Trong lịch sử nhân loại, chưa từng có một phong trào tương tự ở bất cứ đâu! Nhiều chuyện lạ lùng đã xảy ra…

Ở Mỹ, có ít nhất 8 người dân đã tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình cực lớn bùng nổ từ New York qua California, có nơi hàng vạn người bị bắt giữ, thậm chí bị lực lượng an ninh bắn chết. Nhiều thanh niên Mỹ công khai đốt thẻ quân dịch. Nhiều cựu chiến binh ném trả huy chương được tặng trong thời gian phục vụ ở Việt Nam…

Khắp nơi, trên những biển người thường thấy nổi những lá quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cờ Giải phóng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh! Nhiều người biểu tình đã say sưa hát những ca khúc cách mạng và kháng chiến, một số ban hòa tấu đã biểu diễn “Tiến quân ca”! Ngày 20-12-1967, nhân dân ở bốn mươi thành phố Thụy Điển xuống đường mừng sinh nhật bảy năm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam!

Hiển nhiên, nhà nước Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh cực kỳ trái ý đông đảo nhân dân Mỹ nói riêng và nhân dân phương Tây nói chung. Qua tường thuật của phóng viên Tây phương, họ biết phía bên kia chiến sĩ chiến đấu vô cùng dũng cảm bất chấp điều kiện vật chất cực kỳ khó khăn, lãnh đạo hoàn toàn trong sạch, được dân tuyệt đối tin tưởng, trong khi phía “đồng minh” VNCH thì lính điển hình chiến đấu uể oải, quan chức điển hình tham nhũng siêu hăng, chế độ bị dân bất mãn nặng nề… Nhân dân phương Tây còn biết quân đội Mỹ và quân đội Nam Hàn đang phạm những tội ác chiến tranh dã man ngoài sức tưởng tượng…

Những hình ảnh đầy ấn tượng của phong trào chống đối Chiến tranh Việt Nam là những hình ảnh đáng nhớ của lương tâm nhân loại Tây phương một thời.

(Thu Tứ)



Sơ lược phong trào phản chiến ở Tây phương




Để phản đối chiến tranh Việt Nam, một số người Mỹ đã tự thiêu. Ngày 16-3-1965, Alice Herz tự thiêu ở thành phố Detroit. Ngày 2-11-1965, Norman Morrison tự thiêu trước Lầu Năm Góc (thủ đô Oa-sinh-tơn). Ngày 9-11-1965, Roger Allen Laporte tự thiêu trước trụ sở Liên Hiệp Quốc (thành phố Nữu Ước), Celene Jankowski tự thiêu trước nhà mình ở bang Indiana. Ngày 15-10-1967, Florence Beaumont tự thiêu không biết ở đâu. Ngày 4-12-1967, Eric Thoen tự thiêu ở thành phố Sunnyvale (bang California). Ngày 6-5-1970, Robert Rax Vice tự thiêu ở thành phố Crawfordsville (Indiana). Ngày 10-5-1970, George Winne, Jr., tự thiêu ở Đại học San Diego (bang California)…

Ngày 15-4-1967, 300.000 người biểu tình phản chiến ở thành phố Nữu Ước. Ngày 16-10-1967, biểu tình phản chiến xảy ra ở 30 thành phố. Ngày 18-10-1967, ở đại học Wisconsin xảy ra biểu tình bạo động, khiến 19 cảnh sát và 50 sinh viên bị thương.

Suốt năm 1969, sinh viên biểu tình lớn khắp nước Mỹ. Ngày 15-11-1969, hơn nửa triệu người xuống đường ở thủ đô Hoa-thịnh-đốn.

Năm 1970, bắt đầu xảy ra những vụ đánh bom (!) một số trung tâm nghiên cứu vũ khí. Ngày 4-5-1970, ở đại học Kent (bang Ohio), sinh viên biểu tình phản chiến bị vệ binh quốc gia bắn chết bốn, bị thương chín.

Ngày 3-5-1971, ở Hoa-thịnh-đốn, 12.614 dân bị bắt giữ sau ba ngày rất nhiều người cố gắng làm tê liệt hoạt động của nhà nước Liên bang…

Song song với phong trào ở Mỹ, nhân dân Bắc Âu, Đức, Anh, Úc v.v. cũng rầm rộ xuống đường phản đối chiến tranh. Ngày 20-12-1967, nhân dân ở bốn mươi thành phố Thụy Điển xuống đường mừng sinh nhật bảy năm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Ngày 8/5/1970, biểu tình phản chiến xảy ra ở khắp các thủ phủ bang Úc, lớn nhất là ở thành phố Melbourne (bang Victoria) với hơn 100.000 người tham dự (rất đông, vì năm 1970 dân số Úc là 12,5 triệu).


(Nguồn: trang Mạng bách khoa tiếng Anh
en.wikipedia.org)