Chữ “già” đây nghĩa là qua đời. Trong Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, khi người lão bộc nói với cậu bé: “Ông già rồi…”, thì cậu không hiểu nên đáp: “Không già mà lại có râu!”! Đoạn này đại khái là tâm trạng Tú Uyên sau cái chết của song thân. (TT)



Khuyết danh, Bích Câu kỳ ngộ (3.1)




Thoi đưa ngày tháng sương sao (35)
Ngô vừa rụng lá lại đào nẩy hoa
Trời hôm giục bóng dâu tà
Xuân già e tuyết, huyên già ngại sương
Não người thay! nỗi tang thương
Trông vùng mây trắng ngất đường non xanh (40)
Vai còn đôi gánh thâm tình
Bầu Nhan đã sạch sành sanh còn gì!
Mấy phen hạ tới thu về
Lọt mành nắng rõ, quanh hè tuyết xây
Chiều trời lạnh ngắt hơi may (45)
Mai tàng trước gió, liễu gầy sau sương
Lơ thơ nửa mái thảo đường
Phên thềm lọt gió, vôi tường thấm mưa
Phong quang lạ khác dấu xưa
Ao tù sen rũ, rào thưa cúc cằn. (50)




_________
Chú giải của Hoàng Xuân Hãn:
“Thung huyên”: cha mẹ. Chính âm là xuân huyên.
“Thông minh sẵn có tư trời”: lấy ở Kiều.
“Chùm”: chữ nôm viết với phần âm “sum”, vì tiếng cổ là “slum”, nghĩa là góp nhiều mảnh lại để làm thành một vật gì để che.
“Thừa lưa”: có nhiều lắm, dùng không hết.
“Phách bướm”: đây nghĩa là đánh nhịp.
“Lưu loát”: cũng như thừa lưa, nay ta dùng với nghĩa trôi chảy, không ngập ngừng.
“Bốn báu”: bút, mực, giấy, nghiên, thường gọi là “văn phòng tứ bửu”.