“Việt Nam Cộng hòa” (II)




Hỏi: Ông đã trình bày sự thực về Quốc gia Việt Nam, rồi Đệ nhất Cộng hòa, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời Ngô Đình Diệm. Bây giờ bước sang thời hậu Diệm…

Đáp: Trong khoảng một năm tám tháng từ đầu tháng 11-1963, đảo chính liên tục xảy ra. Đến giữa năm 1965, nhờ hợp tác với nhau (rất miễn cưỡng) Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ ngồi được vững trong “Dinh Độc Lập”. Tháng 9-1967, Thiệu - Kỳ lập ra Đệ nhị Cộng hòa. Tháng 10-1971, Thiệu loại Kỳ, tiếp tục làm tổng thống…

Hỏi: Các chính quyền Sài Gòn trong thời hậu Diệm có phải là ngụy quyền không?

Đáp: Các chính quyền này không phải do ngoại bang dựng lên (Mỹ không biết nên chọn ai, khoanh tay đợi kết quả giành giật), nên bắt đầu không phải là rối. Nhưng sau khi ra đời, tất cả đều bị Mỹ chi phối, nên đều hóa rối. Mặt khác, các rối hậu Diệm cũng có ít nhiều tự giật dây như rối Diệm chứ không ngoan ngoãn với Mỹ như rối Bảo Đại đối với Pháp. Có thể gọi chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời Nguyễn Văn Thiệu là rối tự dựng và tự giật dây. Tự và tự đấy, nhưng vì bị Mỹ giật trong những vấn đề quan trọng nên vẫn là rối.

Hỏi: Thực ra không cần phải là tay sai của ngoại bang mới là ngụy. Ngụy là giả, dối. Cứ không thực sự đại biểu cho đa số nhân dân, là ngụy quyền.

Đáp: Vâng. Và để biết có đại biểu hay không thì có thể căn cứ vào thái độ của nhân dân trong những tình huống thử thách. Cái nguyên nhân cơ bản khiến giàu mạnh như Mỹ mà phải thua là nhân dân Miền Bắc và đông đảo nhân dân Miền Nam đã hết sức nhiệt liệt ủng hộ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong khi chỉ một thiểu số nhân dân Miền Nam ủng hộ chế độ Sài Gòn một cách yếu ớt. Đâu là chính quyền của nhân dân và đâu là ngụy quyền, rõ như ban ngày!

Hỏi: Ông nghĩ sao về chuyện được quốc tế công nhận?

Đáp: Có nghĩa lý gì cái chuyện ấy. Ngoại bang kéo bè cánh xúm lại “công nhận”, thế là ngụy trở nên hết ngụy à! “Quốc tế” là những ai? Là một thế lực bá quyền với đồng minh, chư hầu, đối tác. Tha hồ nó inh ỏi, trắng vẫn là trắng và đen vẫn là đen.

Hỏi: Tại sao đa số nhân dân chọn ủng hộ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

Đáp: Vì nhà nước VNDCCH tranh đấu cho độc lập, thống nhất.

Hỏi: Mỹ không biết người Việt Nam quan trọng thống nhất đất nước mình tới mức nào, nên mới can thiệp…

Đáp: Đúng vậy. Mỹ thua vì không có quyết tâm tương đương với Việt Nam. Sở dĩ không tương đương, ấy là do đất nước Mỹ không hề bị động đến. Lính Mỹ chiến đấu để giữ một cái tiền đồn không phải trên đất Mỹ trong một cuộc chiến tranh ý thức hệ. Trong khi quân Giải phóng và Quân đội Nhân dân chiến đấu vì đất nước Việt Nam bị động chạm ghê gớm, bị Mỹ ngang nhiên cắt làm hai! Cắt xong rồi gọi nhân dân Miền Nam chống Diệm là quân phiến loạn, tri hô Miền Bắc giúp phiến loạn và bành trướng, xâm lược! Không thể có cái chuyện một dân tộc bành trướng trên hay xâm lược chính đất nước mình!!!

Sau chiến tranh, nhiều người Mỹ rút cuộc đã hiểu nguyên nhân cơ bản khiến nước họ thất bại. Tôi xin dẫn lời hai cựu chiến binh.

Người thứ nhất là James G. Zumwalt, con trai Đô đốc Elmo R. Zumwalt, Jr., tư lệnh Hải quân Mỹ ở Việt Nam năm 1968. JGZ từ năm 1994 đến năm 2004 sang thăm Việt Nam 50 lần để tìm hiểu về cuộc chiến tranh mình từng tham dự. Sau khi tìm hiểu xong, ông viết quyển Bare feet, iron will (Chân trần, chí sắt) xuất bản năm 2010. Trang historynet.com phỏng vấn tác giả: “Ông đã hiểu được điều gì về người Việt Nam mà chúng ta đã không nhận thức ra trong chiến tranh?”. JGZ đáp: “Chúng ta xem mục đích của cuộc chiến tranh ấy là để chặn cộng sản bành trướng, nhưng trong những cuộc nói chuyện với hàng trăm cựu chiến binh đối phương, tôi hỏi họ cái gì đã động viên họ, hóa ra đó không phải là chủ nghĩa cộng sản mà là chủ nghĩa dân tộc và ước muốn thống nhất đất nước”.

Người thứ hai là Merrill McPeak, một phi công đã tham gia đánh bom đường mòn Hồ Chí Minh từ rất sớm, về sau lên Đại tướng, làm Tham mưu trưởng Không quân Mỹ từ năm 1990 đến năm 1994. Năm 2017 ông xuất bản tác phẩm Hangar flying (quyển đầu trong hồi ký binh nghiệp ba quyển). Trong lời tóm tắt về tác phẩm này đăng trên trang generalmcpeak.com, có những dòng: “Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Các chính quyền của nước ta đã nối tiếp nhau cố gắng thuyết phục mọi người rằng cần can thiệp để ngừa việc Miền Nam Việt Nam thuộc vào một nước cộng sản (…) Nhưng chúng ta đã đứng ở phía sai của lịch sử, vì chiến đấu chống lại một phong trào độc lập quốc gia (…) Phía bên kia đã chiến đấu với tất cả khả năng của họ nhằm thống nhất đất nước cho bằng được, bất kể phải mất bao lâu hay phải hy sinh đến mức nào (…) Họ có niềm tin, sẽ được chứng tỏ là đúng, rằng họ có thể chịu đựng tổn thất lâu hơn và gan lì hơn chúng ta”.

Hỏi: Nhắc quyết tâm, ai nấy đều biết đại bộ phận quân đội VNCH thiếu rất trầm trọng. Tại sao?

Đáp: Có ba lý do cơ bản. Lý do thứ nhất nằm trong hoàn cảnh ra đời của “nước” VNCH. Lý do thứ hai là khuyết điểm của những kẻ lãnh đạo nó. Lý do thứ ba xuất phát từ sự can thiệp của Mỹ. Tôi xin nói rõ:

- Như đã nhắc trong bài trước, VNCH ra đời bất chính chứ không phải do đa số nhân dân Miền Nam chống cộng nên bỏ phiếu ủng hộ ly khai. Dân đã không ủng hộ thì khi bị bắt lính, lẽ tự nhiên dân không hăng say chiến đấu.

- Diệm thiên vị tôn giáo, gia đình trị. Thiệu tham nhũng và dung túng tham nhũng. Đô-la viện trợ của Mỹ đã khiến chính quyền VNCH thời Thiệu tham nhũng lừng danh thế giới. Chắc chắn ngay cả cái thiểu số thực sự chống cộng, trông thấy lãnh đạo mình như thế, cũng phải nản lòng.

- Hiện diện đông đảo của quân nước ngoài là hết sức tai hại cho uy tín của chính quyền Sài Gòn, bởi dân tộc Việt Nam rất ghét những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”. Nhu cầu sinh lý của quân Mỹ lại gây ra một tệ nạn xã hội qui mô mang ý nghĩa xúc phạm dân tộc. Ai phấn khởi được trước tình hình ấy?!

Cái tinh thần thấp tai hại của quân đội VNCH có thể thấy trong sự kiện tinh thần ấy xuống dốc cực nhanh khi Mỹ cắt giảm viện trợ. Nếu họ đã tin tưởng vào chính nghĩa của việc mình làm, thì đâu có dễ dàng bỏ cuộc như vậy. Hãy nhớ trong năm năm đầu của cuộc chống Pháp, quân kháng chiến đã “chiến đấu trong vòng vây”, không được ai giúp, mà vẫn giữ vững tinh thần quyết chiến quyết thắng. Chính nhờ thế, mà rồi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được giúp! Chính vì quân đội nói chung không “quyết” tí nào, mà rút cuộc VNCH bị Mỹ bỏ!

Hỏi: Từ phía Mỹ, từ rất sớm trong cuộc chiến tranh, đã có vô số nhận định bất lợi về chính quyền và quân đội VNCH…

Đáp: Vâng. Tôi xin được trích dẫn thêm từ lời tóm tắt sách của Merrill McPeak: “Thật khó tưởng tượng, nhưng hãy cứ thử tưởng tượng rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã là một chính quyền có khả năng và lương thiện. Ngay cả trong trường hợp đó, sự kiện chúng ta ủng hộ nó sẽ tự nhiên làm hại tính hợp pháp của nó đối với người Việt Nam. Thực tế là đã không có cách nào chúng ta có thể cứu chế độ Sài Gòn”.

Và đây vẫn lời con người nổi tiếng hay nói thẳng ấy khi trả lời phỏng vấn của trang sandiegouniontribune.com ngày 23-11-2017: “Đó đã không phải là một trải nghiệm vô cảm, bởi vì tôi có rất nhiều cảm phục dành cho những người mà tôi đang chiến đấu chống lại (…) Tôi không cảm thấy như thế đối với những người (Việt Nam) đang đứng cùng bên với mình (…) Chế độ Sài Gòn tham nhũng chí tử (…) Từ những điều tôi được chứng kiến, phía bên kia luôn tỏ ra không sợ, dũng cảm. Họ hiên ngang đối đầu với thử thách”.

Hỏi: Với tình hình phía địch như thế và phía “bạn” của Mỹ như thế, chưa nói những tội ác chiến tranh ghê tởm mà quân Mỹ quân Hàn đã phạm, trách nào phong trào phản chiến ở Tây phương bùng nổ dữ dội...

Đáp: Trong lịch sử nhân loại, chưa từng có một phong trào tương tự ở bất cứ đâu! Nhiều chuyện lạ lùng đã xảy ra. Tôi xin dẫn trang en.wikipedia.org. Ở Mỹ, ngày 16-3-1965, bà Alice Herz tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam. Ngày 2-11-1965, ông Norman Morrison cũng làm như vậy, ngay trước Lầu Năm Góc. Ngày 15-4-1967, 300.000 người biểu tình phản chiến ở thành phố Nữu Ước. Ngày 16-10-1967, biểu tình phản chiến xảy ra ở 30 thành phố. Ngày 18-10-1967, ở đại học Wisconsin xảy ra biểu tình bạo động, khiến 19 cảnh sát và 50 sinh viên bị thương. Suốt năm 1969, sinh viên biểu tình lớn khắp nước. Ngày 15-11-1969, hơn nửa triệu người xuống đường ở thủ đô Hoa-thịnh-đốn. Năm 1970, bắt đầu xảy ra những vụ đánh bom (!) một số trung tâm nghiên cứu vũ khí. Ngày 4-5-1970, ở đại học Kent (bang Ohio), sinh viên biểu tình phản chiến bị vệ binh quốc gia bắn chết bốn, bị thương chín. Ngày 3-5-1971, ở Hoa-thịnh-đốn, 12.614 dân bị bắt giữ sau ba ngày rất nhiều người cố gắng làm tê liệt hoạt động của nhà nước Liên bang… Song song với phong trào ở Mỹ, nhân dân Bắc Âu, Đức, Anh, Úc v.v. cũng rầm rộ xuống đường phản đối chiến tranh. Chẳng hạn, ngày 8-5-1970, biểu tình phản chiến đã xảy ra ở khắp các thủ phủ bang Úc, lớn nhất là ở thành phố Melbourne (bang Victoria) với hơn 100.000 người tham dự. Nước Úc rất ít dân, nên đây là một con số đầy ấn tượng.

Đặc biệt, khắp nơi, trên những biển người thường thấy nổi những lá cờ Giải phóng, chân dung Bác Hồ! Nhiều người biểu tình đã say sưa hát những ca khúc cách mạng và kháng chiến, một số ban hòa tấu đã biểu diễn “Tiến quân ca”! Ngày 20-12-1967, nhân dân ở bốn mươi thành phố Thụy Điển xuống đường mừng sinh nhật bảy năm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam!

Hỏi: Đó là những hình ảnh của lương tâm nhân loại Tây phương. Tới đây có lẽ ta vắn tắt ôn lại diễn biến quân sự…

Đáp: Sự can thiệp quân sự của Mỹ gồm ba giai đoạn: Chiến tranh Đặc biệt (1961-1965), Chiến tranh Cục bộ (1965-1969), Việt Nam hóa (1969-1973).

Trong bài trước, ta đã ôn nội dung của Chiến tranh Đặc biệt. Đại khái, Mỹ làm tất cả những gì có thể làm được ngoại trừ hiện diện thật đông đảo. Nó bắt đầu trong thời Diệm và tiếp tục sau khi chế độ Diệm sụp đổ, tới đầu năm 1965 thì tự chứng tỏ là một thất bại hoàn toàn.

Mỹ quyết định chuyển sang Chiến tranh Cục bộ: ồ ạt đổ quân vào Miền Nam để tự mình tiêu diệt “Việt cộng” và Quân đội Nhân dân Việt Nam, cùng lúc mở chiến dịch Sấm Vần đánh bom thật lớn và xây “hàng rào điện tử” nhằm chặn chi viện từ Miền Bắc.

Quân ta đối phó bằng cách vừa tránh đụng độ khi điều kiện bất lợi, nhờ đó bảo toàn được phần lớn lực lượng, vừa kéo quân địch tới những nơi có địa hình thích hợp mà đánh, gây tổn thất lớn cho chúng. Đường mòn Hồ Chí Minh thì chẳng những không đứt mà còn tiếp tục nhanh chóng phát triển.

Trước kết quả quá kém của kế hoạch do mình xây dựng, cuối tháng 11-1967 McNamara từ chức. Đầu năm 1968, lực lượng vũ trang ở Miền Nam bắt đầu tổng công kích. Tuy quân kháng chiến bị tiêu hao quan trọng do thua sút địch không biết bao nhiêu về cả binh lực lẫn hỏa lực, sau ba đợt tiến công, tổn thất nặng nề phía Mỹ đưa phong trào phản chiến lên cao điểm. Cuối tháng 3-1968, Johnson tuyên bố sẽ không tái tranh cử. Tháng 6-1968, Westmoreland bị thay thế. Rõ ràng tiếp tục giữ quân ở Việt Nam không thể là một chọn lựa cho bất cứ tổng thống Mỹ nào! Giữa năm 1969, Nixon bắt đầu rút quân Mỹ về…

Hỏi: Vừa rút, Nixon vừa chi viện khổng lồ cho VNCH tự đánh...

Đáp: Đó là kế hoạch “Việt Nam hóa”. Chẳng bao lâu, Mỹ biết nó có vấn đề to.

Đầu năm 1971, với sự yểm trợ của Mỹ, quân đội VNCH mở chiến dịch Lam Sơn 719 nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Về kết quả của chiến dịch này, trang en.wikipedia.org chép: “Một thảm họa cho quân đội VNCH, phô bày những thiếu hụt về khả năng nơi các cấp chỉ huy và chứng tỏ những đơn vị giỏi nhất của QLVNCH có thể bị Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh bại” (tiêu biểu cho “thảm họa” là sự kiện một lữ trưởng Dù bị bắt sống cùng toàn ban chỉ huy).

Sang năm 1972, tháng 3, quân kháng chiến mở chiến dịch Xuân Hè. Trên trang nationalinterest.org, ngày 22-12-2017, Michael Peck nhận định: “Nếu không quân và hải quân Mỹ không can thiệp, Chiến tranh Việt Nam có lẽ đã chấm dứt trong mùa xuân năm 1972 (…) Cứu rỗi đến từ trên cao (…) Quân đội VNCH (…) đã chỉ tiếp tục tồn tại nhờ sự yểm trợ của không lực Mỹ”. Nhờ vô số cơn bão bom bão pháo cực kỳ ác liệt của Mỹ mà giữ được An Lộc, chiếm lại được cổ thành Quảng Trị, nhưng quân đội VNCH đã để mất một nửa diện tích các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và các khu vực ven phía tây của Vùng II và Vùng III Chiến thuật (theo cách gọi của VNCH).

Rõ ràng Việt Nam hóa là không ổn!

Hỏi: Tại sao kế hoạch dùng người Việt đánh người Việt không thành công?

Đáp: Vì như đã nói, VNCH thiếu chính nghĩa đối với đa số nhân dân Miền Nam, và vì chính quyền Thiệu vẫn tham nhũng chí tử. Quân đội VNCH, trừ một số rất ít đơn vị, vẫn rất uể oải, làm sao đối đầu hiệu quả được với đối phương quyết chiến quyết thắng!

Hỏi: Tới khoảng ấy, chắc Nixon đã thấy được kết cục…

Đáp: Vâng. Và còn thấy được xa hơn thế nhiều.

Ngày 26-5-2006, trang washingtonpost.com đăng bài viết “Kissinger Papers: U.S. OK With Takeover (Hồ sơ Kissinger: Nước Mỹ OK với việc (kẻ địch) chiếm (VNCH))” của Calvin Woodward. Trong bài này, tác giả trích dẫn tư liệu mới công bố của Văn khố An ninh Quốc gia tại Đại học George Washington mà cho ta biết rằng vào tháng 6-1972, Kissinger đã nói với Chu Ân Lai rằng Mỹ có thể sẽ không làm gì cả nếu VNCH mất đủ lâu sau khi Mỹ rút. Thậm chí, Kissinger còn nói không thấy có lý do gì khiến Mỹ không thể thiết lập bang giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khoảng mười năm sau ngày Việt Nam thống nhất! Tuy cuối tháng 12 năm ấy, Nixon cho mở chiến dịch Linebacker II, dùng B-52 đánh bom Hà Nội, nhưng đó chỉ là cố gắng tuyệt vọng cuối cùng. Với kết quả quân sự rất giới hạn, kết quả chính trị và ngoại giao cực kỳ bất lợi, ngày 27-1-1973 Nixon đành ký Hiệp định Paris, chịu rút hết quân Mỹ ra, với Quân đội Nhân dân ở lại Miền Nam.

Hỏi: Từ nhiều tháng trước Hiệp định Paris, Mỹ đã chi viện ồ ạt cho VNCH…

Đáp: Mục đích là trì hoãn kết cục cho Mỹ đỡ mất mặt. Với chi viện lớn mới, VNCH đã lập tức tiến hành lấn chiếm các vùng giải phóng. Nhưng tháng 6-1973, Bộ Chính trị khẳng định thế và lực của kháng chiến ở Miền Nam đang mạnh nhất từ 1954 và cho bộ đội chủ động tiến công. Địch không chống trả nổi. Rồi vụ Watergate bắt đầu trói tay Nixon khiến viện không tăng mà lại giảm. Tinh thần vốn đã rất thấp của quân đội VNCH liên tục xuống thấp hơn nữa. Trong khi đó, ở phía ta, các cấp chỉ huy sáng suốt tận dụng thời cơ, chiến sĩ quyết chiến, nhân dân hết mình ủng hộ, nên Mùa Xuân Thống Nhất đến sớm bất ngờ! Nếu Nixon đã được ngồi trong Nhà Trắng đến hết nhiệm kỳ để tiếp tục bơm (chi viện cho VNCH) và có thể cả tiếp tục bom (như một “kẻ dã man”), thì kết cục cũng chỉ đến chậm bất quá vài năm thôi.(1)

Hỏi: Tại sao Ford không theo kế hoạch của tiền nhiệm?

Đáp: Vì thấy tốt nhất cho nước Mỹ là chấm dứt cái Bi Kịch này càng sớm càng tốt, mặc kệ mất mặt! Ford có thể quyết định bỏ cuộc dễ dàng hơn Nixon, vì cá nhân không trực tiếp dính líu với nỗ lực chiến tranh. Thành ra, cái việc Mỹ thay tổng thống nó đã tốt cho cả ta và Mỹ!

Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam như một cuộc đầu tư, thì sở dĩ Mỹ rút cuộc đành chấp nhận mất một số vốn khổng lồ, gồm cả xương máu người Mỹ, ấy là vì thấy VNCH làm ăn quá bết bát, không có hy vọng làm nên trò trống gì cả!

Hỏi: Tới đây có lẽ ông muốn tóm tắt toàn bộ diễn biến ra đời và lìa đời của VNCH…

Đáp: Vâng. VNCH ra đời từ chiến lược chống cộng của Mỹ. Đa số nhân dân Miền Nam không ủng hộ Ngô Đình Diệm. Diệm đàn áp họ tàn bạo. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chi viện cho họ đánh lại Diệm. Tuy có quân đội đông hơn rất nhiều và trang bị mạnh hơn rất nhiều, Diệm thua tới nỗi bị Mỹ “thay ngựa giữa dòng”. Tình hình sau đó vẫn tiếp tục xấu đi rất nhanh. Mỹ nhảy vào cứu “tiền đồn”. Quân đội Nhân dân cũng vào Miền Nam để giúp quân Giải phóng. Sau hơn bốn năm, do bị tổn thất nặng, Mỹ bắt đầu rút quân, đồng thời chi viện lớn cho VNCH tự đánh. Nhưng “Việt Nam hóa” thất bại. Chỉ một thời gian ngắn sau khi quân Mỹ rút hết và Mỹ cắt giảm viện trợ, VNCH thôi tồn tại.

Tôi xin được ví von một chút về các ngụy quyền trong ba mươi năm từ ngày Pháp tái xâm lược (23-9-1945) tới ngày Thống nhất (30-4-1975). Quốc gia Việt Nam giúp “rắn” Pháp “cắn gà nhà”. Pháp thua to, phải “bò sát” ra khỏi Đông Dương, nhưng hợp tác với Mỹ giúp QGVN hóa thân thành Việt Nam Cộng hòa. VNCH định mổ chết gà nhà ở Miền Nam, nhưng bị mổ lại thua nguy cấp, phải “cõng rắn” Mỹ vào (không cõng, nó cũng cứ vào, “chuồng” là do nó xây kia mà!). Mỹ kéo cả mấy “rắn đồng minh” vào theo với mình, tưởng sẽ cắn chết lập tức cả gà Nam lẫn gà Bắc vào giúp. Hóa ra y như Pháp, Mỹ bị mổ đau quá, cũng phải đánh bài chuồn. VNCH bơ vơ, chẳng bao lâu bị mổ lìa đời.

Hỏi: Ông còn điều gì muốn nói nữa không?

Đáp: Tôi xin kết thúc bằng cách dẫn lời của hai nhân vật quan trọng trong quãng lịch sử cực độ bi hùng này của dân tộc Việt Nam.

Nhân vật thứ nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara. Năm 1995, McNamara xuất bản quyển hồi ký In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam (Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam), trong đó ông nhận rằng mình đã “sai, sai kinh khủng” khi cố vấn tổng thống Mỹ leo thang chiến tranh. Vì sao “kiến trúc sư” lạc hướng tày trời? Hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chỗ chép: “Tháng 11 năm 1995, theo đề nghị của phía Mỹ, tôi đã tiếp ông Rô-bớt Mắc-Na-ma-ra (…) Trong câu chuyện, tôi nhận xét: “Trong cuốn hồi tưởng của ngài, có một điều mà tôi cho là đúng. Đó là Mỹ đánh Việt Nam mà không hiểu gì về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam (…)”. Ông Mắc-Na-ma-ra đáp: “Vâng, đúng như vậy”. Cuối cùng thì ông cũng đã nhận ra được một chân lý, rất tiếc là đã quá muộn màng”.

Nhân vật thứ hai là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Trong bài diễn văn từ chức đọc ngày 21-4-1975 của Thiệu có đoạn này: “Mỹ đã yêu cầu chúng ta thực hiện điều không thể làm được. Vì vậy, tôi đã bảo họ: Các ông đòi hỏi chúng tôi làm điều mà các ông đã thất bại với nửa triệu binh lính tinh nhuệ và sĩ quan có tài, với gần 300 tỷ đô-la chi phí trong sáu năm trời”. Ta nên thông cảm với Thiệu vì quá buồn nên rất thiếu chính xác: “Các ông” còn sở hữu phương tiện chiến tranh siêu đẳng và thống lĩnh thêm khoảng 70.000 quân “đồng minh” cùng 900.000 quân VNCH của Thiệu nữa chứ. Về chi phí, nếu tính theo giá đô năm 2020, đó là khoảng một nghìn tỷ. Tại sao Mỹ huy động chừng ấy quân, sử dụng chừng ấy chất nổ (gấp ba lần rưỡi đã ném xuống tất cả các chiến trường trong Thế chiến thứ Hai), tiêu chừng ấy tiền, mà vẫn thất bại? Dĩ nhiên đó là bởi “chân lý”.

Cái chân lý mà những nhà lãnh đạo chủ chiến ở Mỹ (và Pháp) nhận ra quá muộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại biết rất rõ từ đầu, nên khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đã dám quả quyết: “… nhất định thắng lợi (…) nhất định thành công!”.



Thu Tứ
Viết tháng 3-2021
Sửa mới nhất tháng 12-2023




















_________
Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.
(1) Báo chí Mỹ đương thời đã gọi chiến dịch Linebacker II là “Dã man Thời đại Đá”.