Cái “mối đau lòng cho người Việt Nam” kể từ đầu:

- Năm 1858: Pháp (và Tây-ban-nha) đánh Đà Nẵng.

- Năm 1862: Triều Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất nhượng ba tỉnh miền đông Nam kỳ.

- Năm 1867: Pháp chiếm xong ba tỉnh miền tây Nam kỳ.

- Năm 1873: Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất. Nguyễn Tri Phương tự tử.

- Năm 1874: Triều Nguyễn ký hòa ước Giáp Tuất nhượng toàn bộ Nam kỳ và chấp nhận để Pháp chủ trương việc đối ngoại. “Mất quyền tự chủ” là từ đây chứ không phải đợi đến hòa ước Quý Mùi.

- Năm 1882: Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai. Hoàng Diệu tự tử.

- Năm 1883: Triều Nguyễn ký hòa ước Quý Mùi tái xác nhận chịu mất độc lập. Ngoài ra, chứa thỏa thuận về việc phân chia lại đất đai ba kỳ và quy định về sự có mặt của người Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ.

- Năm 1884: Triều Nguyễn ký hòa ước Giáp Thân (Pa-tơ-nốt). Hòa ước này thay đổi lần nữa việc chia đất đai ba kỳ và quy định thêm về hiện diện của Pháp ở Bắc và Trung. Tới đây thì triều Nguyễn vẫn còn được tự trị Trung kỳ, nhưng “về sau dần dần hòa ước năm 1884 cũng mất cả ý nghĩa, và thực quyền về chính phủ bảo hộ hết cả. Triều đình ở Huế chỉ giữ cái hư vị mà thôi”.
(Thu Tứ)



“Diễn biến Pháp thuộc”

Trần Trọng Kim




Bản triều nhà Nguyễn truyền ngôi đến hết đời vua Dực Tông (năm 1883) thì mất quyền tự chủ. Nước Nam từ đó thuộc về nước Pháp bảo hộ. Nghĩa là ngôi nhà vua tuy vẫn còn, nhưng quyền chính trị phải theo chính phủ Bảo Hộ xếp đặt (…)

Hòa ước ký năm Giáp Thân là năm 1884, là hòa ước của triều đình ở Huế ký với nước Pháp công nhận cuộc bảo hộ của Pháp và chia nước ra làm hai khu vực là Trung kỳ và Bắc kỳ. Tuy hai kỳ cũng thuộc về quyền bảo hộ của nước Pháp, nhưng mỗi kỳ có một cách cai trị khác. Về sau dần dần hòa ước năm 1884 cũng mất cả ý nghĩa, và thực quyền về chính phủ bảo hộ hết cả. Triều đình ở Huế chỉ giữ cái hư vị mà thôi.

Nước Việt Nam trước kia, từ nam chí bắc là một, có cái tính cách duy nhất hơn cả các nước khác. Văn hóa, lịch sử, phong tục, ngôn ngữ đều là một cả, mà nay (…) tam phân ngũ liệt ra như thế, thật là một mối đau lòng cho người Việt Nam là dân một nước đã có một lịch sử vẻ vang hàng mấy nghìn năm.


(Trần Trọng Kim,
Việt Nam sử lược)