“Thơ tưởng niệm lịch sử”





thánh Dóng mới
thành cổ Quảng Trị 1
thành cổ Quảng Trị 2
sông Thạch Hãn
đêm bến Ninh Kiều
đèo Lũng Lô
vỏ “na”
Cồn Cỏ
Trấn Ninh
thăm bia
nhánh tay
cầu đây…
lán Đại tướng
chiều nay
lại vào
có bao giờ…
tem Rồng











thánh Dóng mới



chân đi dép lốp
đầu đội mũ nan
thần thánh Việt Nam
trong thời đại mới!


2014

_________
Marcel Bigeard: “Tôi đã thấy họ bắt đầu với những khẩu súng bất kỳ như súng săn (…) từ những nhóm nhỏ thành trung đội (…) đại đội (…) tiểu đoàn (…) cuối cùng là những sư đoàn đủ quân. Tôi đã thấy tất cả những điều này và tôi có thể nói với các vị rằng họ đã trở thành những người lính bộ binh vĩ đại nhất trên thế giới. Những người lính dẻo dai này có thể đi bộ 50 cây số trong đêm tối bằng sức của một bát cơm (…) hát vang trên đường ra trận. Trong mắt tôi, họ là những người lính bộ binh ngoại hạng và họ đã đánh bại được chúng ta”. Bigeard là một sĩ quan quân đội Pháp tham dự cuộc tái chiếm Đông Dương sau Thế chiến thứ Hai, có mặt ở Điện Biên Phủ với cấp bậc trung tá, năm 1974 nghỉ hưu với cấp bậc đại tướng, sau đó được bổ nhiệm làm thứ trưởng Quốc phòng Pháp. Phát biểu này là từ bộ phim tài liệu
Vietnam: The Ten Thousand Day War do Michael Maclear làm năm 1980 ở Gia-nã-đại.













thành cổ Quảng Trị 1



gần nửa thế kỷ sau, tôi mới đến
nơi các anh nằm xuống một mùa hè
trời xanh mây trắng, Thành Cổ còn đây
lửa đỏ hung tàn, là mê hay thật?

nhìn lại đi, vô thanh lời gạch gỗ
rõ ràng chưa, là phục dựng thôi mà
ừ, mộng vui tí, đã tan ngay nhỉ
cúi khẽ đầu, tôi bước với hương, hoa.

kia mộ đó, một thôi nhưng to lắm
lên đỉnh cao, lục tục cả đoàn trèo
đặt thắp xong, theo nhau vào lòng nấm
xác ư? “hành trang” sau kính trong veo…

bảy bom nguyên tử, đá cũng hóa nước
máu thịt xương cùng đất cát chan hòa
đã bay lên trời, tòa thành cũ ấy
sừng sững bây giờ, đất lửa nở hoa!


12-2015













thành cổ Quảng Trị 2



bảy lần Quảng Đảo, Quảng Trị ta!
bền gan chiến sĩ cứ xông pha
bao nhiêu gạch ngói lên trời cả
sừng sững nơi đây vẫn một tòa!


12-2015

_________
Trong 81 ngày đêm máy bay và tàu chiến Mỹ đã trút xuống thị xã Quảng Trị hơn 120 nghìn tấn chất nổ, tức khoảng gấp 7 lần bình quân hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Quảng Đảo (15 tấn) và Trường Kỳ (21 tấn)!














sông Thạch Hãn



viếng thành xong bước thăm sông
hoa đăng lững thững xa trông ngậm ngùi
yên bình êm ả dòng trôi
xanh ơi, đỏ lửa một thời nhớ chăng…


12-2015
















đêm bến Ninh Kiều



đỏ xanh ánh điện rực trời
đi trong rộn rã nhớ người năm xưa
vạn lần đạn gió bom mưa
mới nên hiện thực giấc mơ thanh bình.


11-2017















đèo Lũng Lô


đường bỏ, đang trở lại lối mòn
bao nhiêu đá sỏi ngổn ngang
hòn nào viên nào chẳng từng dưới
những bàn chân có khi chỉ là chân đất
bao nhiêu súng đạn gạo muối qua đây
bút cọ giấy vải cũng qua đây
ô, cái mảnh đá trông hay nhỉ
có phải mày đã rơi ra từ túi bị
                của người họa sĩ trên đường
                          lên Tây Bắc năm xưa!

5-2019

_________
Đoạn đường đèo cũ từ bản Nghĩa Hưng đến nơi đặt bia di tích lịch sử đã được thay bằng đoạn mới thấp hơn, thuận tiện cho xe cộ lưu thông hơn. Đi bộ trên đường cũ, nhặt được một mảnh đá lạ mắt, bỗng nhớ tháng 6 năm 1954 họa sĩ Tô Ngọc Vân trên đường lên Tây Bắc vẽ quang cảnh chiến trường Điện Biên, đi qua đèo Lũng Lô, vừa xuống tới chân đèo thì trúng bom địch, hy sinh.
















vỏ “na”



cái vỏ “na” gỉ sét này
biết đâu nó chẳng là quả lựu đạn thối
            trên thắt lưng một đội viên Tuyên truyền
                                            Vũ trang năm xưa…
anh đeo súng hỏng và na thối về làng để bà con
                    phấn khởi về sức mạnh của quân ta
ôi, sự lừa dối vô cùng xót xa
    đã giúp thổi lên một cơn bão lòng dân
         “không cấp” quét sạch quân xâm lược
                                                     ra ngoài bờ cõi
những người chiến thắng Điện Biên lừng lẫy
khi bắt đầu làm lịch sử, có người chẳng vũ trang
            nổi cho mình lấy chỉ một quả “na” ngon!

6-2019

__________
Tháng 9-2018, khi đi thăm vùng Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) chúng tôi có tình cờ thấy trong tủ kính một nhà dân một cái vỏ lựu đạn rất cũ. Người lớn vắng nhà, chúng tôi phải tiếp tục đi, nên không biết gì về lai lịch của vật ấy. Chợt nhớ trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể đã từng cố ý đeo lựu đạn hỏng. Truyện “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi cũng nhắc đến chuyện này. “Không cấp” là ý nói lớn hơn bão cấp số cao nhất.














Cồn Cỏ



buổi trưa nắng gắt
những lô-cốt bỏ hoang nhô lên
                     như những đầu người
                             mà đất đã chôn tới gần mi mắt
những đôi mắt từng ngày đêm
                đăm đăm hướng biển, chớp lòe giận dữ,
                            phun sắt lửa khi tàu thù ló dạng
                                   và lặng trông, vui rộn trước
                                             bóng thuyền mình…
ơi, thế mà một nửa trăm năm rồi đấy
vút cao kia, trên nền trời xanh thẳm, cờ Tổ quốc
                                          đang phần phật in hình
và đây, trên đỉnh những “đầu” đã gần vào hẳn đất,
                                           vài ba cờ lau trắng bạc
                                                  cũng phất phơ bay.

6-2019















Trấn Ninh



lang thang khắp một tỉnh Lào
dần lâu bỗng nhớ: thủa nào tỉnh ta!
tiền triều mở cõi công to
lại bao công giữ, đem cho mà đành!


6-2019

_________
Tỉnh Xiêng Khoảng nước Lào vốn là phủ Trấn Ninh có từ đời Lê sơ. Gọi là phủ chứ rộng gấp rưỡi tỉnh Thanh Hóa bây giờ. Nguyễn Ánh lên ngôi, đem cho Vạn Tượng.
















thăm bia


nhà bia cuối bãi, kia rồi
tôi đi dưới nắng thiêu người tháng năm
ngập ngừng, bỡ ngỡ bước chân
bùn khô nứt nẻ mênh mông một vùng…
văn bia: trận đánh bi hùng
một ta bốn địch, chẳng sờn lòng nao
bom vùi pháo dập kể đâu
trăm tay súng vững đua nhau diệt thù
máu tuôn nhuộm đỏ đất bờ
nước kênh xanh cũng đổi màu, thôi xanh!
cùng bao chiến sĩ hy sinh
lời bia kể có văn nhân một người
khoanh tay tôi đứng ngậm ngùi
năm mươi năm lẻ từ ngày chú đi
trời xanh mây trắng bay bay
đồng trưa ngui ngút oi say nắng hè…
tàn hương tắt khói, ra về
qua hàng dừa nước chỉnh tề bờ kênh
mắt trông dáng lá hiên ngang
lòng như chợt thấy hàng quân năm nào…


5-2020

_________
Đây là nhà bia tưởng niệm liệt sĩ trận Thanh Thủy – Xẻo Giá. Trận này xảy ra ngày 15/2/1967 (mồng 7 Tết Đinh Mùi). Tiểu đoàn 303 (trung đoàn 1, sư đoàn 330, Quân khu 9) đang đóng quân ở Xẻo Giá bên dòng kênh Thanh Thủy (nay thuộc xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) thì bị địch phát hiện. Đối phương lập tức huy động ba tiểu đoàn bộ binh (trung đoàn 31, sư đoàn 21) và một tiểu đoàn biệt động quân đến bao vây và tiến công, với không yểm hùng hậu. Quân Giải phóng đánh trả quyết liệt, tiêu diệt được hàng mấy trăm tên địch, bắn rơi 13 trực thăng và hai máy bay ném bom, là thành tích lớn thứ hai ở miền tây Nam bộ cho tới thời điểm ấy (chỉ sau trận Chà Là ở Cà Mau). Thương vong phía ta cũng khá nặng nề, trong số người hy sinh có nhà văn Lê Vĩnh Hòa. Khi ra về, đi chưa xa, chúng tôi tình cờ thấy ở một đoạn bờ kênh rất ít cây cối có một khóm dừa nước to với những tàu lá cao và dựng đứng. Khóm dừa nước này nổi bật tới nỗi tự nhiên chúng tôi nghĩ đến tinh thần bất khuất của những chiến sĩ Giải phóng quân năm xưa.


















nhánh tay



“bước ngang, kẻo ngã, anh ơi”
giơ đưa nhánh trúc, chị mời: “Níu đây!”
níu cây như thể níu tay
nghe hơi ấm chuyển, ngay lây miệng cười…


12-2021


________
Trên đường vào thăm Sở chỉ huy của Chiến dịch Điên Biên Phủ ở Mường Phăng, tới một dòng suối hẹp nhưng cầu chỉ là ba thân gỗ đã bóc vỏ, đang ướt nên rất trơn. Bên kia cầu có mấy chị em dân tộc Thái đang ngồi bán ngô luộc, sắn luộc v.v. Thấy khách lúng túng, một người đứng dậy giúp.

















cầu đây…



xông pha mãi, mới tới cầu
dày Mông, chẩm chéo, xôi mầu cản chân
kia còn: cái ổ trọng liên
giá xoay trơ đó, đâu văng bốn nòng…


12-2021

________
Cầu Mường Thanh. Bên này cầu là chợ. Đi nhằm ngày chợ họp đông. “Dày Mông” là bánh dày của người Mông; chẩm chéo, xôi năm màu là món Thái. Gần đầu cầu bên kia, trong trận Điện Biên Phủ quân Pháp đã đặt một khấu trọng liên bốn nòng vốn là vũ khí phòng không để bắn vào bộ binh ta. Bây giờ giá súng vẫn còn, nhưng nòng đâu mất. Bộ đội qua cầu Mường Thanh là đã đến gần hầm chỉ huy của Đờ Cát.

















lán Đại tướng



ghế bàn giường chõng còn đây
xi-măng hóa cả, vẫn y như thời
quân reo ngày ấy lâu rồi
tháng năm ngày bảy, tiếng người còn nghe…


2-2022

________
Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau khi nghe quân Pháp đầu hàng, cán bộ và chiến sĩ trong khu vực đã tập trung trước lán hò reo.

















chiều nay



cái điều địch ngỡ rằng không thể đã thành hiện thực
một trời bom giáng xuống vẫn không cứu nổi
tập đoàn cứ điểm
chiều nay Con Nhím vào cơn hấp hối…

đồng đội, đồng chí ơi!
năm mươi sáu ngày đêm anh em ta
người ngã xuống, người lên, muôn người một lối
chiều nay ta đã tới
hầm tướng nó đây rồi, trèo mau lên nóc phất cờ Sao!


2-2022

















lại vào



lại vào thắp nén nhang thơm
trước thăm, sau cũng ý mong hộ trì
sức còn, bút vững trong tay
sử xanh chép mãi, đổi thay mặc đời.


8-2023

_________
Thăm nghĩa trang liệt sĩ và xin được anh linh phù hộ để có sức khỏe mà tiếp tục kể chuyện đất nước.
















có bao giờ…



thế mà cũng gần trăm năm rồi đấy
những ngày bên dòng suối xanh trong như không có thật
một người ngồi vẽ từng bước đường hóa thật một giấc mơ
đất nước độc lập rồi thống nhất thế mà như đã xa xưa
dòng suối vẫn xanh vắt có lẽ y như trong thời ấy
giữa đông khách thăm vui như hội trẩy
lòng một người vừa cũng vừa không
bởi vô số điều suốt tháng quanh năm
trên khắp quê hương ngày ngày trông thấy
một nền văn hóa Việt Nam mới
đích thực ta, không phải hàng Tây nhái
có bao giờ dân tộc mình đi tới?
Bác ơi!


12-2023
Pác Bó














tem Rồng



gặp mai, sáng đã bốn câu
giao thừa ngồi đón, nghe lâu, lại vần
tết này vui cái tem Rồng
rồng ta, thế chứ, vẫn còn bay đây!


9-2-2024
Đêm giao thừa Tết Giáp Thìn

________
Rồng ta: rồng Lý.



Thu Tứ