những chủ đất hiu quạnh cùng với con bò cặm cụi cày ruộng. Gió đồng thổi lồng lộng, tôi giang hai tay ra vừa la hét vừa chạy theo những đường cày bắt chuột. Chim sáo, chim sâu từ đâu bay đến rợp trời theo cái luống cày để bắt côn trùng. Chim như không sợ người. Mấy ngày liền tôi sống chan hòa cùng với thiên nhiên, suốt ngày chạy theo luống cày lượm những con ốc béo tròn, rượt bắt những con chuột béo mỡ hay xuống những khẩu đìa cạn mò cá lóc. Tất cả được đem nướng trong lửa rơm chấm với muối ăn hoang dã nhưng rất ngon không cần những thứ gia vị mang theo. Món tôi mê nhất là trứng chim, chỉ cần đi vẹt mấy bụi lau sậy ra là lượm về đầy nồi.

Lúa sạ không cần chăm sóc, đất cày xong đợi một hai đêm cho lúa giống xuống rồi về. Một tháng sau trở lại, coi chim chuột có phá lúa mọc thưa thớt thì dặm thêm coi như hết việc. Nước lên kéo dài năm tháng rồi rút, lúa bắt đầu chín, người trở vô đồng lo gặt (…)

Tôi được ông nội cho đi chuyến thứ hai vào mùa nước nổi, thăm lúa (…) Cả cánh đồng hóa ra biển (…) có năm nước sâu đến sáu thước, sóng gió đì đùng. Từ đáy nước cây lúa sạ ló đọt lên mặt nước, phất phơ theo chiều gió lượn thành những thảm sóng xanh rập rờn đến tận chân trời (…) tiếng sóng lúa rì rào (…) tôi nhổ một cây, đo thấy thân lúa dài bằng chiều dài chiếc xuồng. Qua ông nội, tôi được biết lúa sạ hễ nước lên tới đâu thân nó mọc dài theo tới đó (…) Giống lúa sạ rất phong phú. Có giống hột rất to, bằng cái đầu đũa ăn, lưa thưa, nhìn giống bông dừa, dân quê gọi là lúa bông dừa. Có giống mọc thành đùm gọi là lúa nàng đùm. Có giống hột cụt lủn tròn trịa, nông dân hóm hỉnh đặt cho nó tên là lúa thằng chệt cụt (…) Đặc biệt có cây lúa ma không trồng mà mọc, cho hột nhỏ rưng rức có cái đuôi dài. Lúa ma chín khỏi mắc công gặt, chỉ cần lấy cây sào dài quơ ngang cho lúa rụng vô xuồng (…)


(Trích bài “Nhớ lúa sạ” của Ngô Khắc Tài đăng trên
Tuần Báo Văn Nghệ TPHCM số Xuân 2021)