Gia đình ông Lục Văn Vình








Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, cả một gia đình người Tày ở Cao Bằng đã tình nguyện cầm súng (…) Đó là (…) ông Lục Văn Vình cùng năm người con trai, con gái ở bản Nà Lung, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (…)

Ông Nông Ngọc Bút, nguyên bí thư xã Ngọc Khê, kể: “Gia đình cụ Vình nghèo nhất bản (…) Cụ có tám người con. Năm con trai, thì bốn người đã nhập ngũ đi vào chiến trường Miền Nam trước 1975 (hai người hy sinh) (…) Năm 1979, cụ Vình dù đã 68 tuổi vẫn cùng các con cầm súng bảo vệ Tổ quốc” (…)

Khi xã Ngọc Khê thành lập đại đội dân quân, ông Lục Văn Năm - con cả cụ Vình, đi bộ đội và phục viên năm 1975 (…) được cử làm chính trị viên (…) Đại đội hơn 100 người, toàn dân trong xã. Riêng gia đình cụ Vình đóng góp sáu người (…) Cụ Vình là người lớn tuổi nhất (…) Nhỏ tuổi nhất là con gái thứ hai của cụ, cô Lục Thị Niệm, mới 17 tuổi (…)

Nhìn tấm ảnh trắng đen chụp cả nhà cầm súng trên chốt gác do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chụp tháng 2-1979, ông Lục Văn Phiện, con trai thứ tư của cụ Vình, hiện sống ở Đắk Lắk - (…) xúc động (…) “Hôm đó quân bành trướng Trung Quốc đang chiếm các chốt ở trên núi đằng sau Nà Lung (…) Bố và năm anh em tôi cầm súng đứng gác ở ngay dưới chốt nó luôn (…) Khi bất ngờ đánh sang, nó đã câu pháo vào khu vực nhà dân. Nhà tôi cũng bị giật mìn sập (…) Lúc ấy (…) tinh thần người dân mình bừng bừng lắm. Không ai sợ chết. Kể cả mẹ tôi. Bà bảo các con cứ cầm súng đi đánh giặc. Thà hy sinh tất cả!” (…)

Năm anh em ông Phiện trực cả ngày lẫn đêm (…) Đêm cứ một người thức bốn người ngủ. Người thức phải ra ngoài hang (…) lạnh buốt xương, nhưng không được đốt lửa (…) Cứ mấy ngày, cụ Vình lại lên cùng các con (…)

Sau sự kiện 17-2-1979, có lệnh tổng động viên, ông Phiện tái ngũ. Khi quân bành trướng Trung Quốc rút về trên tuyến xã Ngọc Khê theo dọc sông Quây Sơn lên biên giới, đi qua đồn biên phòng cửa khẩu Pò Peo, ông Phiện có mặt trong đại đội đánh chặn ở đó. “Đánh trận đó ác liệt lắm. Quân nó bạt ngàn, mà mình chỉ có một đại đội! (…) Cứ lớp này chết thì lớp sau nó lại tràn lên (…) Trận đó chúng tôi đánh đến lúc hết cả đạn. Tôi vác súng không đạn về nhà ở với vợ con được bảy ngày thì lại được gọi đi”, ông Phiện kể.