Khung thời gian trong bài ký này chắc là dịp Tết năm 1972. Không gian là quanh binh trạm 32, Đường 9 Nam Lào. Nơi đây, mới đầu năm ngoái, địch đã hùng hổ huy động đông đảo lực lượng tinh nhuệ nhất vượt biên giới nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh và phá hủy hết kho tàng của quân ta. Mỹ đánh giá “Chiến dịch Lam Sơn 719 là một thảm họa cho quân lực Việt Nam Cộng hòa” (trang en.wikipedia.org). Tiêu biểu cho “thảm họa” là sự kiện một đại tá lữ trưởng Dù bị bắt sống cùng toàn bộ chỉ huy…

Năm nay, hệ thống đường Trường Sơn kín đã phát triển, xe ra vào nườm nượp ngay giữa ban ngày, chạy dưới lá nên mắt thịt của đám giặc lái không thấy, mà nhiệt xe tỏa ra lẫn với nắng khiến mắt máy hồng ngoại của bọn ác điểu AC-130 cũng mù… Treo hoa vừa che đường vừa đón Xuân, tuyệt quá. Tưởng tượng trước và sau cái Tết ấy, ngày đêm, hai bên đường người người sẵn sàng nổ súng bắn máy bay, người người chuẩn bị lấp hố bom sửa đường, để cho người người lái xe chạy như một cơn lốc chở những thứ cần thiết cho quân ta dậy một cơn bão lửa địch chưa từng thấy trong suốt cuộc chiến tranh này!

Đã có những Tết Trường Sơn chẳng những vật chất vô cùng khó khăn mà tinh thần cũng căng thẳng cơ hồ không còn chịu nổi. Tuy từ đây đến ngày toàn thắng vẫn còn cách một chiến dịch Xuân Hè cực kỳ sôi động, nhưng trên những miền cao dọc chiều dài đất nước, thời kỳ thử thách nhất đã qua rồi…
(Thu Tứ)



“Tết Trường Sơn”

Hoàng Kiền




Cuối tháng 11 chúng tôi lên đường hành quân vào chiến trường. Tiểu đoàn gần 500 thầy giáo cấp 1, cấp 2 của tỉnh Nam Hà, mỗi người đeo một ba-lô quân tư trang, súng đạn, một bao tượng gạo, bộ xoong nồi tiểu đội chia nhau mang vác, đến trạm giao liên nghỉ dừng chân đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm ăn. Vẫn quán triệt phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Trời còn rơi rớt những trận mưa nhỏ, đường trơn, dốc đứng vực sâu, chống gậy hành quân thật là gian nan.

Khi tới các khu vực trọng điểm, máy bay địch đánh phá, thả pháo sáng suốt đêm, dưới ánh đèn dù chiếu qua kẽ lá, cả đoàn quân nhanh chân băng băng chạy qua, hồi hộp toát mồ hôi hột ra.

Một sự cố bất ngờ đến với tôi, hôm ấy được phân công đun nước, xoong 20 đã sôi, tôi gọi anh em mang bi-đông đến lấy nước, đang rót bỗng dưng non nửa xoong nước đổ ụp xuống hai chân, bàng hoàng, hoảng hốt. Anh em cả tiểu đội kéo đến, cán bộ khung, quân y đều có mặt. Có tiếng hô đổ hết gạo vào xoong ngâm chân ngập trong gạo, sau đó đồng chí y sĩ bôi thuốc mỡ kín hai bàn chân, pha nước muối đầy chậu cho chân vào ngâm. Nằm trên võng nghiêng mình hai bàn chân ngập trong xoong nước muối, chập chờn trong giấc ngủ mà lo ngày mai phải nằm lại trạm giao liên, xa đội hình, nỗi buồn man mác trong lòng. Mờ sáng hôm sau tỉnh giấc nhấc chân ra khỏi chậu nước đứng dậy, hồi hộp reo lên: Chân tôi khỏi rồi!

Trong tiểu đội có anh Đặng Quí Thiều người thành phố Nam Định, học cùng lớp sư phạm, sức khỏe yếu quá, hành quân khoảng một tuần bạn gần như không đi được nữa. Chúng tôi báo cáo lên trên để anh ở lại trạm giao liên rồi quay ra, nhưng Quí Thiều không chịu, cứ nhất định xin đi cùng vào chiến trường đánh Mỹ.

Không khí Tết đã thấp thoáng trên đường ra trận, mai rừng vàng rực trên các bản làng xa xa, trên các cánh rừng bên sườn núi. Qua những đoàn quân đi trên con đường mòn này suốt bao nhiêu năm tháng, người Lào đã biết đến cái Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam, họ mang những cành hoa mai nhỏ cùng gà, chuối, đu đủ, các loại rau quả ra dọc đường hành quân, để đổi lấy mì chính, kim chỉ khâu, bật lửa, đá lửa, giấy viết, bút bi…

Anh Đặng Quí Thiều làm bài thơ đón Tết:

(...) Cánh đào ngoài Bắc gọi xuân sang
Mai đón Tết đây rực rỡ vàng
Đón xuân mẹ ngắm đào mai nở
Giao cành trùm biếc trời Bắc – Nam.


Sau hơn một tháng, vào đến đường 9 Nam Lào chúng tôi được bổ sung cho Đoàn 559 – Trường Sơn. Tôi về Ban tham mưu Công binh ở binh trạm 32 sát Tết âm lịch. Không khí đón Tết đang nhộn nhịp cả cơ quan. Trường Sơn không có hoa đào, bộ đội ta vào rừng tìm chặt hoa mai rừng, hoa chuối rừng, hoa phong lan v.v. về trang trí Tết. Hàng Tết một phần từ Miền Bắc, phần lớn là từ nuôi trồng tại chỗ, còn lại do bộ đội vào bản trao đổi với dân Lào và tìm đến những nơi dân đã bỏ đi để thu hái rau quả. Nhờ nỗ lực, các món Tết cổ truyền vẫn đầy đủ, dưới nhà hầm có bàn thờ đặt mâm ngũ quả trưng bầy ngày Tết.

Đối với các đơn vị xe ô-tô, những ngày đón Tết khô ráo là dịp để “tổng công kích”. Bất chấp bầu trời không ngớt tiếng máy bay, tiếng bom rơi đạn nổ, tất cả các đoàn xe đều tranh thủ vượt cung tăng chuyến, ăn Tết trên đường. Hàng Tết được bộ phận hậu cần ở các điểm hậu cứ của đơn vị chuẩn bị và phân phát cho từng xe. Những cành hoa mai được chặt về đặt trong ca-bin.

Hoa mai chặt hái trên rừng
Sắc màu rực rỡ đi cùng hành quân
Đạn bom, vẫn vững tinh thần
Đón xuân, ăn Tết xe băng đường dài.


Bộ đội phòng không Trường Sơn thường tổ chức thành đại đội pháo, trung đội súng máy. Không khí Tết về trên từng mâm pháo, từng khẩu đội trọng liên phòng không. Hoa mai rừng tỏa sắc vàng rực rỡ hòa cùng ánh thép nòng súng vươn cao hướng lên trời xanh.

Ở các trận địa, bộ đội thay nhau trực chiến 24 trên 24, khi được thay ca thì về nằm trong hầm chữ A. Hậu cứ cách trận địa khoảng một đến hai cây số, bộ đội ở trong nhà âm, chuẩn bị Tết cho cả đơn vị, có nơi gói được bánh chưng, có nơi nấu cơm nếp mang ra cho những người đang trực chiến. Trong các nhà âm, hầm phòng không, vẫn trang trí bàn thờ, các món ăn ngày Tết. Bộ đội thay nhau ra trận địa và về hầm, từng tốp đi xông hầm, xông trận địa thay cho xông đất. Máy bay địch đến là lưới lửa phòng không vẫn giăng lên kịp thời.

Chúc nhau trận địa vững vàng
Giương cao nòng súng hiên ngang giữa trời
Bắn cho quạ Mỹ tơi bời
Xe ra tiền tuyến không ngơi đêm ngày.


Bộ đội công binh chốt trên các trọng điểm bám đường bảo đảm giao thông. Thường tổ chức đội hình đại đội, các trung đội trực tiếp chốt tại trọng điểm, hoàn toàn không có nhà mà ở dưới hầm chữ A. Hậu cứ cách khoảng hơn một cây số, làm các hầm nóc bằng để ở, hầm chữ A để ẩn nấp khi máy bay đánh phá. Vẫn có hoa mai, hoa chuối rừng, quả rừng trang trí Tết, vẫn thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng đậm đà hương vị ngày xuân. Đến giao thừa là từng tốp đi chúc Tết nhau. Cũng chuyển phong tục xông đất sang xông hầm.

Các đoàn xe vẫn rầm rập hướng ra mặt trận. Vào thời khắc giao thừa, những loạt súng đủ các loại trên các trận địa phòng không, trên các chốt giao thông, trên các đoàn “Đại bàng”, “Tuấn mã” bùng lên, vang vọng khắp núi rừng Trường Sơn, chào đón bài thơ chúc Tết của Bác Hồ, sau là lời Bác Tôn qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bộ đội ô-tô dừng xe vào chúc Tết bộ đội công binh, tay bắt mặt mừng, lời chào lời chúc vang lên át cả tiếng bom rơi đạn nổ.

Trường Sơn đón tết xông hầm
Trường Sơn rực lửa đất trời
Mịt mùng trọng điểm không ngơi bom rền
Từ trường, nổ chậm… triền miên
Rừng trơ núi trọc đá nghiền thành vôi
Công binh bám trụ không rời
Phá bom mở lối kịp thời xe qua
Dọc ngang “quạ sắt” lượn rà
Pháo ta nhả đạn như hoa giữa trời
“Con ma, thần sấm” rụng rơi
“Đại bàng”, “Tuấn mã” sục sôi kiên cường
Vận chuyển chi viện tiền phương
Tiếp thêm sức mạnh chiến trường tiến công
Tinh thần ý chí tâm hồng
Sửa sang hầm hố liên thông là nhà
Quê hương thương nhớ phương xa
Phong tục truyền thống giao hòa trong tâm
Nửa đêm xông đất, xông hầm
Xem tên chọn tuổi xếp phân đàng hoàng
Chúc nhau đồng đội vững vàng
Hầm thêm kiên cố ngày càng “khang trang”
Chốt trên trọng điểm hiên ngang
“Con ma, thần sấm” mắt vàng chạy xa
Bảo toàn lực lượng quân ta
Sẵn sàng cuốc xẻng xông ra thông đường
Công binh, xe, pháo hiệp đồng
Đón xuân, vui Tết ấm nồng tình thương
Đưa hàng ra tới tiền phương
Đánh tan giặc Mỹ chiến trường lập công.


Từ năm 1971, hệ thống đường kín được mở ra gọi là đường “K”, một mạng đường rộng khắp Tây Trường Sơn với chiều dài hơn 3.000km. Những con đường uốn lượn tỏa lan dưới những cánh rừng già của đại ngàn hùng vĩ. Bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hừng hực khí thế, lực lượng đông đảo rải ra lao động không quản ngày đêm, mồ hôi đổ xuống thấm đẫm các cung đường hướng ra tiền tuyến. Từng trung đội, tiểu đội các cô gái Trường Sơn tổ chức ngụy trang đường. Những đoạn đi qua rừng non, rừng thưa, các khung tre gỗ được dựng lên, cài cây rừng che phủ, nhiều nơi chị em lấy phong lan treo lên vừa là ngụy trang vừa là trang trí đón Tết. Đường kín đã “loại khỏi vòng chiến đấu” các loại máy bay của địch, nhất là bọn AC-130 từng làm mưa làm gió trong mùa khô 1970 – 1971, gây cho ta tổn thất rất lớn. Có đường K, suốt ngày xe ra vào nườm nượp, lũ quạ sắt có mắt như mù.

Không khí ngày Tết Trường Sơn thật náo nức (…) bừng lên hào khí với niềm tin chiến thắng.


(Trích bài của thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVTND, đăng trên
Tuần Báo Văn Nghệ TPHCM, số Xuân 2020)