Nghỉ hè thế này thật là đáng nghỉ: đi chơi lang thang khắp ngoại ô Hà Nội, về quê mình Sơn Tây ngày ngày ngắm núi Tản Viên, rồi lên quê bạn Phú Thọ cùng nhau trèo núi viếng đền Hùng. Nguyễn Hiến Lê lên núi Hùng chỉ vài năm sau Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang, tức vào đầu thập kỷ 1930. Khoảng sáu mươi năm sau chúng tôi có dịp thăm đất Bắc mùa xuân, được nhắc câu “Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày giỗ Tổ...”, nên “mồng mười tháng ba” cũng tìm về Phú Thọ để trèo dốc, thì thấy quả như ông tả: “bỗng qua một khúc quẹo, ngọn núi Hùng âm u hiện lên sừng sững trước mặt, cao và thanh tú hơn các ngọn chung quanh (...) cứ mỗi bước, núi càng dâng cao lên trên nền trời xanh thật uy nghi”. (Thu Tứ)



“Một mùa hè”

Nguyễn Hiến Lê




Nghỉ hè năm đó, tôi ở lại Hà Nội nửa tháng rồi mới về quê ở Phương Khê. Trong nửa tháng đó tôi đi lang thang thăm hết các cảnh đền chùa ở chung quanh Hà Nội: chùa Một Cột, chùa Liên Phái, đền Hai Bà; các cảnh chợ quê như chợ Bưởi, chợ Hà Ðông; các cảnh vườn như vườn hoa ở Ngọc Hà, vườn ổi ở Lủ, vườn cải ở Quang. Hai cảnh tôi thích nhất là cảnh chùa Láng u nhã, cổ kính, “đệ nhất tùng lâm của cố đô”, thờ Từ Ðạo Hạnh tương truyền là tiền thân của Lí Thần Tông và xây cất từ năm 1164, xưa chắc là một rừng thông, nay chỉ còn hai hàng thông già từ cổng đưa vào, và cảnh đền Voi Phục với hàng chòi mòi ở bên bờ lạch, hồ nước ở giữa sân và vườn nhãn ở sau chùa. Vì hai cảnh đó chỉ cách nhau ít cây số, nên lần nào tôi cũng bỏ trọn một buổi, từ hai giờ chiều tới tối để thăm cả hai nơi một lượt. Hít hương sói, hương ngâu, hương lan, hương huệ ở đền Voi Phục, rồi ra vườn nhãn, mua một bó chừng dăm chục trái, ngồi ngay dưới gốc cây mà ăn, tôi thấy thú tuyệt. Khi nào gặp mùa cốm, vào đầu thu thì tôi lựa một ngày quang đãng, dậy thật sớm, đón mua một vài vốc cốm Vòng xanh như ngọc thạch, gói trong một lá sen thơm ngát và mát lạnh, rồi lên xe điện về làng Mọc Thượng Ðình, kiếm một sân đình hay một chỗ trên bờ sông Tô Lịch, mở gói cốm ra ăn. Ăn cốm Vòng ở xa thành thị như vậy, xa mùi xăng, xa tiếng xe cộ, tôi mới hưởng hết được hương vị của thôn quê, của cây lúa Việt Nam.

(...) về Sơn Tây (...) cảnh tôi thích nhất là (...) núi Tản Viên, chỉ cách làng tôi khoảng nửa ngày đường về phía tây nam nên trông rõ mồn một, thấy cả những vạch trắng tức dãy nhà nghỉ mát ở lưng núi.

Núi cũng có tên là Ba Vì, vì có ba ngọn cao, nhọn, đều nhau; ngọn thứ ba ở bên phải khuyết một mảnh, tương truyền là sau một lần sụp núi đời Lê mạt, báo hiệu một thời vận suy của dân tộc. Thật đáng tiếc, nếu không thì có lẽ không núi nào vừa thanh tú, vừa hùng vĩ, uy nghi như núi đó.

Tháng sáu âm lịch, trời thường trong mà cơ hồ không lúc nào không có một đám mây trắng vắt ngang qua, làm nổi bật màu xanh lam đậm của núi trên nền trời thanh thiên và trên cánh đồng màu lá mạ. Thỉnh thoảng một đàn cò vỗ cánh bay qua đầu tôi, tiến về phía núi và tôi ao ước được như chúng.

Khi ánh tà dương đã tắt hẳn, núi đổi ra màu tím đen thì ở lưng chừng núi hiện lên những đám lửa hồng chập chờn, nhấp nháy do người Mọi đốt rừng để làm rẫy, mà tôi tưởng đâu như một dạ hội của quần tiên; những lúc đó núi có vẻ huyền bí và thu hút tôi một cách lạ lùng.

(...) cứ dăm ba bữa lại đi chợ Mơ, chợ Vân, cách ba bốn cây số để mua một chùm dâu da ngọt, vài chiếc bánh đa, uống một bát chè tươi trong một cái quán dưới gốc muỗm, nhất là để cùng với các thôn nữ ngồi trong một chiếc thuyền thúng tròng trành qua một dòng nước trong veo điểm những bông súng vàng và tím.

Như vậy là hết một tháng hè, tôi thấy khỏe khoắn ra cả về thể chất lẫn tinh thần (...)

Thường thường nghỉ một tháng như vậy rồi, tôi mới vì buồn mà mó tới sách vở (...) Nhưng năm đó, đúng hẹn, tôi lên thăm anh Bảng ở Phú Thọ.

Gói hai bộ quần áo vào một tờ giấy báo, thế là lên đường. Ði ngược lên bến đò Vân Xa để qua Việt Trì. Tháng sáu âm lịch, đương mùa nước đổ, chỗ ngã ba Bạch Hạc này - một nơi nổi danh trong lịch sử - rộng mênh mông, có tới hai ba cây số. Chiếc thuyền thúng phải đi ngược dòng một khúc rồi mới qua sông. Cây gạo cổ thụ và nhà cửa ở Việt Trì hiện rõ lần lần. Tôi lên bờ mà còn tiếc khúc sông sao không rộng thêm nữa để được ngồi thuyền lâu hơn nữa mà ngắm cảnh (...)

Hai hôm sau chúng tôi đi chơi núi Hùng. Khởi hành từ sáng sớm, mang theo thức ăn. Ra khỏi làng một quãng thì tới một con đường tỉnh trải đá, rất vắng mà rất sạch. Ði cả cây số chỉ gặp một hai bóng người, tuyệt nhiên không thấy một chiếc xe. Cơ hồ con đường chỉ để dùng trong mấy ngày giỗ Tổ. Hai bên là rừng và đồi chè. Có những gốc thị cao quả chín vàng cành và nhiều giếng nước xây bằng đá ở sát bên đường. Xa xa gặp một ngọn đồi trồng dứa với căn nhà lá của chủ trại. Thật tĩnh mịch, mát mẻ. Nhờ cảnh thay đổi nên không thấy đường dài.

Tôi đã bắt đầu mệt thì bỗng qua một khúc quẹo, ngọn núi Hùng âm u hiện lên sừng sững trước mặt, cao và thanh tú hơn các ngọn chung quanh. Tôi hồi hộp như nghẹt thở. Ðường dốc, tôi vừa bước vừa ngửng lên nhìn tam quan, và cứ mỗi bước, núi càng dâng cao lên trên nền trời xanh thật uy nghi. Núi có tên là Nghĩa Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, phủ Lâm Thao, dân trong miền thường gọi là núi Ðền. Có khoảng 300 bực đưa lên đỉnh.

Ở chân núi có đền Hạ cũng gọi là đền Giếng (vì trước đền có mạch nước tụ lại thành giếng) thờ hai bà công chúa Tiên Dung và Ngọc Dung, con vua Hùng.

Chúng tôi leo lên tới tam quan của đền Trung ở lưng chừng núi. Trước đền có một tấm bia lớn nét còn rõ, nhắc lại lịch sử các vua Hùng. Ðúng như anh Bảng nói, ở đây chỉ nghe thấy tiếng khỉ và tiếng bìm bịp mà tiếng bìm bịp khắc khoải lạ thường, gợi ta nhớ biết bao cuộc hưng vong của dân tộc. Mới mấy năm trước, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang cũng leo những bực này để lên đền thề đồng sinh đồng tử trước bàn thờ Tổ.

Nghỉ ở đấy một lát, chúng tôi lại leo một đỗi nữa lên tới đền Thượng trên đỉnh, thờ mười tám đức Hùng Vương, phía trước có bức hoành phi lớn khắc bốn chữ tôi nhớ mại mại là Việt Nam triệu tổ, nét rất hùng kính.

Ðền nhỏ thôi, có học giả bảo xây từ đời Lí, trùng tu năm 1914 và có lẽ năm nào cũng quét vôi lại để làm giỗ Tổ, nên không có vẻ cổ. Rất tiếc hôm đó ông từ đi vắng, cửa đền khóa kín, chúng tôi không được vào thăm.

(...) phía sau đền có một cái tháp, không có vẻ cổ kính, gọi là lăng Tổ, chắc chỉ là tượng trưng. Tuy biết vậy mà lòng tôi cũng cảm xúc dào dạt, khi thăm lăng và đứng nhìn qua cành lá thấy loang loáng ở xa xa dòng nước Ngã ba Bạch Hạc. Cái khu rộng mấy chục cây số này gợi cho chúng ta biết bao cố sự, biết đâu đào sâu chẳng kiếm được rất nhiều cổ tích.

Anh Bảng (...) cho tôi biết (...) Dân ở đây không ăn Tết mùng 3 tháng 3 (tết Hàn thực) mà ăn tết mùng 10 tháng 3. Ngày đó nhà nào cũng đón ông bà ông vải về để đi chầu Tổ (...)


(Trích truyện dài
Con đường thiên lý. Nhan đề phần trích tạm đặt.)