Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (chi tiết)




Địch gọi đây là Chiến dịch Lam Sơn 719. Mục đích là phá vỡ hệ thống hậu cần của ta ở Hạ Lào và cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh tại thị trấn Sê Pôn nằm cách biên giới Việt - Lào 42 km về phía tây. Kế hoạch tiêu diệt sinh lực quân ta là dùng quân VNCH thiết lập một số cứ điểm, kéo bộ đội vào các vùng trống, tạo điều kiện cho không quân và pháo binh Mỹ hoạt động.

Để đối phó, ta mở Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Tư lệnh Chiến dịch là thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Chính ủy là thiếu tướng Lê Quang Đạo.

Lực lượng địch

- Quân đội VNCH: khoảng 31 ngàn quân (chưa kể 10 ngàn quân hỗ trợ tuyến sau), gồm Sư đoàn dù, Sư đoàn thủy quân lục chiến, Sư đoàn 1 bộ binh, liên đoàn 1 biệt động quân, trung đoàn 4 và trung đoàn 5 của Sư đoàn 2 bộ binh, bốn trung đoàn (17, 11, 7, 4) và hai chi đoàn thiết giáp, mười ba tiểu đoàn pháo binh.

- Quân đội Mỹ: khoảng 10 ngàn quân (có lúc lên tới 15.000), 8 tiểu đoàn pháo binh, 1.200 máy bay: 800 trực thăng, 300 máy bay phản lực, 50 máy bay vận tải cỡ lớn và 50 máy bay ném bom chiến lược B-52.

Ngoài ra còn có hai binh đoàn Quân đội Hoàng gia Lào với khoảng 4.000 quân.

Lực lượng ta

- Năm sư đoàn bộ binh: 2, 304, 308, 320, 324
- Một số tiểu đoàn đặc công
- Ba tiểu đoàn tăng, thiết giáp, tổng cộng 88 xe
- Ba trung đoàn pháo binh cơ giới, một trung đoàn pháo mang vác
- Ba trung đoàn pháo phòng không
- Ba trung đoàn công binh
- Các lực lượng tại chỗ của B5, B4 và Đoàn 559
- Một số đơn vị quân chính quy và dân quân Pa-thét Lào.

So sánh lực lượng…

Về quân số, hai bên đại khái tương đương. Về hỏa lực nặng, địch hơn áp đảo: rất nhiều máy bay trong khi ta hoàn toàn không có, nhiều tăng thiết giáp gấp năm lần ta, nhiều pháo lớn gấp ba lần ta. Về lợi thế riêng của mỗi bên, phía ta quen thuộc địa hình, được nhân dân địa phương giúp đỡ, nhưng phía địch có phương tiện chuyển quân ưu việt (so sánh thứ ba là của GN).

Diễn biến

Từ 31/7 đến 7/2: Địch chuyển quân ra các điểm xuất phát, thực hiện hoạt động nghi binh.

- Ngày 8/2, địch vượt biên giới Việt - Lào, tiến về phía Bản Đông theo đường 9 và chiếm một số điểm cao.

- Ngày 10/2, địch kiểm soát được Đường 9 cho đến Bản Đông, nằm sâu 20 km trong địa phận Lào và ở khoảng giữa đường tới Sê Pôn.

- Ngày 11/2, Bản Đông trở thành cứ điểm chính của địch. Quân ta tổ chức bao vây Bản Đông, không cho địch tiếp tục tiến về Sê Pôn.

Ngay từ đầu, quân ta chặn đánh khắp nơi, tiêu hao sinh lực địch. Đối với các căn cứ hỏa lực, ta tiến hành ngày đêm pháo áp chế và hủy diệt. Các trận địa pháo của ta được ngụy trang kỹ, nên máy bay địch không phát hiện được bao nhiêu. Vào lúc thích hợp, với xe tăng đi theo và phòng không giăng lưới lửa, bộ binh tiến công đánh chiếm căn cứ.

- Ngày 16 tháng 2, trung đoàn 102 của Sư 308 bắt đầu đánh điểm cao 500 do tiểu đoàn 39 biệt động quân địch đóng giữ. Chiều ngày 20, quân ta chiếm xong vị trí này.

- Từ ngày 21 đến ngày 23, quân địch bị đánh bật khỏi hai cứ điểm nữa.

- Ngày 25/2, sau khi vây lấn suốt bốn hôm, trung đoàn 64 (Sư 320) và xe tăng phối thuộc tiến công vào căn cứ hỏa lực 31. Đến chiều quân ta làm chủ căn cứ, tiêu diệt tiểu đoàn pháo binh, tiểu đoàn dù 3, bắt sống viên đại tá Nguyễn Văn Thọ lữ trưởng lữ 3 dù cùng toàn bộ ban tham mưu. Căn cứ hỏa lực 30 tồn tại thêm được một tuần.

- Từ ngày 26 đến ngày 28, quân ta tiến công gây tổn thất cho Sư đoàn 1 bộ binh và Sư đoàn thủy quân lục chiến, phá tan các đợt “nhảy cóc” lùng sục đánh phá kho tàng.

- Ngày 2/3, một bộ phận của Sư đoàn 308 và hai trung đoàn 64 (Sư 320), 66 (Sư 304) được lệnh bắt đầu tiến công Bản Đông. Sư đoàn 2 hoạt động ở hướng nam, không cho Sư đoàn 1 bộ binh VNCH đến tiếp cứu. Trung đoàn 24 (Sư 304) và một số tiểu đoàn của Mặt trận chốt giữ đường 9 giữa Bản Đông và Lao Bảo, chặn đường về của địch. Với lực lượng chính đóng ở Bản Đông đang bị vây, các đơn vị dù và biệt động quân đang chiến đấu để sống sót, Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định giao cho Sư đoàn 1 bộ binh VNCH thực hiện một cuộc hành quân trực thăng vận xuống Sê Pôn. Để thay chân Sư đoàn 1 ở phía nam đường 9, địch dùng lữ đoàn dù số 2 và hai trung đoàn thủy quân lục chiến số 147 và số 258.

- Ngày 3/3, địch đổ bộ một số đơn vị xuống cách Sê Pôn vài cây số. Nhiều trực thăng bị bắn rơi. Ba hôm sau, địch đổ bộ hai tiểu đoàn nữa, lần này ta không bắn rơi được bao nhiêu trực thăng. Địch cho quân vào lùng sục Sê Pôn trong hai ngày.

- Ngày 9/3, Nguyễn Văn Thiệu quyết định bắt đầu rút quân VNCH khỏi lãnh thổ Lào. Chính từ đây, địch sẽ bị tổn thất lớn.

- Từ ngày 12 đến ngày 17/3, quân ta tiến công dồn dập vào Bản Đông (do lữ đoàn dù số 1 và hai thiết đoàn đóng giữ). Ngày 18/3, địch bắt đầu tháo chạy. Ngày 20/3, quân ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm này sau khi tiêu diệt và bắt sống gần 1.900 tên địch, phá hủy và tịch thu 113 xe các loại, 24 khẩu pháo, bắn rơi 52 trực thăng. Trên đường từ Bản Đông về Lao Bảo, địch lại mất thêm rất nhiều xe tăng, thiết giáp và pháo.

- Ngày 16/3, một số đơn vị thuộc Sư đoàn 2 bắt đầu đánh trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 1 bộ binh VNCH. Sau hai ngày, quân ta tiêu diệt và bắt sống khoảng 1.750 tên địch, bắn rơi 50 máy bay các loại, tịch thu rất nhiều súng lớn nhỏ.

- Từ ngày 19/3, quân ta chuyển dịch đội hình về phía đông, lần lượt tiêu diệt địch co cụm ở các khu vực Cha Ky, Huổi San, Lao Bảo, Làng Vây.

- Ngày 19/3, bộ đội phục kích ở động Na, Kế Sách, Ba Lào, đánh một đoàn xe địch, phá hủy 28 chiếc, tiêu diệt và bắt sống khoảng 200 tên địch.

- Ngày 21/3, quân ta tiến công cứ điểm Delta phía nam Đường 9. Địch tháo chạy tới cứ điểm Hotel, rồi rút tiếp ra khỏi Lào. Rất nhiều trực thăng bị bắn rơi hoặc bắn trúng.

- Ngày 23/3, bộ đội đặc công B5 phá nổ kho đạn tại Khe Sanh, tập kích sân bay Tà Cơn, phá hủy nhiều trực thăng, tiêu diệt một số phi công và nhân viên kỹ thuật Mỹ.

- Ngày 25/3, quân VNCH rút hết khỏi lãnh thổ Lào. Chiến dịch Lam Sơn 719 kết thúc.

Tổn thất

Ta loại khỏi vòng chiến đấu có thể tới hơn 23.000 quân VNCH, khoảng 1.400 quân Mỹ, bắn rơi 7 máy bay và 168 trực thăng, gây thiệt hại cho khoảng 600 trực thăng khác, phá hủy và tịch thu gần 400 xe cơ giới (tăng, thiết giáp, vận tải, công binh), 112 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, bắn chìm 43 tàu và xà-lan. Phía ta có 2.163 chiến sĩ hy sinh, 6.176 bị thương.

Kết quả

Địch có phá hủy được một số kho tàng. Nhưng chỉ một năm sau ta đã đủ hậu cần để mở Chiến dịch Xuân Hè 1972. Sau khi địch rút, đường Hồ Chí Minh vẫn hoạt động bình thường.


(Nguồn: trang
vi.wikipedia.org)